Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

TRÚC CHI - TIẾNG KÊU DA DIẾT

TRÚC CHI
TIẾNG KÊU DA DIẾT
I

- Làm sao tay cháu được ôm con, cô bác ơi?
Tôi vừa lên khỏi cầu thang phòng ngoại bệnh viện đã nghe câu hỏi lẫn trong tiếng khóc. Một câu hỏi mà sao nghe như tiếng kêu của người con gái trong kia phòng bệnh. Cách bức vách, tiếng kêu ấy cứ vang dội ra làm thành vòng xoáy xoắn ốc, tôi có cảm giác nhức nhối trên thân thể. Đến khi sắp bước vào cửa, câu hỏi thành lời kêu kia như dòng âm thanh oà ra tôi nghe trọn vẹn của một nỗi đau lớn:
- Làm sao tay cháu được ôm con, cô bác ơi?
- Mấy chị, mấy mẹ cũng là những bệnh nhân hàng ngày đến phòng cô gái, nhìn cô gái đang nằm trên chiếc giường sắt, mặc bộ quần vải dày cứng màu xanh của người lính. Nước mắt người nào cũng chảy ướt, hai mắt nhìn vào bàn tay phải, năm ngón mở ra nắm lại như một cái máy của cô gái. Tôi biết bà con tránh nhìn cánh tay kia của cô gái đang bị liệt để xuống giường sát bên hông. Cánh tay kia, hai chân kia, một phần cơ thể đã bị chết. Bà con thì nhìn cô gái và cánh tay còn chút sinh động, còn cô gái thì nhìn bà con như để cầu cứu “Làm sao tay cháu được ôm con, cô bác ơi?”
Tôi ngồi xuống bên cạnh cô gái định hỏi chuyện, nhưng mấy mẹ bảo cô ấy có còn nhớ gì biết gì mà hỏi. Nếu có nhớ thì thì chỉ nhớ đứa con năm tuổi, một vài tuần ông bà ngoại dắt xuống. Con thì ngơ ngác nhìn mẹ rồi hỏi sao mẹ không về, còn cô ấy thì miệng gọi con, cánh tay trái giơ lên định quàng lấy con, nhưng cánh tay làm sao đưa lên nổi. Chỉ còn cánh tay phải ôm lấy con, riết chặt lấy con vừa thở vừa khóc. Đứa con vừa thương mẹ nó lại vừa sợ cánh tay làm nó nghẹt thở. Hai tay nó gỡ cánh tay mẹ ra rồi đứng nhìn khóc theo mẹ. Những lúc ấy cô gái nhìn bàn tay mình đau xót bất lực, rồi hốt hoảng nhìn cánh tay đã chết kia kêu lên thất thanh” - Làm sao tay cháu được ôm con, cô bác ơi?
Từ ngày cô gái chuyển đến bệnh viện Bắc Phú Khánh này, bà con bệnh nhân nghe thành quen câu hỏi, lời kêu cứu nhức nhối, bất lực.
Vào một buổi sáng ngày 8.8.88 chính tôi nghe lời kêu gọi đó ngay trên giường bệnh này. Trước một ngày tôi nghe nhiều bà con quanh cái xóm Lê Thành Phương nói về cô gái Đoàn Thị Thuận bị mấy tên công an xã Hoà Quang chỉ vì nghi người ta ăn cắp mấy lọ thuốc chích heo mà tra tấn, đánh đập thành bại liệt nửa cơ thể. Tôi nghe nhưng chưa tin. Đến khi cô em dâu tôi xuống thăm và có nói “anh Năm nên xuống bệnh viện thăm một cô gái bị công an xã đánh đi đến bại liệt chân tay”. Buổi sáng ấy cơn gió nam của Tuy Hoà cũng dậy sớm hơn. Mấy ngọn cây xà cừ đường Trần Hưng Đạo ào thổi. Cửa sổ chỗ đặt giường cho Thuận nằm ánh sáng chói chang và hầm hập cơn nóng lùa vào như vãi lửa.
Trước đó gần ba năm, sau vụ đánh của tên trưởng công an xã Trương Trọng Lực cùng mấy tên Trịnh Văn Bắc, Trần Minh Phong, chở đi trên một chiếc xe bò đến hai bệnh viện địa phương chữa trị. Nhưng hai bệnh viện khám nghiệm không thấy gì. Đến khi gia đình chở Thuận vào bệnh viện thành phố thì bác sĩ cho biết bệnh nhân đã liệt từ cơ bụng trở xuống cùng với cánh tay trái, không thể nào chữa trị được. Anh Đoàn Cư em trai Thuận cho biết, ngay trên giường bệnh viện thành phố vào một đêm Thuận trở mình bỗng thảng thốt gọi em :
- Cư ơi, sao hai chân chị thế này, hai chân nặng như đá ấy.
Cư véo vào hai chân chị, không nghe chị kêu đau. Cư oà khóc biết một tai hoạ đến với chị mình. Bắt đầu giờ phút ấy Thuận lịm đi, rồi tỉnh dậy hốt hoảng kêu :
- Trời ơi làm sao tôi đi được. Cư ơi làm sao chị xách nước cho mẹ giặt, chị đi làm để nuôi cháu, hở Cư?
Ngày đó, Thuận chỉ mới nghĩ đến việc đi. Là con gái đầu lòng, hồi nhỏ cha mẹ cho ăn học, lớn lên chưa kịp giúp gì cha mẹ, Thuận lấy chồng. Một hai năm sau Thuận có con, chồng ở bộ đội về mang thương tật trở chứng đánh đập, hành hạ Thuận chịu không nỗi, năn nỉ chồng “nếu không thương em nữa thì bỏ em đi, chớ đánh đập tội em”. Chồng đưa đơn, xã cho ly hôn, Thuận về ở cha mẹ. Thuận ra ruộng với mẹ, gánh lúa với em, dắt tay con đi chích thuốc dạo để nuôi sống. Bây giờ chân bị liệt rồi làm sao đi, làm sao giúp cha mẹ, nuôi con nhỏ bốn tuổi.
Bệnh viện Sài Gòn theo tuyến khu vực phải trả Thuận về bệnh viện Quy Nhơn. Xe chở Thuận ra đúng nửa đêm 26 tết âm lịch, gió heo hun hút, trời tối như mực đành phải gửi vào bệnh viện Bắc Phú Khánh. Liền những ngày sau đó nằm trên giường bệnh Thuận vẫn chưa quen hai chân mình bị liệt. Vào những đêm có trăng, cây dương liễu ngoài sân ngã bóng vào giường nằm, Thuận mơ màng thấy mình leo lên cây cau sau nhà để hái buồng cho mẹ. Mẹ đứng dưới cây cứ gọi “cẩn thận nghe con, Thuận”. Thuận leo thoăn thoắt giỏi hơn con trai. Trong giấc mơ Thuận nói xuống với mẹ “con gái Hoà Quang mà mẹ”. Trong mơ Thuận đưa hai chân mình co lên để đạp mạnh cái nài nhưng sao hai bàn chân nặng như đá. Tỉnh dậy, Thuận thở hổn hển, một nửa thân dưới như xác chết. Thuận lại khóc. Thuận lại nhớ mẹ cha đau đớn khôn nguôi: “từ đây con giúp được gì cho cha mẹ, cha mẹ ơi”.
Một năm sau. Một hôm bà Liễu thay chồng đi bộ hơn nữa ngày đường xuống thăm con. Lần nào cũng vậy, vừa bước vào phòng là mẹ sà đến ôm hai chân con gái khóc rấm rức. Thuận nhìn vai áo bà ba đen của mẹ dứt vạt. Hôm đó Thuận vừa mới may được mấy đường chỉ thì ngoài ngõ mấy anh công an vào.
- Mẹ ơi, chiếc áo con chưa khâu cho mẹ, mẹ có bận gì thì đem xuống cho con may tiếp, nghen mẹ.
Thuận vừa nói vừa đưa cánh tay trái ra. Nhưng sao thế này. Cánh tay như không phải của mình, cánh tay cứ nằm yên trên ngực mình. Thuận biết cánh tay mình đã liệt mà mấy hôm trước Thuận cảm thấy tê tê. Thuận thoáng nghĩ nhưng không tin… Bỗng Thuận khóc ngất và bất tỉnh. Bà Liễu nằm nhoài mình trên mình con khóc không ra tiếng. Cánh tay bị liệt của Thuận bà để trên mặt bà. Bà nghe cái lạnh ngắt của bàn tay chết của con gái mình. Bà nghĩ về đời con mà đứt từng khúc ruột. Có một lần bà ngồi suốt đêm với con nói chuyện và việc lấy chồng nếu con gái mẹ hết liệt chân. Thuận nằm ngửa mặt, hai mắt mở trân trân. Những kỷ niệm thời cái tuổi hai mươi, hai mốt người con trai mình yêu, cầm bàn tay mình nóng hổi. Rồi những ngày đầu xuân cùng người yêu leo núi Miếu hái trái dấy, trái dủ dẻ, ngồi dưới bóng cây giông cắn ăn nhấm nhứ. Trưa mùa đông cùng người yêu bơi chiếc thuyền con mũi nhọn trên mương, mùa lụt chảy qua ngang mặt nhà…
Bây giờ chân mang tật, nếu có hết cũng khó lấy chồng. Thuận nghĩ như vậy hưng không nói ra sợ mẹ buồn. Bà Liễu tưởng là con cùng ý nghĩ như bà. Bà cảm thấy vui vui, hy vọng. Vậy mà bây giờ tay con lại bị liệt tiếp. Trời ơi là trời. bà kêu thầm, bà kêu trong tiếng nghẹn ngào, người run run, hay ngực con gái bà rung rung đau đớn, uất ức. Rồi cứ từng chặp hai tay bà Liễu nhăn nheo sờ nắn hai ống chân và bàn tay trái của Thuận, hai ống chân mới ngày nào nguyên vẹn, thon thon và bàn tay mềm mại, mát mẻ đang tuổi con gái.
II
Bà Liễu nhớ mãi buổi chiều hôm ấy vào tháng tư năm 1986 âm lịch. Thuận theo mấy anh công an xã lên trụ sở uỷ ban. Thuận đi đầu không nón, bộ quần áo mặc vừa đi làm về chưa kịp thay. Thuận bước tới cầm tay mẹ lắc lắc, nói với “chút nữa con sẽ về”. Cái bàn tay mềm mại, mát mẻ của con bà quen hơi quen hám từ hồi còn nhỏ. Nhìn theo bước chân thon thon trắng, hai bắp chân đi chạy không biết mỏi, hai bắp chân leo cau giỏi hơn con trai. Thuận đi rồi chiều xuống cũng không thấy về. Nóng ruột quá bà sai con Tiến em gái Thuận chạy lên trụ sở xem sao. Độ chừng chín nồi cơm, con Tiến hộc tốc chạy về, vừa thở, vừa khóc, vừa nói cho mẹ nghe.
Thuận bị nhốt trong phòng công an xã. Đứng ngoài ngoài này nghe rõ tiếng khóc, tiếng thét của Thuận. Tiến chạy vào, cửa phòng đóng kín mít. Đứng ở ngoài nó cứ gọi vào “chị Thuận ơi, chị Thuận ơi”. Rồi Tiến rón rén vòng ra phía sau, nhìn vào lỗ hổng cánh cửa sổ. Nó thấy chị Thuận hai cánh tay bị trói ngoặt ra phía sau giống như người ta bẻ ngược hai cánh gà vắt chéo chồng lên lưng vậy. Anh Phong công an xã xoắn chiếc dây rất nhỏ vào hai bàn tay, tự nhiên chị Thuận bị xách ngược lên khỏi mặt đất. Mới đó chị Thuận bị rút ngược lên cao tới gần sà nhà. Tiếng chị Thuận kêu đau. Tiếng anh Lực trưởng công an xã đứng dưới nói lên “có phải mày ăn cắp thuốc không? Mày nhận đi khỏi chết”. Tiếng chị Thuận ở trên nói xuống “không, tôi không ăn cắp, thuốc chị Trang vợ anh đưa tôi đi bán, tôi không ăn cắp”. Rồi chị Thuận hạ dần dần xuống nhưng hai chân vẫn không chấm đất. Anh Lực, anh Bắc dùng tay dùng chân đánh, đá vào chị. Hình như đánh mỏi hai anh thay nhau cầm một chiếc thước gỗ đánh vào hai chân chị Thuận. Tiếng chị Thuận la “bà con ơi cứu tôi”. Anh Lực bước tới nắm lấy hai chân chị Thuận gác lên song ngang cửa sổ. Cả người chị Thuận một đầu dây treo, một đầu níu vào cửa sổ, bụng cong vòng xuống. Ba anh Lực, Bắc, Phong đứng ở dưới chân mang giày vải bộ đội đá xáng lên bụng chị Thuận. Người chị Thuận oằn lại, tiếng kêu không thành tiếng đứt quãng. Đánh mệt, ba anh mở cửa chạy ra sân xem bóng chuyền. Đến khi ba anh thấy Tiến đứng ở cửa sổ liền quát nạt đuổi về.
Nghe xong bà Liễu vừa đi vừa chạy lên đến trụ sở uỷ ban trời vừa chập tối. Cửa phòng công an mở rộng. Thuận nằm trên chiếc ghế xỉu bất tỉnh. Bọn chúng không cho bà nhào vào ôm con gái. Ngoài cửa chiếc xe bò lịch kịch đến đứng chờ. Bọn chúng khiên chị Thuận ra xe một cách vội vã. Bà Liễu nhào theo gọi “con ơi, Thuận ơi”. Bà chỉ mới sờ được tay được chân Thuận. Bà chỉ mới biết tay chân con gái bà lạnh ngắt.
Vậy mà bây giờ hai chân và cánh tay trái của Thuận không còn nữa. Đến nay bà mới thực sự biết con gái bà không thể nào lấy được chồng. Thế là con bà mất đi một đời. Còn Thuận thì ngay lúc ấy lại nghĩ từ đây mình không thể giúp cha mẹ đang tuổi già, mình không đủ bổn phận làm con. Mấy tháng sau đó, Thuận không còn trí nhớ, kể cả không nhớ bọn chúng đánh mình ra sao, đã nằm bao lâu rồi trên giường bệnh viện. Thời gian như làm đông đặc để còn lại một nỗi nhớ da diết thằng con trai. Đến khi thằng con trai theo ông bà xuống Thuận mới bắt đầu nỗi khao khát làm mẹ, khao khát ôm thằng con vào hai cánh tay. Nhưng nào có được, một cánh tay đâu còn là của chị nữa. Thuận hỏi thành lời như kêu cứu:
- Làm sao tay cháu được ôm con.
Tôi biết bàn chân mà Thuận đòi để đi ra đồng, để leo cau hái trái. Bàn tay mà Thuận đòi để xách nước, vá may cho mẹ và để ôm con cũng chính là lời kêu cứu của cha mẹ Thuận ngay tại phiên toà sơ thẩm. Phiên toà ngày hôm ấy như một biển người. Trong phiên xử không có mặt nạn nhân chỉ có những tên tội phạm đứng trước vành móng ngựa. Toà xử với 20 năm tù cho ba tên vẫn chưa đủ. Khoản bồi thường cho nạn nhân bằng hai tấn gạo vẫn chưa xứng đáng. Đứng giữa biển người ông bà Liễu cứ giập đầu lạy bốn phía bà con xin cứu lấy Thuận đang mất dần tay chân, mất cả sự sống. Một phiên toà mà tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng đòi công bằng, công lý động đến đất trời. Ngày hôm đó không khí thị xã Tuy Hoà như trận bão đau đớn và phẫn nộ. Vậy mà ngày trong ngày đầu tiên thân thể Thuận bị liệt thì bốn tháng sau ba tên tội phạm là lượt nhận án vào nhà giam. Tuy hoà lại một lần nữa đập cửa công lý, đập cửa pháp luật, phiên toà phúc thẩm lại tiếp tục xử. Tuy hoà một lần nữa đứng lên bảo vệ cho Đoàn Thị Thuận.
Tháng 8.1988 ngày ấy tôi đến bên giường bệnh của Thuận, trong phòng của Thuận xung quanh ấy cũng chỉ có bà con cô bác. Ngày ấy kêu cứu cho đôi chân cũng chỉ với bà con. Thuận kêu cứu cho cánh tay trái cũng chỉ với bà con. Bà con là mẹ cha, là niềm tin cậy thiết tha trái cũng chỉ với bà con. Bà con là mẹ cha, là niềm tin cậy thiết tha của Thuận, còn các nhà chức trách, kể cả pháp luật, sao như thánh thần ở trên cao mười tầng trời.

III
Mấy ngày đầu tháng mười một năm 1988 tôi về lại Tuy Hoà. Tuy Hoà vừa qua cơn bão số 7, số 8 và nay cơn bão số 9, số 10 rập rình ngoài xa biển Thái Bình Dương. Tôi đi vào phòng bệnh của Thuận. Lần này bà con cô bác Tuy Hoà đến thăm Thuận mà trên giường nằm Thuận thư các bạn đọc gần xa gửi về cho Thuận, an ủi Thuận, chia nỗi đau cùng Thuận. Đến với Thuận lần này mặc dù tôi chưa dám nói ra nhưng tôi tìm cách xem cánh tay phải của Thuận ra sao. May sao bàn tay phải của Thuận đang để ngửa. Tôi đặt vào đó một lá thư của một nhà tu hành thành phố nhờ tôi chuyển cho Thuận. Sao năm ngón tay nằm im bất động. Tôi cúi xuống hỏi “Cháu Thuận cầm xem thư của một vị tu hành gửi cho cháu đấy”. Thuận nhìn tôi hai mắt mở trân rồi oà khóc:
- Tay cháu làm sao cầm được nữa. Làm sao tay cháu được ôm con ?
Thế là cánh tay phải của Thuận tiếp tục liệt. Cách đây ba tháng, cánh tay phải của Thuận còn co giãn, đưa lên xuống. Năm ngón tay mở ra nắm lại. Thằng nhỏ con Thuận xuống thăm mẹ, cánh tay phải của Thuận quàng một vòng qua cổ con, Thuận hỏi nhỏ:
- Mẹ còn một tay quàng con, con có đau không?
Vậy mà bây giờ cánh tay cùng số phận cánh tay trái và hai bàn chân bất hạnh kia không động tĩnh gì. Một bệnh nhân nằm cùng phòng với Thuận cho biết, cách đây một tuần, buổi sáng vừa ngủ dậy chưa kịp đánh răng rửa mặt, Thuận cầm bút viết để luyện những ngón tay. Những ngón tay mà mỗi lần đứa con theo bà ngoại xuống thăm Thuận được sờ sẫm trên mặt, trên mũi và năm ngón tay xoè ra ôm lấy khuôn mặt con. Hôm ấy Thuận đưa cánh tay ra, nhưng cánh tay không theo ý mình. Năm ngón tay mới vừa gượng gạo cầm bút, bỗng cây bút rơi xuống sàn nhà, năm ngón tay cứng như gỗ. Thuận khóc oà lên, rồi khóc tức tưởi. Mấy tháng nay Thuận chỉ còn hy vọng ở cánh tay phải. Cái hy vọng cuối cùng nay cũng mất. Cũng trước đây một tuần đoàn đại biểu quốc hội tỉnh ra thăm cho quà, Thuận chỉ yêu cầu một lần “các chú ơi cho cháu một chiếc xe lăn”. Đấy cũng là yêu cầu cuối cùng, bởi vì cuối cùng tưởng chỉ còn cánh tay phải.
- Làm sao tay cháu được ôm con ?
Đấy là lời kêu của sự tuyệt vọng, tuyệt vọng của một người phụ nữ có con mà không được làm mẹ. Mỗi nỗi đau, nỗi bất hạnh gì bằng.
Ngày hôm sau tôi về xã Hoà Quang trong cơn mưa dầm dề của cơn bão từ phía biển, Vào trụ sở uỷ ban, tôi đứng trước căn phòng công an xã, cửa vẫn đóng kín. Từ trong cái bóng tối căn phòng sao vẫn nghe đầy đủ tiếng kêu cứu của Thuận và những âm thanh tội ác từ cái độc địa của những tên ác ôn và cả những bàn tay bọc nhung ở phía sau vụ án thêm thảm. Tôi cũng nghe đủ phía bên kia phòng đối diện, ngày đó có cuộc họp của uỷ ban để bàn ngày mai đón huân chương anh hùng, cùng lúc phòng bên này ba tên công an tra tấn một người con gái đến tàn phế. Chẳng lẽ niềm vui, niềm vinh dự và hành động tội ác kia cùng một ý nghĩa sao?
Về xã Hoà Quang tôi còn biết được ba tên tội phạm vẫn thường xuyên về với vợ con. Và vợ tên Trương Trọng Lực đang đẻ tháng thứ hai. Chẳng lẽ trong lúc Đoàn Thị Thuận một nạn nhân cứ từng ngày mất dần sự sống, mất dần nghĩa vụ làm con, làm vợ, làm mẹ thì những tên tội phạm kia vẫn được đi về ôm ấp, sinh con đẻ cái, và hưởng lạc như mọi người khác sao?
Chính đứng trên mảnh đất xã Hoà Quang này tôi nghe rõ tiếng kêu cứu, cũng là lời đòi công lý, công bằng của Đoàn Thị Thuận:
- Làm sao tay cháu được ôm con ?

Tháng XI.1988

1 nhận xét: