Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

NGUYỄN CÔNG THẮNG - SỰ THẬT VỀ VỤ GIẢI TOẢ NHÀ Ở ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN – THỊ XÃ TUY HOÀ

NGUYỄN CÔNG THẮNG
SỰ THẬT VỀ VỤ GIẢI TOẢ NHÀ Ở ĐƯỜNG
NGÔ QUYỀN – THỊ XÃ TUY HOÀ


Cuối tháng 7 – 1988, phóng viên TT Thanh Niên có dịp ta Tuy Hoà, chứng kiến vụ giải toả mấy chục căn nhà dân ở đường Ngô Quyền, về viết một bài diễn tả cái cảnh cửa nhà tan tác : “Trước mặt chúng tôi, một dãy nhà phía tây chợ Tuy Hoà, ngổn ngang những vật liệu xây dựng hư nát bị đập phá, tháo dở … Người khiêng, kẻ dọn, nét mặt đầy âu lo, buồn bã. Tại hiện trường hôm đó, chỉ còn sót lại 3 căn lầu kiên cố, chủ hộ chưa chịu đập dở … Cuộc sống của bà con có nhà giải toả đang ở trong tình trạng hết sức bất ổn.”
Ai ngờ đấy là bài viết khởi đầu cho vụ án khá to chuyện.
Bà con có nhà ở con đường đau khổ này tới tấp gởi đơn thư về toà soạn chúng tôi, kèm theo đủ thứ giấy tờ chứng minh nhà cửa, lều quán của mình xây cất ở đó là tài sản hợp pháp. Có người đến ở đấy từ lâu, có người xây cất nhà có giấy phép của UBND thị xã cấp sau ngày giải phóng hẳn hòi: có người có hộ khẩu, người chưa có…Mỗi người một hoàn cảnh riêng, nhưng cùng chung một mối lo là phải tháo dở nhà theo thông báo giải toả của Ban Công trình công cộng thị xã.
Vụ việc đâm ra rắc rối bởi ngay trong nội bộ tỉnh cũng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí chống đối nhau. Báo chí cũng vậy, không hoàn toàn thống nhất nhận định. Tựu trung có hai loại ý kiến : một loại cho rằng 72 điểm dân cư này lấn chiếm lòng lề đường trái phép nên giải toả đi là “hợp với yêu cầu quản lý đô thị và cũng hợp lòng dân”. UBND thị xã khi tiến hành giải toả là thực hiện NQ của HĐND thị xã và căn cứ vào quy hoạch của chế độ cũ, như vậy là đúng pháp luật và “với thái độ nghiêm chỉnh”. Loại ý kiến thứ hai thì ngược lại, cho rằng UBND thị xã tiến hành giải toả chưa đầy đủ thủ tục luật định vì không có đồ án tổng thể và thiết kế thi công do cấp thẩm quyền duyệt. Quy cho dân lấn chiếm lòng lề đường trái phép là vô lý. Giải toả thì phải đền bồi thoả đáng cho dân, giúp đỡ dân ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi có thông báo giải toả của thị xã thì Uỷ ban Xây dựng cơ bản tỉnh đã có công văn số 85 ngày 11-5-88 gởi UBND tỉnh, nhận định : “Mở các tuyến đường mới hay cũ là việc làm cần thiết, nhưng phương án quy hoạch phải được các ngành tham gia và UBND tỉnh duyệt, trên cơ sở đó mới tiến hành các thủ tục để giải toả … Trên trục đường này, UBND thị xã Tuy Hoà đã cấp nhiều giấy phép cho các hộ nhà dân xây dựng nhà ở (nay) Ban Công trình công cộng ra thông báo dở nhà là không đúng pháp lý. Tại nghị định 47- CP, 201 – CP qui định, giải toả dưới 20 hộ nhà dân là do UBND tỉnh quyết định. Từ những điểm nêu trên, kiến nghị tạm thời đình chỉ việc giải toả để xem xét và có hướng giải quyết xác đáng hơn”. Trên tinh thần đó, ĐC Võ Hoà, chủ tịch UBND tỉnh ra lệnh ngưng giải toả. Nhưng đến ngày 3 – 6 – 88 tỉnh lại “đồng ý để UBND thị xã Tuy Hoà thực hiện phương án quy hoạch” – công văn số 421/UB do Phó chủ tịch Phạm Hồng Quang ký. Bằng vào công văn đó, chính quyền thị xã thúc ép dân tháo dở nhà. Dân chưa thông, người thì gởi đơn thư, người thì trực tiếp chạy lên tỉnh thưa kiện. Do bất đồng quan điểm xử lý, quan hệ giữa UBND tỉnh và UBND thị xã trở nên vô cùng căng thẳng. Thường vụ tỉnh uỷ tỉnh uỷ phải họp và có văn bản kết luận ngày 6 – 12 – 1988, nhưng cũng không giải quyết được mối bất hoà này. Do vậy, việc giải toả nhà dân ở Tuy Hoà thời gian đó chậm lại.
Đùng một cái vụ việc lan ra tới kỳ họp Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố khác quan tâm vụ việc này đã chất vấn đoàn đại biểu tỉnh Phú Khánh. Đồng chí Võ Hoà đã phải tường trình vụ việc. Do vậy, Đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định cử hai kiểm sát viên cao cấp vào Tuy Hoà đẻ thẩm tra tại chỗ.
Kỳ họp Quốc hội chưa bế mạc, hai kiểm sát viên cao cấp chưa kịp vào thì ở nhà Phó chủ tịch Phạm Hồng Quang lại ký một công văn hướng dẫn số 1917 ngày 15 – 12 – 1988 cho phép UBND thị xã Tuy Hoà tháo gỡ “phần lấn chiếm” của ba ngôi nhà kiên cố còn lại trên đường Ngô Quyền (đoạn từ đường Trần Hưng Đạo ngang qua chợ thị xã. Còn đoạn kế tiếp từ đường Lê Lợi đến Nguyễn Huệ, vẫn còn 16 căn hộ phải tháo dở tiếp, chúng tôi sẽ nói đến ở phần dưới), với thời gian thực hiện cố gắng đến 20 – 12, chậm nhất là cuối tháng 12 phải xong.
Thế là cuối cùng, chính quyền thị xã đã bằng biện pháp hành chính cưỡng chế tháo dở nốt những căn nhà kiên cố trên đoạn đường này. Chứng kiến cảnh đó, Trúc Chi viết bài phản ứng đăng lên báo Thanh Niên, Lê Lành viết bài đăng trên báo Tiền Phòng. Cả hai tờ báo và hai tác giả liền bị thị xã gởi kiến nghị đòi truy tố, còn trên hệ thống loa truyền thanh của thị xã thì đọc bản kiến nghị ra rả suốt mấy ngày đêm liền. Cùng cảnh đó, có nhà báo viết rằng nhân dân tự tháo dở phần lấn chiếm, việc giải toả tiến hành tốt đẹp. Cũng y như mấy triệu dân đang bị thiếu ăn, lại có người viết tin lúa được mùa, nhân dân phấn khởi. Làm sao có thể nói dân tự nguyện tự giác trong khi nhận được thông báo giải toả của Ban Công trình công cộng thị xã với lời lẽ đe doạ : “Hết thời hạn trên(tức 20-4-88, có thông báo gia hạn đến 22-5-88) thì Ban CTCC cùng với UBND phường tổ chức tháo dỡ, mọi chi phí tháo dở gia đình phải đài thọ và chủ hộ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Đoạn in nghiêng ở trên do tôi sợ có người cho tôi lý luận hồ đồ vô căn cứ, nên tôi xin trích ngang một phần nhận định trong kết luận của kiểm sát viên cao cấp tại buổi công bố kết quả thẩm tra vụ việc.
Cũng để nói năng, lý luận cho có căn cứ, kẻo người ngoài thị xã Tuy Hoà chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, tôi xin nói về nguồn gốc, lai lịch của con đường Ngô Quyền và mô tả nó theo sơ đồ quy hoạch của chính quyền cũ mà thị xã Tuy Hoà đã căn cứ vào. Sơ đồ này do Thủ tướng nguỵ quyền Saigon Trần Thiện Khiêm phê duyệt ngày 20 – 11 – 1972. Trong sơ đồ quả thật có con đường Ngô Quyền, từ đường Nguyễn Công Trứ lần lượt băng ngang qua các đường Nguyễn Tri Phương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt cuối cùng tiếp với đường Nguyễn Huệ. Đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lê Lợi một mặt tiếp giáp với chợ thị xã Tuy Hoà, có lòng đường ghi trong sơ đồ rộng 30 m, còn ở hai đoạn hai đầu ghi 16 m. Đó là trên bản vẽ quy hoạch, có trong thực tế từ trước đến nay ở hai đoạn hai đầu chỉ đo được 2 đến 3 m, thậm chí có nơi không có con đường rõ rệt như đoạn cuối từ đường Lý Thường Kiệt. Cứu Hoả gần như chỉ có một lối mòn vòng quanh đi tắt ra đường Nguyễn Huệ. Rõ ràng đây là con đường tự phát. Đa số nhân dân những năm chiến tranh bị ly tán, xô tụ về đây sinh sống. Họ làm nhà cửa trên phần đất bỏ hoang, trước thì lều tranh vách đất, sau lên xây đúc kiên cố, đó cũng là lẽ thường tình. Rồi đi lại sinh hoạt lâu dần hình thành một con đường. Tính chất tự phát này rõ rệt ở đoạn cuối tiếp giáp với đường Nguyễn Huệ. Quy kết cho nhân dân lấn chiếm trái phép thì oan cho họ quá. Trước khi họ làm nhà thì con đường đã có đâu mà lần.
Mãi cho đến trưa ngày 30 – 12 – 1988, khi chúng tôi đứng ngay giữa tim đoạn
đường mới giải toả, từ chợ hướng về phía cuối đường, xem thử nếu theo đúng ý đồ giải toả của thị xã con đường sẽ băng qua đâu. Rùng rợn thay, nó đi ngay chính giữa tim ngôi nhà số 47. Và tiếp đó, lúp xúp đằng sau mười mấy căn nhà nối tiếp nhau đến tận đường Nguyễn Huệ chưa kịp tháo dở. Thật ra không phải chỉ tháo dở mà phải đập nát tan toàn bộ 16 căn nhà còn lại. Nhiều nhà có vườn cây trái đã lưu niên, cành lá sum xuê râm mát. Con đường Ngô Quyền mới mở sẽ đâm suốt tim đường khu vườn nhà xanh tươi đó. Có lẽ giải toả, tháo dở đến đây người thi hành phận sự cũng cảm thấy chùn tay, nên dừng lại. Căn nhà 47 nằm cheo leo như một ngọn đèn chực tắt trước gió.
Tôi vào, gặp bác chủ hộ tên Huỳnh Cường, vợ là bà Võ Thị Thoả. Bác từ nông hôn phiêu dạt lên đây trong những năm chiến tranh. Hồi đó, quanh đây là một trũng lầy bỏ hoang, đã có đường sá gì đâu – bác nói – vợ chồng làm ăn dành dụm, bòn tro đãi sạn mới xây được cái nhà này từ năm 1962.
- Nhưng bây giờ thị xã đang giải toả để làm đường đây, bác tính sao? Tôi hỏi
- Vì việc chung, Nhà nước muốn giải toả thì tui cũng sẵn sàng dở nhà đi thôi, Nhưng mà mấy lần làm đơn xin Nhà nước cho tui một cái nhà nhỏ, mái tôn vách ván cũng được, hoặc chỉ cho tui miếng đất để tui dở nhà tới. Chứ chưa có nhà, có đất khác, thì tui dở nhà đi đâu bây giờ!
- Thế nghe nói các bác đều tự nguyện tháo dở cả mà? Tôi hỏi.
- Không tự cũng không được.
Bác cầu mong chúng tôi can thiệp cho gia đình bác có được miếng đất để dở nhà, Đó là ý nguyện sau cùng của bác. Tôi lặng im không dám hứa hẹn gì, bởi vì tôi biết mười mươi hứa chỉ là hứa cuội. Ở đây, chúng tôi là những kẻ “lực bất tòng tâm”. Tôi chỉ thông báo tóm gọn cho gia đình bác biết kết luận của cán bộ Vụ điều tra thẩm cứu thuộc VKSND tối cao về vụ việc này, hy vọng rằng kết luận đó giúp cho bác có thêm nghị lực để đợi chờ pháp luật công minh giải quyết ý nguyện chính đáng của gia đình bác.
Dưới đây, để kết thúc bài viết này, và cũng để trả lời cho câu hỏi sự thật về vụ giải toả nhà ở đường Ngô Quyền, thị xã Tuy Hoà, tôi trích từ cuộn băng ghi âm lời kết luận của đồng chí Hoàng Khấu, kiểm sát viên cao cấp thuộc Vụ điều tra thẩm cứu, Viện KSND tối cao, người đã được đồng chí Viện trưởng cử vào, theo yêu cầu của QH và HĐND, để trực tiếp thẩm tra vụ việc này.
Nguyên văn : “Kết luận thứ nhất. Con đường Ngô Quyền là con đường hình thành tự phát.
Thực tế đường Ngô Quyền trước khi UBND thị xã Tuy Hoà tiến hành giải toả là một con đường mặt đất, lòng rộng 10m. Có đoạn chỉ đo được 9 m. Một đầu giáp với đường Nguyễn Tri Phương rộng 16 m, nhưng thực tế chỉ 2 m, có đoạn đo được 2,5 m). Một đầu giáp với đường Cứu Hoả, cách đường Lý Thường Kiệt 20 – 25 m. Đường chưa có hình dáng rõ rệt. Cách 2 m lề đường là nhà dân, lều quán, tường rào của dân đã được xây cất từ lâu, đa số từ 1962 về trước. Nền nhà, nền đất vườn so với lòng đường cao hơn từ 2 đến 3 tấc. Dọc hai bên lề đường có hàng cây xanh (hiện nay bị chặt và đào sạch gốc), cây lớn đường kính từ 30 đến 35 m. Đoạn từ đường Cứu Hoả trở đi thì chưa có đường. Ở đây là nhà dân, vườn cây của dân có từ trước 1962.
Kết luận thứ hai. Dưới chế độ cũ và từ ngày trước giải phóng đến nay, đường Ngô Quyền chưa được cải tạo và cũng chưa được tu bổ.
Kết luận thứ ba. Các công trình nhà ở, quán bán hàng của dân được xây cất ở lòng đường Ngô Quyền cũng tự phát từ trước ngày giải phóng đến nay.
Cho nên, UBND thị xã Tuy Hoà quy kết cho dân chiếm dụng lòng lề đường trái phép là không đủ cơ sở pháp lý.
Kết luận thứ tư. Muốn giải phóng các công trình nhà ở, quán hàng của nhân dân trên đường Ngô Quyền thì UBND thị xã Tuy Hoà và UBND tỉnh Phú Khánh phải thực hiện đầy đủ những qui định tại các văn bản liên quan của nhà nước gồm : Nghị định 237 ngày 19 – 5 – 85 của HĐBT, Quyết định 201/CP ngày 1 – 7 – 80, và Quyết định 115/CP ngày 25 – 5 – 86 của HĐBT quy định trường hợp đường Ngô Quyền “phải có thiết kế kỹ thuật, thiết kế thì công, dự toán công trình được cấp có thẩm quyền thẩm tra và ra quyết định”, thẩm quyền xét duyệt các công trình thi công phải tháo dở từ 20 hộ dân trở lên thuộc thẩm quyền của chủ tịch HĐBT, từ 20 hộ dân trở xuống thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh xét duyệt”.
Thực tế UBND thị xã Tuy Hoà, có sự chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Khánh đã thực hiện như sau: Cuộc họp HĐBT thị xã Tuy Hoà khoá 5, kỳ họp thứ 4 có nghị quyết thông qua phương hướng, mục tiêu phát triển y tế, xã hội, có mục ghi “giải toả việc lấn chiếm lòng lề đường, để lát vỉa hè các con đường Võ Tánh, Lê Lợi, Ngô Quyền …”. Chúng tôi cho rằng Nghị quyết của HĐBT thị xã nhằm làm cho những con đường ngày càng khang trang tốt đẹp hơn là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng việc tổ chức thực hiện, biện pháp thực hiện của cơ quan chấp hành đó là UBND thị xã lại tiến hành như sau:
Ngày 19 – 4 – 88, UBND thị xã ra thông báo số 43 về việc giải toả lòng lề đường Ngô Quyền, có ghi “để bổ sung thông báo số 92 của của UBND thị xã” về việc này. Như vậy thực chất UBND thị xã đã tiến hành trình tự giải toả đường Ngô Quyền từ trước kỳ họp thứ 4, HĐND thị xã khoá 5.
Thị xã đã viện dẫn thực hiện theo QĐ 15 ngày 21 – 3 – 1984 của UBND tỉnh. Nhưng Quyết định 15 đã bị Quyết định 937 của UBND tỉnh ký sau đó bãi bỏ, không còn giá trị nữa.
Tiến hành giải toả nhà dân, chính quyền thị xã đã căn cứ vào sơ đồ quy hoạch của chính quyền cũ chưa được pháp chế hoá theo luật lệ hiện hành. Cho đến nay cũng chưa tiến hành điều tra, lập danh sách các hộ giải toả. Chưa có quy hoạch tổng thể, đồ án thiết kế thi công được cấp thẩm quyền duyệt quy định tại các văn bản đã nêu dẫn.
Vì vậy, việc tiến hành giải toả các công trình nhà ở, lều quán của dân ở đường Ngô Quyền, về mặt tổ chức và biện pháp thực hiện là hoàn toàn sai pháp luật…”
Kết quả thẩm tra này đã được kiểm sát viên cao cấp, Viện KSND tối cao, công bố rộng rãi trong phiên họp tại UBND tỉnh Phú Yên chiều ngày 27 – 1 – 1989. Trên cơ sở này, đồng chí Viện trưởng Viện KSND tối cao sẽ có một quyết định chính thức. Trong khi chờ đợi, thiết nghĩ kết luận này cũng thừa đủ cho ai đó khỏi mất công viết “Sự thật về một sự thật”.

Tháng 2 – 1989

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét