Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

PHẦN HAI TRÚC CHI - TIẾNG KÊU CỦA CON CHIM GÕ KIẾN.

PHẦN HAI
TRÚC CHI

TIẾNG KÊU CỦA CON CHIM GÕ KIẾN.


CÓ PHẢI TIẾNG CON CHIM GÕ KIẾN ?
Tiếng gõ cửa cộc cộc vào buổi trưa giữa những cơn gió nam cồ của thị xã miền Trung. Tiếng gõ đanh gọn giống tiếng chim gõ kiến. Một trăm phần trăm giống hệt tiếng chim gõ kiến, vì vậy mới cho tôi một linh cảm về tiếng chim gõ kiến trong câu chuyện cổ tích Chàm. Chuyện về hai người bạn lên núi cao vào rừng sâu tìm trầm. Qua mấy tháng đi bất chấp đói rét, đến khi gặp trầm thì người kia sẵn chiếc rìu trong tay, thình lình quay bổ vào đầu người bạn. Người chết ngã xuống không kịp một tiếng kêu. Từ trên ngọn cây trầm tiếng con chim vụt bay. Đúng nửa đêm trước cửa nhà bà mẹ già dưới chân núi vắng, tiếng con chim gõ vào cửa cộc cộc rồi bay qua mặt bà. Bà mẹ thảng thốt kêu:
Ôi tiếng chim gõ kiến báo có người chết, người chết bị giết oan.
Bà nghĩ ngay đến đứa con trai của bà.

Cánh cửa vừa mở, người đàn ông dáng cao mảnh khảnh đi thẳng vào cùng với con gió ồ ạt phóng túng. Hai mắt đỏ sác nhìn tôi như một người đã từng quen biết và tin cậy. Anh tự giới thiệu, tên anh là Nguyễn Chư, đại uý quân y về hưu được năm năm nay. Ba năm trước anh là chủ tịch phường, hai năm nay anh là bí thư chi bộ phường. Anh nói rõ xin được gặp tôi, người cùng quê hương xem giùm tờ đơn kêu oan. Tôi hỏi ngay đơn về vụ chết oan à ? Anh Chư nhếch mép như cười, nhưng ở đuôi mắt nhíu lại nhìn thẳng vào tôi hỏi :
- Tôi hôm qua anh nghe tiếng chim gõ kiến sao ?
Tôi đáp :
- Không, tiếng gõ cửa anh đấy.
Tôi đọc qua tờ đơn bằng chữ đánh máy về việc Bùi Ngọc bị đánh vỡ sọ từ tháng 8 năm 1987. Dưới tờ đơn chữ ký của anh thay mặt số cán bộ và nhân dân phường, có ghi rõ ngày viết đơn 27/7/1988. Cái chết đúng một năm. Kẻ đánh chết người vẫn sống nhởn nhơ làm giàu. Vợ người chết vẫn cam chịu nuôi sáu đứa con luôn mặc đồ tang trong giấc ngủ. Đứa con trai người chết đang sống chiến đấu ngoài đảo Trường Sa tháng nào cũng có đơn khiếu nại phải làm rõ cái chết của người cha thân yêu. Người thị xã cứ đến mùa gió nam nghe trước của nhà mình tiếng cộc cộc cộc, tiếng gió nam giống tiếng chim gõ kiến. Người lạ hay người đi xa về thị xã nghe tiếng gõ cửa cứ ngỡ là tiếng chim gõ kiến gọi. Anh Nguyễn Chư nhìn tôi nhắc lại :
- Tiếng gõ cửa của tôi cũng là tiếng chim gõ kiến đấy. Anh thấy đấy, cái chết thì im lặng, nhưng tiếng con chim gõ kiến có im lặng đâu.
Sau một hồi chuyện trò trao đổi, tôi biết anh Nguyễn Chư người đọc nhiều sách vở, nhiều chuyện Đông Tây kim cổ, hiểu biết tình hình thực tế khá tường tận và nhận định thật sắc sảo. Nhiều ý kiến của anh đã giúp tôi suy nghĩ chính chắn có cơ sở. Đọc hết tờ đơn của anh tôi tưởng tượng như đụng chạm được những sự việc có thật cùng những bức bối không thể nào yên. Trước khi ra về anh Nguyễn Chư cầm lấy tay tôi lắc lắc dặn dò :
Anh đọc đơn là để biết sự việc vậy thôi, còn cái cần gặp ở thị xã này chỉ một hai ngày mọi im lặng sẽ nói thành lời về một chủ tịch như bạo chúa, một viện trưởng viện kiểm sát như một diêm vương, một trưởng đồn công an như một đồ tể. Tội ác bọn chúng sẽ nói lên thành máu, thành nước mắt của người dân vô tội, là anh hiểu hết.
Anh Chư đi rồi sao tôi nghe cơn gió vẫn còn thổi trong căn nhà gác của chú em tôi. Ngoài kia nắng màu trắng. Ngọn cây trứng gà nghiêng ngả. Mấy tàu dừa đan rối. Ngọn cây cau xoay chong chóng trong tiếng gió rít mang âm thanh tiếng con chim gõ kiến lúc gần lúc xa.


Bắt đầu là bữa tiệc máu trong “tiểu sảnh đường”
Tôi ngồi trong quán ngã tư đường Trần Hưng Đạo, nhắp nhẹ ly nước trà đang bốc khói. Buổi sớm, chưa có ngọn gió núi thổi xuống, thị xã thật trong mát, lặng lẽ. Những ngõ phố cát chạy thẳng ra gặp con đường lớn đang tráng nhựa nham nhở, loang lổ, thấy vài gánh rau tươi bên cầu kia xuống chợ, mấy gánh cá từ bãi biển ở cuối phố chạy xóc xóc qua bên kia cầu. Rồi từ đâu không biết, một vài chiếc xe ba gác cọc cạch xuất hiện qua đường đi rảo để đón hàng. Nhìn cái không khí làm ăn rời rạc, chắp vá làm tôi nhớ đến thị xã quê hương tôi sau mấy ngày giải phóng, hàng hoá đầy ắp, cửa hiệu buôn nhan nhản, người nhộn nhịp. Từ miền Bắc về thăm nhà, tôi mừng thầm, cứ cái đà này thì thị xã của tôi xây dựng, làm ăn giàu có, phát tài. Vậy mà gần mười ba năm nay thị xã tôi nghèo đi, nghèo trông thấy, điều thiện càng ít. Đã vậy bao nhiêu sự việc thật tiêu cực, thật đau lòng. Tiếng con chim gõ kiến của thị xã đi gõ cửa đêm ngày từng ngày một.
Tôi đang suy nghĩ, ngoài cửa hai chiếc xe máy mới toanh rồ máy đứng yên, nhả khói mù mịt. Ba người trên xe bước xuống, tiếng hai người con trai có ria mép, mập ú ụ, đứng trước bàn chủ hàng gọi rối rít mấy món ăn sáng. Một người có tuổi, râu vểnh ngược, mặc bộ Pirama lụa màu cà phê ngồi xuống ghế, khẩy điếu thuốc ba số trong ngón tay lia lịa, hai mắt sâu lẹm nhìn một lượt khách hàng rồi trầm ngâm.
Anh Chư bấm tôi:
- Lão Lư Công đấy.
Không đợi anh Chư giới thiệu tiếp, tôi cũng biết hai người kia là Lư Hiểu, Lư Hộc, con trai của Lư Công. Tôi cũng biết nhiều con mắt khách hàng đang đổ dồn về phía bàn ăn của ba cha con họ Lư. Tôi nhìn thẳng lão Lư Công để nắm bắt vài nét tính cách, vì đấy là nhân vật số một, người mà làm cho cái chết cứ im lặng hơn một năm nay. Một cái chết không ngày nào là không thì thầm tự kể :
Cách đây sáu năm, trong tay Lư Công chỉ một máy bơm nước và mấy ngàn bạc gói gọn trong túi. Muốn làm ăn, lão đứng ra gọi thêm một vài người trong đó có Bùi Ngọc góp vốn để chạy máy nước tưới ruộng lúa cho một hợp tác xã ăn công trực tiếp. Trong mấy năm đó, Bùi Ngọc nhà nghèo, có chút ít văn hoá, nhận làm kế toán cho tổ hợp, Lư Công coi như người làm công cho mình.
Từ ngày đầu hàng tháng Bùi Ngọc được hưởng 250kg lúa, nhưng Lư Công chỉ trả từ 150 đến 200 kg thôi. Cứ mỗi lần trả xong, Lư Công ngồi xếp bàn tròn, ngón tay trỏ vén hàng râu vểnh, hai mắt không nhìn Bùi Ngọc bảo :
- Thù lao cho chú để vợ con đỡ vất vả.
Nói vậy chứ mọi công việc kể cả những bàn tính, “âm mưu” của lão Lư Công
trong việc xén bớt, chặn đầu chặn đuôi của anh em, Bùi Ngọc đều biết nhưng cũng giữ nhẹm cho lão. Nhưng ở lão Lư Công thì kể gì, xưa nay con người lão hễ hất được ai thì hất, “được chim bẻ ná” là bản chất của lão. Cho nên một thời gian sau, thấy chạy máy bơm ít lời, Lư Công tự động cho nghỉ không nói gì đến anh em, rồi tự động ra huyện Tuy hợp đồng chạy máy nước đá. Lão tự cho mình là chủ nhiệm, chủ tài khoản, không cho Bùi Ngọc là kế toán mà Lư Hiểu, con trai làm thay kiêm luôn chân chạy vật tư. Cha con Lư Công nắm quyền hành trong tay, luôn luôn tính phần hơn, phần được về mình, còn các tổ viên khác lão cho hưởng bao nhiêu thì tuỳ ý lão. Lúc nhận tiền lời, tiền bán máy ở huyện Tuy về, Lư Công không cho tập thể biết. Đến khi chia phần, người nào lão ưa thì được hưởng nhiều, người nào lão không thích thì lão cho hưởng gọi là hương hoa. Nhiều lần cầm nắm bạc trong tay, Bùi Ngọc thật đau xót, tủi hổ. Nhiều lần do dự nhưng vì sáu miệng đói cơm rách áo nên buộc lòng Bùi Ngọc nói ra giọng than thở:
- Anh Tư ơi, anh làm vầy tôi thiệt quá, vợ con sống làm sao được.
Những lúc ấy Lư Công cười giả lả, nhưng con mắt sắc lẹm của lão ném một cái nhìn thật ghê lạnh. Chỉ không đầy một năm bốn tháng, Lư Hiểu đổ móng, lên ba gian nhà gạch, chạy vào Sài Gòn bắt một lúc một cúp 50 còn trong hòm, một xe Tiệp mới tinh. Còn Lư Công ngoài ngôi nhà đồ sộ năm gian vừa xây trước bốn tháng, một vườn cây ăn quả mỗi mùa cho lão hơn năm trăm nghìn đồng, nay lên thêm hai tầng lầu. Hai tầng lầu theo thiết kế hiện đại, ngoài có giàn hoa treo “rơi rơi”, mười hai cửa sổ hình “nguyệt quế” treo rèm thả hạt cườm đá, trong nhà bàn ghế tủ toàn loại gỗ cẩm mun bóng lộn. Tủ sắt của lão có khoá tự động của Hoà Kỳ sản xuất để cất bạc. Tháng vừa rồi lão thuê hai mươi công thợ mở rộng vườn làm nhà để cất xe trọng tải, một xe du lịch có tám chỗ ngồi để cả nhà bầu đoàn thê tử đi chơi. Ngôi nhà, vườn cây, ga ra xe được cấu tạo với con đường đỗ xi măng láng bóng chạy ra đến bến Sõi, tất cả đều được như xoay hướng nhìn ra mặt sông Đa Ra thoáng mát lồng lộng gió. Đêm, cả thị xã không ánh sáng điện, trừ nhà chủ tịch, giám đốc xí nghiệp, trưởng phòng, chỉ có nhà lão máy nổ chạy rầm rầm, đèn sáng trưng, người tới người lui tấp nập. Đặc biệt gian nhà trệt, Lư Công cho xây thành biệt thự gọi là “tiểu sảnh đường” để hội họp, để hội họp, tiệc tùng với những ai có máu mặt, chức quyền của thị xã hoặc tỉnh về : Phía trong của “tiểu sảnh đường” hai bàn gỗ dài, có hộc để bạc, có khoá số là nơi hai con dâu lão ngồi phát lương. Trước hai bàn là hai hàng ghế thấp lủn củn để tổ viên hàng tháng có chỗ ngồi xin lãnh lương.
Đi ra đường, dáng điệu Lư Công làm một nhà tư bản cỡ tài phiệt. Ở nhà, lão ra vẻ một bá hộ đường bệ uy nghi. Trong tay lão, lương tháng của tổ viên khi trồi khi trụt, lão ban phát như là thứ tiền cho. Cái cung cách bóc lột theo kiểu Lư Công anh em trong tổ hợp chạy máy nước đá phàn nàn, than thở nhưng không dám cho lão biết. Một hai tháng trở lại đây, Bùi Ngọc chịu hết nổi, phản ứng ra mặt. Cũng có một hai lần anh gặp riêng Lư Công đề nghị tài chánh nên công khai để anh em biết. Mỗi lần gặp như vậy, Lư Công quắc mắt, hàng râu vểnh rung rung, giọng lão danh như tiếng dao liếc trên miếng sắc mỏng:
- Nè, hôm nay chú mày lại trở tính đấy à?
Sau tháng lãnh lương thấy không đủ, Bùi Ngọc nói với anh em, cô con dâu Lư Công nghe được…
- Kiểu đối xử của anh Tư như vầy anh em mình kẹt quá. Chắc là tôi không theo được…
Mấy ngày liền Bùi Ngọc không đến làm thật. Ở huyện Tuy vừa về, nghe con dâu nói lại, Lư Công im lặng, ngồi lì trên lầu hai. Thỉnh thoảng người ở dưới tầng một nghe tiếng rít qua kẽ răng giận dữ của lão.
Vào một đêm cơn gió chướng làm mặt con sông Đa Ra nổi sóng trắng ào ào, Lư Công gọi hai người con trai lên buồng nhỏ gác hai, nơi mà Lư Hộc viết trên tấm bảng gỗ nền đỏ, nét chữ vạm vỡ kiểu chữ móc câu “Bạch Hổ đường” treo trước cửa buồng. Viết để chơi mà cũng để cho oai theo lối anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc. Bàn chuyện xong chỉ có ba cha con lão biết.
Hai đêm sau dưới gian “tiểu sảnh đường” Lư Hiểu treo đèn kết hoa, hai người con dâu lo nấu nướng làm bữa tiệc. Đúng chín giờ đêm, Lư Hiểu dắt chiếc cúp mới, rồ máy, thoắt một cái mất hút ngoài cánh cổng sắt. Mười giờ, mấy anh em trong tổ đã đến, ngồi lai rai hút thuốc, uống trà thơm đợi. Gần đến mười hai giờ, tiếng máy xe cúp chạy xọc vào, Lư Hiểu mặt lầm lì không nói không rằng. Bùi Ngọc ngồi sau xe bước xuống. Lư Công vẫn ngồi ở đầu bàn không nhúc nhích, nói vọng ra:
- Chú Ngọc đến đấy hở, vào luôn.
Đang giữa cuộc nhậu, bỗng Lư Công dừng đũa, chỉ mặt người con dâu mắng vì đã nghe Bùi Ngọc gọi tên mình hôm bữa nhận lương. Tiếp đó lão hất hàm nhìn xoáy vào Bùi Ngọc, hai con mắt có lửa :
- Sao, chú mày bỏ chúng tao à ? Nhưng chú mày bỏ chúng tao thì chú mày đói, vợ con chú mày đói. Này, mấy năm nay tao nuôi vợ con mày sống đến bây giờ, nay chú mày phản trắc thì liệu cái thần hồn đấy.
Bùi Ngọc nhỏm dậy nhìn một lượt anh em, giọng nhỏ nhẹ nói với Lư Công :
- Anh Tư đừng nói thế, cháu Hiểu năn nỉ tôi đến đây để vui chơi mà, chớ không phải đến để nghe anh lớn giọng.
Lão Lư Công vẫn ngồi, bàn tay đập khẽ xuống bàn :
- Không, mày đến để tạ tội những gì mày đã, và mày đã biết về tao.
Thấy không khí căng thẳng mấy anh em đứng dậy kiếu từ. Bùi Ngọc cũng định quay trở ra, Lư Công thét :
- Mày phải ở lại.
Mấy anh em đã đi ra hết Bùi Ngọc cũng bước nhanh đi ra ngõ. Lư Công liền xô ghế đứng dậy. Lư Hộc biết ý bám sát theo ra cửa. Tiếng máy nổ vẫn chạy, đèn sáng rực rỡ. Nhận đúng mật hiệu, Lư Hiểu liền chạy ra. Ngoài kia trời tối như mực. Một lát sau Lư Hiểu, Lư Hộc chạy vào, máu đỏ ướt hai vạt áo. Tiếng Lư Công hỏi nhỏ :
- Xong chưa ?
Tiếng hai đứa con lão đáp lại rành rọt :
- Cái sọ của nó cũng không cứng hơn trái dừa. Xong rồi.
Hiểu, Hộc ngồi trên hai chiếc xe gắn máy phụt khói chạy ra khỏi cửa. Bữa tiệc trong “tiểu sảnh đường” đã thu dọn đâu vào đấy. Chiếc đồng hồ trên tường buông hai tiếng nhạc ngân nga, thánh thót. Như trực nhớ ra điều gì, Lư Công soi vào hai bàn tay mình, hai bàn tay vẫn sạch sẽ. Trong ý nghĩ lão loé lên “thế là thanh toán xong món nợ về sau”

Thời này có em làm to trong tỉnh và có kim ngân là xong tất.
Trong tờ đơn kêu oan của anh Nguyễn Chư có viết, lúc hai người con trai Lư Công chở xác trở về nhà của người chết thì có hai người đi xe ba gác trước đó một chút đến đập cửa số nhà 85, Phan Đình Phùng báo tin cho vợ Bùi Ngọc biết cha con Lư Công đánh chú Bảy chết rồi.
Vào một đêm chiếc trăng non nhỏ thanh mảnh treo cô đơn giữa bầu trời rộng mờ ảo. Dưới này thị xã thẩm đen, đặc quánh, tôi đi trên con đường lổn nhổn đá giăm, lở loét để tìm gặp hai người kéo xe ba gác.
Không hẳn là nhà, cũng không gọi là chòi, cũng bốn vách lá, cũng mái tranh nhưng trống lổ đổ nhìn thấy được sao trên trời. Đấy là một gian vuông không đầy mười thước, vừa đủ hai chổ giường nằm đan bằng tre. Mới bước chân vào tôi đã nghe mùi chua chua của lá mốc. Không thấy hai chiếc xe ba gác đâu, hỏi mới biết hai anh thuê xe của người ta, làm được ngày nào thì trả tiền ngày ấy. Trông hai anh người nhỏ thó trạc hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi. Hỏi vì sao cuộc sống hai anh trông côi cút và nhút nhát như giấu mình, ở ẩn, hai anh rụt rè đáp, vì cha anh làm cảnh sát thời nguỵ, cách mạng bắn chết, mẹ bỏ xứ nghe đâu đi làm nghề điếm, nên bây giờ con cháu phải sống lẩn lút, làm đâu ăn đó. Hơn mười năm giải phóng rồi, vậy mà đời sống hai con người này vẫn không có đất, không có đoàn thể, gần như sống mà không ai thừa nhận. Thảo nào, ngồi trong đất mười thước vuông, che mái lá tôi ngẩng lên bóng ngọn núi Tháp trong lòng thị xã cao vòi vọi như một chiếc nơm chực ụp xuống số phận hai con người cô đơn này. Nhìn ra bây giờ tôi mới nhận thấy mười thước vuông đất với bóng mái lá nằm lút sâu dưới chân núi Tháp như một cái hang con chim, con chồn. Phía sau sát chân vách núi nước con sông Đà Ra cuồn cuộn của một cái vực chực lôi chổ ở của hai con người xuống tận đáy sâu.
Mời hai anh hút thuốc, cái đốm sáng đầu mẩu thuốc soi lấp loá hai khuôn mặt đen, hai con mắt nhập nhoè ướt của chứng bệnh đau mắt hột. Gợi mãi, hai anh mới chịu kể bằng cái giọng của người miền quê.
Thường lệ, khoảng hai giờ rưỡi sáng hai anh lịch kịch hai chiếc xe ba gác dọc con đường núi Tháp để ra chợ Sõi. Sáng hôm đó, vừa qua khỏi eo chân núi thì nghe phía trước có tiếng cãi cọ, níu kéo, tiếng quần áo bị lôi xé rách tẹt. Hai anh để xe xuống chạy nhẹ tới rình xem. Đứng trong tối nhìn ra thấy rõ Lư Hiểu đang xô đẩy chú Bảy Bùi Ngọc ngã dúi dụi. Tiếng chú Bảy trong giọng thở hổn hển:
- Tao chỉ nói chuyện với cha mày chớ tao không thèm nói với mày.
Chú Bảy vừa gượng đứng lên thì trong nhà có bóng người nhảy ra xô tới tấp chú Bảy. Đúng là bóng Lư Hộc, tay hắn cầm một vật gì đen đen, bất ngờ bổ mạnh vào đầu chú Bảy, rồi một tiếng vang giống như tiếng trái dừa sọ nện xuống nền nhà xi măng vậy, toàn thân chú Bảy ngã ập xuống tại chổ. Máu đỏ trong đêm sáng như lửa từ trong đầu chú Bảy phun ra, hai đứa con của Lư Công dính đầy máu. Bóng hai đứa chạy trở vào nhà đem hai chiếc xe máy ra. Họ hì hục gác chú Bảy lên buộc sau xe thật khó khăn. Trong lúc học loay hoay với người đang hấp hối thì hai anh chạy lẹ tới nhà thím bảy gõ cửa. Vợ chú Bảy Bùi Ngọc mở cửa, mắt nhắm mắt mở chưa kịp hỏi gì, hai anh báo ngay “cha con Lư Công đánh chú Bảy chết rồi”. Hình như vợ chú Bảy không tin đứng mãi ở cửa. Đến khi hai chiếc xe máy chở xác chú Bảy tới thì thím Bảy chạy tới ôm thây chồng lặng đi chết điếng. Trong lúc đó Lư Hộc nói to cho người hai bên phố chạy tới nghe :
- Hai chú cháu tôi xô xát, lỡ tay làm ngã chú ấy …
Chú Bùi Ngọc được xích lô chở ngay xuống bệnh viện thị xã. Y, bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng vết thương ở sọ quá nặng, máu ra nhiều không cứu chữa được nữa, đúng ba giờ rưỡi sáng Bùi Ngọc tắt thở.
Trong khi đang cấp cứu Bùi Ngọc, Lư Công ngồi xe máy giả giọng thương tiếc với thím Bảy :
- Lúc say con tôi xô ngã chú ấy bị thương. Thôi thím Bảy cầm lấy tiền chạy chữa cho chú.
Lư Công nhét xấp bạc vào tận tay vợ Bùi Ngọc. Thím bảy lúc này như trong cơn mê sảng, cầm xấp bạc mà không biết là mình cầm gì. Thấy thím cầm bạc tưởng là yên, Lư Công qua lại cười nói với mọi người :
- Hà, hà, có kim ngân là xong tất cả thôi mà.
Lư Công uống vừa hết ly cà phê ngoài quán thì Lư Hiểu ra báo nhỏ Bùi Ngọc chết rồi. Lư Công giục con đèo mình về nhà gấp để nội trong ngày vào trong tỉnh. Năm ngày sau, đám tang Bùi Ngọc chôn cất xong, Lư Công từ tỉnh về, cho con đem bó hương đến thắp trên bàn thờ người chết. Năm tháng sau mặc dù vợ Bùi Ngọc đưa đơn khiếu nại nhưng không thấy động tĩnh gì, Lư Công nói với bà con khu phố :
- Có kim ngân là xong tất cả mà.
Mười tháng sau vẫn không động tĩnh gì. Nhân ngày giỗ có mấy anh công an thị xã được mời đến, ngay trong bữa ăn Lư Công khà khà mấy ly rượu, giọng nửa say nửa tỉnh :
- Thời nay có làm to trong tỉnh và có kim ngân là xong tất cả, phải không các chú em.
Mấy anh công an gật gật dạ dạ, nhưng trong bụng không yên lắm. Còn Lư Công thì cho đó là điều chân lý nhất đối với mình.

Dòng sông Đà ra đâu có im lặng
Tối hôm ấy tôi đang ăn bữa cơm ở nhà chị Bốn thì một người đàn bà mặc đồ tang trắng lốp từ ngoài cửa đi vào. Tôi chưa kịp chào, người đàn bà đến đứng cạnh bàn ăn, nhìn thẳng vào tôi giọng ngập ngừng :
- Nghe nói anh là nhà báo xin hãy kêu cứu giúp sáu đứa con tôi…
Chưa kịp nói hết hai mắt người đàn bà ướt đỏ, tiếng khóc lại nấc lên. Chị Bốn giới thiệu cho tôi biết, đây là chị Liên, vợ của Bùi Ngọc bị cha con Lư Công đánh chết, nhưng chúng vẫn không bị truy tố. Chị Bốn còn cho tôi biết thêm, hễ nghe nói có người lạ, có người từ thành phố Hồ Chí Minh ra là nhà văn nhà báo, chị cất công tìm đến cầu cứu. Tôi hỏi chị sao không làm đơn khiếu nại ở toà án huyện, tỉnh, nơi mà họ có thẩm quyền có chức năng phải xử. Chị Liên nói đã đưa hơn hai mươi lá đơn rồi, đơn chị nhờ người viết đến nay chị thuộc làu làu. Rồi chị đọc cho tôi nghe từ lá đơn thứ nhất tới lá đơn thứ mười tám. Nghe chị đọc không sót một chữ, không vấp một câu, giọng đọc đẫm đầy nước mắt, tôi nghe mà xương sống lưng lạnh ngắt, toát mồ hôi. Trông chị người gầy nhỏ, đường gân hai mu bàn tay nổi lên xanh dờn, hai con mắt đờ đẫn, trông thật ái ngại.
Cách đây một năm chị Liên không gầy và nhỏ như bây giờ đâu. Chị có da có thịt,
rắng trẻo mặc dù chị làm ăn lam lũ để nuôi sáu đứa con. Chị nhớ mãi cái đêm Lư Hiểu đem hông đa đến tận nhà chở chồng chị sang ăn tiệc. Mấy lần anh Bùi Ngọc dùng dằng không đi, tên Hiểu thì cứ cầm tay lôi đi, lại vừa nài nỉ. Chị Liên nhìn vào mặt chồng hình như thảng thốt có điềm không lành. Nhưng vì nể quá chồng chị đành theo ra bước lên xe ngồi. Nhưng rồi anh lại trụt xuống bước đến gần vợ, nói nhỏ :
- Mình à, đêm nay tôi đi chắc lành ít dữ nhiều. Có gì mình ở nhà mở cửa đợi nghe.
Nghe chồng nói chị Liên, càng thấy rờn rợn nổi gai ốc, nên cũng can anh thôi đừng đi đâu hết. Cùng lúc ấy cây đa trước cửa tiếng con cú kêu làm chị giật bắn người. Chị vội chạy theo định níu tay chồng, nhưng anh đã ngồi lên sau xe, chiếc xe phóng tới như một lằn tên.
Suốt đêm ấy con cú kêu trên cây đa, thằng con lớn của chị ra cầm sào thọc, con cú lại im, lát sau nó lại kêu ba tiếng một cu cú cú. Gần sáng, chị chờ mãi không được, đành đóng cửa, thiếp đi. Nằm được một chút lại giật mình, mắt mở thật mà sao bóng một người cứ mờ mờ ảo ảo từ cửa đi vào hai tay ôm lấy đầu đầy máu. Cái đầu máu chập chờn gọi thành tiếng:
- Mình ơi, tôi không còn sống nữa.
Chị vụt dậy, tóc quấn chặt lấy hai bàn tay mình. À, thì ra giấc mơ. Chị sửng sốt, bàng hoàng. Đến khi có tiếng gọi cửa của người đẩy xe ba gác chị mới chạy ra.
Suốt một năm nay đêm nào chị không mặc đồ tang thì bóng chồng chị lại hiện lên, hai tay ôm lấy đầu máu lừng lững từ ngoài cửa đi vào. Vì vậy chị phải mặc đồ tang để chồng được nằm yên trong đất. Chị mặc đồ tang cả ngày lẫn đêm, cả trong giấc ngủ. Chị mặc đồ để tang chồng đến gọi cửa toà án, đến với những vị chuyên ngồi xử để kêu oan.
Một năm rồi chắc chồng chị không nằm yên dưới mộ đâu. Nếu chồng chị không gọi được toà án thì cũng gọi được lão Lư Công chớ ? Có những lúc chị như điên như dại, chị đi hỏi người này, đi hỏi người khác rằng chồng chị có đến được tận nhà tận cửa trong giấc ngủ của kẻ giết mình để đòi nợ máu không ? Miệng chị hỏi, tay chị cầm cành lá phất qua phất lại, nước mắt chị giàn giụa chảy, chảy đến đâu chị lau đến đấy, hai vạt áo chị đẫm ướt như đựng một cơn mưa.
Cũng vào một buổi trưa nam thổi lồng lộng. Chị đang đứng dưới cây đa trước cửa nhà, hỏi người qua đường một câu quen thuộc :
- Bà con ơi, chồng tôi đêm đêm có đến nhà tên giết người để đòi nợ máu không?
Hôm đó có hai chú đẩy xe ba gác đi qua, dừng lại để trả lời cho chị biết là chú Bảy Bùi Ngọc đêm nào cũng đến đòi nợ tên giết người. Rồi hai chú kể thật rành rọt cho chị Liên và mọi người hai bên phố đến cùng nghe.
Từ hôm chú Bảy Bùi Ngọc bị đánh chết, cứ khoảng ba giờ sáng hai anh đẩy xe qua đường eo chân núi Tháp thì thấy lão Lư Công từ dưới bến Sõi đi lên, hai tay run run, hai mắt soi vào hai bàn tay hốt hoảng. Thấy hơi lạ hai anh đi dần ra trước bến Sõi, núp trong bụi ô rô để theo dõi lão. Ba giờ sáng trong nhà lão vẫn ngủ yên. Sóng trên mặt sống Đa Ra vỗ óc ách quen thuộc. Vào giờ ấy lão Lư Công từ trên gác hai từ buồng “bạch hổ đường” đi xuống, qua “tiểu sảnh đường” ra thẳng bến Sõi trước nhà lão. Gần đến bến bỗng lão rón rén như thằng ăn trộm, rồi nhìn trước nhìn sau như sợ có người nhìn thấy mình. Lão lội xuống nước, nước đến ngang đầu gối lão dừng lại. Lão đưa mắt nhìn lấm lét mặt con sông. Rõ ràng là lão nhận ra con sông Đa Ra bên nhà lão, đã quen thuộc với lão từ thuở nhỏ. Đấy là từ cái hồi tuổi lên chín lên mười lão đã một mình chống xuồng đi chở sỏi, bơi thuyền quăng chài vào mùa nước đỏ. Nước con sông mà lão biết bơi từ tuổi lên bảy, lão uống thất ngọt lịm, ngọt cho đến tuổi sáu mươi biết cách làm giàu từ cái ác. Vậy mà hôm nay lão đứng khựng lại rồi từ từ nhúng hai bàn tay xuống nước, quật thật lâu như để rửa. Mà lão rửa thật, rồi từ từ lão rút hai bàn tay lên. Hai mắt lão soi vào hai bàn tay. Nhưng sao hai mắt lão hình như không dám nhìn. Lão đưa hai bàn tay lên gần mũi để ngửi. Hình như hai bàn tay có mùi gì, nên lão rụt tay lại. Hình như hai mắt lão, cái lỗ mũi lão cảm thấy sợ. Một lát sau, lão cho hai bàn tay lão nhúng xuống nước nhiều lần. Rồi nhiều lần lão rút tay lên để nhìn để ngửi. Thình lình lão như ném đi hai bàn tay của lão thật xa. Nhưng vì hai bàn tay của lão dính với lão nên không rứt được. Lão cảm thấy đau điếng. Lão soi lần nữa, bất ngờ lão kêu lên như điên:
- Trời ơi, máu.
Có lẽ đã thấy máu thật trong hai bàn tay lão. Không, máu đầy trong nước để rửa hai bàn tay máu. Nhưng càn rửa càng thấy máu đầy hai bàn tay. Đầy hết dòng Đà Ra. Và máu rửa máu là sao cho hết. Có lẽ suốt một đêm chú bảy Bùi Ngọc đến trong giấc ngủ lão để đòi nợ, cho nên sáng nào mà lão không ra bến sông để rửa máu. Phải thôi, lão đã mở tiệc máu, bắt đầu là bữa tiệc máu cho nên lão phải chịu nợ máu và phải trả nợ máu. Người ta tưởng để cái chết chú bảy Bùi Ngọc trong lặng yên nhưng kẻ giết người đâu có yên được. Và dòng sông Đà Ra có yên lặng đâu.

Hãy mặc áo thụng đỏ vào để xử án
Nhưng một điều bất ngờ, toà án thị xã mở phiên xử vào giữa tháng chín này. Chị Liên nhận giấy báo ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã đến dự phiên xử về cái chết của chồng chị. Ba cha con Lư Công ngồi trên dãy ghế đầu kia cũng không hẳn là bị cáo. Dãy. Ghế bên này là những tổ viên tổ hợp chạy máy nước đá làm nhân chứng.
Hơn một năm, người ta cứ tưởng vụ án đã rõ như ban ngày.
Ngày xưa có những vụ án phải hằng mười năm, hai mươi năm, tội nhân như đã lặn trong đất, nạn nhân như đã câm trong đất, chứng nhân chỉ là cái bóng của thời gian, chỉ là ảo ảnh của không gian. Vậy mà phiên toà xử được dựng lên, nhân chứng là bóng ma, là trong điềm chiêm bao. Bóng ma chỉ ra đúng chỗ nằm người chết không có mộ. Trong mộ là một người đàn bà bị chồng giết oan để được lên chức lên quyền. Người giết chôn trong bùn, ba năm rồi vẫn nguyên vẹn. Cây nguyệt quế trồng trên mặt đất xông hương thơm tới tận chỗ nằm người bị chết oan. Người xử án công minh chính trực không phải vì sắc mặt đen, trên trán có con mắt thứ ba, mà vì người xử án mặc áo thụng màu đỏ, màu đỏ của công lý và công bằng. Còn vụ này, dù cái chết thật im lặng, nhưng nhân chứng sờ sờ ra đó, kẻ giết người đang còn vấy máu ở hai bàn tay kia kìa. Vậy mà không rõ ràng, không thanh thiên bạch nhựt ?
Sau tiếng chuông rung. Sau những lời khai. Và nhân chứng không được mời nhưng bất ngờ rẽ ra từ đám đông, tự đứng lên kể một cách đầy đủ. Đó là hai chú đẩy xe ba gác. Vậy mà cuối cùng phiên toà tuyên án kẻ cầm cây sắt đánh chết người chịu hai mươi năm tù giam, đền cho gia đình người bị giết năm chỉ vàng. Sau đó một hồi chuông rung chấm dứt. Đó là hồi chuông để sau một năm xử được phúc thẩm, kẻ giết người kia chịu án hai mươi năm được giảm án còn mười lăm năm tù. Hồi chuông chấm dứt đó nhưng có chấm dứt được đâu. Vợ người bị chết thắt khăn tang còn ngồi đó. Người đi dự phiên toà không chịu ra về. Những nhân chứng vẫn còn ngồi đó. Bà con lớp đứng lớp ngồi mắt người nào cũng đỏ lửa, cũng đầy nước mắt. Bởi vì kẻ thay cho tên giết người mới hai mươi tuổi, sẽ ngồi tù chịu trận từ 20 chỉ còn 15 năm. Còn tên chủ mưu bày bữa tiệc máu, trao cây sắt cho người khác giết thì vô can.
Đang giữa phiên xử đã có tiếng rì rầm khắp các hàng ghế người ngồi dự, tiếng rì rầm không dứt, lan xa thành tiếng của toàn hội trường âm vang như tiếng gió, đanh gọn như tiếng con chim gõ kiến cất lên thành lời :
- Người xử án phải mặc áo thụng đỏ để có công lý, công bằng.
Người ta đổ dồn về phía lão Lư Công. Lư Công vô tội. Lư Công được đứng “ngoài” phiên toà, đứng ngoài pháp luật. Nhưng không sao, lão sẽ có toà án riêng của lão, cái toà án mà mỗi buổi sáng lão tự trừng phạt lão. Và suốt cuộc đời lão rửa hai bàn tay máu không bao giờ hết. Và người xử án cũng có toà án riêng cho mình, không công bằng thì suốt đời cũng chịu một món nợ - món nợ đồng loã với kẻ giết người.
Tháng 11/1988

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét