Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

NGUYỄN CÔNG THẮNG - KỲ HỌP THỨ TƯ, QUỐC HỘI KHOÁ VIII VÀ VỤ ÁN ĐOÀN THỊ THUẬN, VỤ GIẢI TOẢ NHÀ ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN

NGUYỄN CÔNG THẮNG

KỲ HỌP THỨ TƯ, QUỐC HỘI KHOÁ VIII
VÀ VỤ ÁN ĐOÀN THỊ THUẬN,
VỤ GIẢI TOẢ NHÀ ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN


Máy bay cất cánh lúc 6 giờ. Trời tờ mờ sáng. Đằng sau là thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày cuối đông đang trở lạnh. Tôi cố nhích chân tránh cái va ly hành lý xách tay tôi đút vội dưới gậm ghế khi vừa lên máy bay. Cuối cùng tôi cũng tìm được một thế ngồi thoải mái, tĩnh tâm một chút và bắt đầu nghĩ ngợi đến công việc của mình phải làm trong chuyến công tác này.
Hành lý tôi mang theo không ngoài một chiếc va ly đang nằm ép dưới chân. Trong đó ngoài mấy bộ áo quần và đồ dùng cá nhân mà vợ tôi cẩn thận tính toán vừa đủ cho một chuyến đi khoảng nửa tháng, còn lại là toàn bộ hai hồ sơ vụ án Đoàn Thị Thuận và vụ giải toả 72 căn nhà ở đường Ngô Quyền, thị xã Tuy Hoà, tỉnh Phú Khánh).
Thiệt là tai bay vạ gió. Cầm bằng chuyến đi Hà Nội lần này, tôi chẳng còn thì giờ đâu mà lang thang bờ hồ, mà thưởng thức phở Bắc, mà bù khú với bạn bè quanh mâm thịt chó, mà ngồi tán chuyện đời với mấy cụ bán chè chén bên vệ đường… Đấy là những thú vui mà tôi thích ở Hà Nội. Cách đây năm tháng, anh bạn nhà văn Trúc Chi “giữ đường thấy chuyện bất bằng” đã nhảy vào cuộc, lôi vụ việc ra ánh sáng. Từ mấy bài báo của anh đăng trên tờ Tuần tin Thanh Niên của chúng tôi, bùng lên thành một dư luận sôi động trong cả nước. Và thế là chúng tôi cũng phải chạy theo vụ việc đến hụt hơi. Nửa năm trời phóng viên đi ra đi vào Nha Trang, Tuy Hoà như con thoi; ban biên tập phải đi hầu hết cửa này đến cửa nọ để trình bày, ký giải, báo cáo… Và cuối cùng câu chuyện đã đến tai chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch Quốc hội. Chị tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra trước kỳ họp Quốc hội lần này. Đấy là toàn bộ nguyên do mà tôi phải có mặt trên chuyến bay TPHCM – Hà Nội vào ngày chủ nhật 11.12.1988, một ngày trước khi Quốc hội họp phiên trù bị, hai ngày trước phiên chính thức khai mạc. Ban biên tập giao trách nhiệm cho tôi theo dõi, phản ánh kịp thời hoạt động của quốc hội ở một kỳ họp hứa hẹn nhiều đổi mới, một kỳ họp mà toàn dân ngóng đợi Quốc hội đưa ra những quyết định quan trọng về kinh tế - xã hội, thể hiện thời kỳ dân chủ hoá sinh hoạt chính trị của đất nước. Đồng thời tôi phải mang theo toàn bộ hồ sơ những vụ việc chính tôi đã công khai trên báo, tìm cách vận động đưa ra thảo luận tại kỳ họp, đặc biệt là vụ giải toả nhà dân ở đường Ngô Quyền và vụ án chị Đoàn Thị Thuận ở thị xã Tuy Hoà. Cùng một lúc tôi phải hoàn thành hai nhiệm vụ nặng nề. Tập hồ sơ dày mấy trăm trang căng phồng chiếc cặp da dưới gậm ghế và đang ép sát vào ống chân tôi đau nhức. Hình như nó cũng biết gợi nhắc, kêu đòi tôi, muốn gắn bó thành một phần của cuộc sống tôi lúc này. Tôi phải làm gì đây? Phải hành động như thế nào đây cho khôn khéo và hiệu quả? Công lý và lẽ phải nhiều khi tự nó không thể lên tiếng. Con người phải kêu đòi, phải trả giá. Chúa cũng phải chịu nạn trên thập tự để chứng minh công lý bị bạo lực chà đạp. Tôi ngồi nghĩ miên man. Ngoài kia, dưới hai cánh máy bay, nắng sáng trên tầng mây trắng xoá lãng đãng. Máy bay như đang trôi đi trong một vùng băng giá mênh mông vĩnh cữu.
Số báo 39 (137) ra ngày 19.9.1988 chúng tôi đang khởi đăng vụ án qua bài viết “Hãy cứu lấy Đoàn Thị Thuận” của Trúc Chi. Số phận đáng thương của nạn nhân được mô tả trong bài báo đã gây nên một luồng dư luận trong bạn đọc. Chính tôi nhận được nhiều thư gởi tới toàn soạn chia sẻ nỗi đau với nạn nhân. Nhiều người gởi tiền nhờ chuyển cho chị Thuận. Thú thật lúc đầu tôi cũng chẳng quan tâm gì nhiều. Bởi suy cho cùng, tính chất của vụ việc không lớn, không gây thiệt hại gì lắm về nhân mạng và tài sản. Giải quyết hậu quả của nó có gì đó chưa được thoả đáng, những vụ tương tự như thế này, thường chúng tôi chỉ làm công văn gởi chính quyền cấp trên nơi xảy ra vụ việc là được giải quyết ngay. Còn nỗi oan khiên, niềm đau nhân thế thì thấm vào đâu so với những vụ việc khác. Tôi đã nghĩ thế. Không phải vì xem thường và chai lì trước nỗi khổ đau của một con người. Nhưng đời làm báo tôi đã đọc qua hàng trăm hồ sơ, đã chứng kiến hàng trăm vụ việc mà nỗi oan khuất và đau xót không bút nào tả xiết. Có những nỗi oan khuất mãi mãi bị chìm lấp. Có những chuyện nó cứ ám ảnh tôi như một món nợ ngàn năm không trả nổi. Bạn hãy thử nghe một chuyện. Cách đây gần hai năm, chúng tôi nhận được thư của một phụ nữ kể lại một đêm oan khuất của đời chị 4 năm trước. Thuở ấy chị làm nghề bán vé số, và thỉnh thoảng có ghi số đề - chính chi tiết chị tự thú nhận này làm tôi tin tưởng toàn bộ câu chuyện chị kể bên dưới là sự thật. Công an địa phương lấy cớ bắt chị lúc 9 giờ tối vào cái đêm oan nghiệt ấy, giam chị trong một căn phòng không có đèn đóm gì cả. Nửa đêm trưởng đồn công an và 5 thuộc hạ thay phiên nhau hãm hiếp chị cho đến sáng. Sau khi thoả mãn thú tính chúng thả chị ra và hăm doạ nếu chị tố cáo chúng sẽ bắn chết chị. Chị sợ hãi không dám hé răng. Cho đến khi viết thư cho chúng tôi, chị biết đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, dân chủ và công khai được đề cao; nhiều vụ việc tày đình bị báo chí phanh phui trước công luận. Nhưng chị không nuôi oán thù. Nhưng chị cảm thất uất ức không chịu được vì những con thú mang mặc người đó khéo che đậy nên cứ sống điềm nhiên, có đứa lên chức lên quyền, mọi người trọng vọng. Chị không muốn thấy những con người đó tồn tại trong Đảng và Nhà nước ta nên chị nói ra để mong chúng tôi thay chị lật mặt nạ bọn chúng. Nhưng chị cũng yêu cầu chúng tôi khi đi về điều tra xác minh thì phải khéo léo kẻo xóm làng biết, chồng chị biết thì e rằng hạnh phúc gia đình chị tan vỡ. Gần hai năm trời kể từ ngày nhận thư của chị, tôi không nghĩ ra được một cách nào thật khéo léo. Sự việc xảy ra quá lâu, lại là một vụ hiếp dâm nên khó mà tìm ta tang chứng.Vả lại chúng tôi coi trọng hạnh phúc nhỏ nhoi của chị hơn sinh mạng những con sâu dân mọt nước kia. Tôi không có cái tài như Lê Phong phóng viên, như thám tử Sơlốc Hôm nhưng người phụ nữ không quen biết đó cứ ám ảnh tôi mãi. Nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ được. Đáng buồn thay cuộc đời vẫn còn những ngõ tối khuất lấp mà ánh sáng công lý mãi mãi không thể soi rọi tới. Nỗi uất ức, oan khiên của người đàn bà kia suốt đời là một nỗi đau câm nín.
Vụ án chị Đoàn Thị Thuận dù sao toà án đã xử phúc thẩm. Chỉ có điều có điều bản án chưa thoả đáng. Công luận động lòng và căm phẫn bởi chị Thuận suốt đời thương tật, cả chồng con chị sẽ sống như thế nào quãng đời còn lại. Và chỉ vì 100 lọ Péniciline vớ vẩn mà người ta đang tâm đánh đập một con người đến mang tật nguyền suốt đời. Tiếp vụ án chị Đoàn Thị Thuận chưa giải quyết xong là vụ giải toả 72 căn nhà đường Ngô Quyền, cũng tại thị xã Tuy Hoà. Chính quyền ra lệnh giải toả trong khi không có sơ đồ tổng thể và thiết kế thi công công trình được cấp thẩm quyền duyệt theo luật định, quy cho dân lấn chiếm lòng lề đường trái phép để không bồi thường. Dân phản ứng không chịu tháo gỡ thì huy động lực lượng đập phá. Dân kiện đến chủ tịch tỉnh. Tỉnh ra lệnh tạm dừng, thị xã khôn thi hành. Sự việc rối như một nồi canh hẹ.
Từ đấy tôi không còn xem nhẹ những vụ việc xảy ra ở Tuy Hoà nữa. Ở đây bạo lực đang trở thành tập quán, một nếp quen. Qua quá trình đi theo vụ việc chúng tôi bỗng nhận thấy rằng mọi vụ việc sẽ không bao giờ giải quyết được dù lên tới cấp tỉnh. Tất cả là do tình trạng mất đoàn kết. Đầu óc cục bộ địa phương đã ngự trị trong mọi sinh hoạt chính trị xã hội của tỉnh đến mức báo động. Nhiều sự kiện không được xét theo kỷ cương của Đảng và luật pháp Nhà nước mà người ta xem người liên quan thuộc cánh Phú Yên hay cánh Khánh Hoà, từ đó mà xác định thái độ và cách xử trí.
Chúng tôi biết mình đang rơi vào một trận đồ không có lối ra. May thay tới kỳ họp hàng năm của Quốc hội. Trước đây đấu tranh cho Nguyễn Mạnh Huy được đi học thì Đại hội Đoàn toàn quốc là một thời cơ giúp chúng tôi kết thúc thắng lợi. Rút bài học kinh nghiệm, chúng tôi xem kỳ họp Quốc hội lần này là dịp may hiếm có để đánh động những vụ việc ở Tuy Hoà đến trung ương, may ra mới giải quyết dứt điểm. Nhưng đánh động như thế nào? Tính toán bước đi như thế nào cho phù hợp và có kết quả? Ban biên tập giao nhiệm vụ nặng nề đó cho tôi. Và tôi thì giờ đây đang ngồi nghĩ ngợi lan man. Trong đầu chưa hình thành được một kế hoạch gì cụ thể cả.
Máy bay giảm độ cao xuyên qua biển mây trắng đục, mặt đất đã hiện ra. Khu ngoại thành Hà Nội như một tấm thảm màu xanh. Nắng đang sưởi ấm những ruộng rau dền đều đặn như tranh vẽ. Nữ tiếp viên hàng không thông báo : “Máy bay sắp đáp xuống sân bay Nội Bài… Hà Nội sáng này 15o. Chúc quý khách thượng lộ bình an”. Xin cám ơn một lời chúc tốt lành. Nhưng bình an thì chưa chắc đâu. Có thể một thất bại chua chát đang chờ đợi tôi đấy, cô tiếp viên xinh đẹp ạ!
Việc đầu tiên khi tôi đặt chân lên Hà Nội là đến Văn phòng Quốc hội. May mắn được gặp ngay anh Vũ Mão, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và HĐNN. Thuở tờ báo chúng tôi mới ra đời, anh là bí thư thứ nhất TƯ Đoàn. Cho nên, đến bây giờ hễ gặp nhau anh xem chúng tôi như người nhà. Trong lúc đợi văn phòng sắp xếp cho chỗ ăn nghỉ, tôi tranh thủ trình bày ý đồ với anh Vũ Mão. Anh hoàn toàn đồng tình ủng hộ và gợi ý cho tôi tìm cách vận động đoàn đại biểu Phú Khánh đưa vấn đề ra thảo luận tại các phiên họp tổ. Gợi ý của anh Vũ Mão là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho kế hoạch của tôi trong những ngày sắp tới.
Xe văn phòng Quốc hội đưa tôi vè khách sạn Giảng Võ. Đấy là khu ăn nghỉ của đại biểu. Đoàn đại biểu các tỉnh đã đến đông đủ. Phòng làm việc của ban Tổ chức tấp nập người ra vào. Gần nửa tiếng sau tôi lấy được phòng. Chưa quen với khí hậu Hà Nội tôi cảm thấy lạnh và mệt. Nằm nghỉ một lát tôi trở dậy ghé xuống căn tin ăn qua quít một buổi cơm trưa. Cốc bia hơi Hà Nội rẻ và ngon đã giúp tôi nuốt trôi bữa cơm vội vã đó. Vừa ăn tôi vừa nghĩ có lẽ mình nên gặp chị Ngọc Phượng trước. Quả thật tôi cũng cảm thấy hơi áy náy bởi tư cách là Phó chủ tịch Quốc hội, chị có biết bao vấn đề trọng đại khác phải làm, phải quan tâm, phải suy nghĩ trước khi bắt đầu kỳ họp quan trọng như lần này. Tôi thì chưa một lần làm việc với chị nên chưa quen biết nhau. Nhưng nề hà gì chuyện đó. Cách xử lý của cánh nhà báo chúng tôi trong trường hợp như thế là cố mà tìm cho ra một cái cớ để xông bừa vào và vồn vã hết với mọi người. Lượng thông tin mà chúng tôi tích tụ bao năm trong trí nhớ, trong sổ tay ghi chép, trong đống sách báo ngốn hằng ngày sẽ giúp chúng tôi có cái vẻ vấn đề nào cũng biết, người nào cũng quen. Cái cớ mà tôi sẽ viện ra với chị Phượng là đến chào chị để chị biết báo chúng tôi có cử người ra, hỏi han chị về nội dung, lịch kỳ họp (mặc dù tôi biết vấn đề này nên hỏi ở Văn phòng QH thì tốt hơn). Còn bản thân sự có mặt của tôi sẽ nhắc nhở chị Phượng hai vụ việc ở Tuy Hoà mà chị đã hứa sẽ đưa ra trước kỳ họp. Mục đích sau cùng như vậy là được che giấu một cách khéo léo và lịch sự. Tôi xoa tay vừa để hài lòng với cách sắp đặt của mình vừa để kết thúc một bữa cơm khó nuốt vì mệt và lạnh. Sau đó tôi vội vã đến Ban tổ chức xem sơ đồ bố trí phòng ở của đại biểu để tìm đoàn TP. Hồ Chí Minh. Hoá ra đoàn đang ở các tầng dưới cùng dãy phòng với tôi. Tôi đến gặp các anh quen : giáo sư Lý Chánh Trung, giáo sư Huỳnh Văn Hoàng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, kỹ sư Trần Thiện Tứ, nhà văn Nguyễn Khải. Hỏi chị Ngọc Phượng, các anh cho biết chị ra trước đoàn mấy ngày, nghe đâu đang ở bên nhà khách Quốc hội, ít ngày nữa chị sẽ ở chung với đoàn ở Giảng Võ. Thế là tôi đành phải đợi.
Sẵn dịp gặp anh Trần Thiện Tứ vốn có duyên nợ với tôi về vấn đề chính sách thuế, anh đang chuẩn bị viết tham luận về vấn đề này. Tôi thông báo cho anh tình hình thành phố mấy ngày tôi chuẩn bị ra. Chúng tôi lại xoay quanh vấn đề thuế, vấn đề đề nghị bãi miễn một số bộ, thứ trưởng. Chúng tôi thường gọi đùa anh Trần Thiện Tứ là Trần Thiện Thuế, bởi anh là người rất am hiểu và quan tâm đến chính sách thuế, đi đâu anh cũng nói chuyện thuế và nói một cách hăng say, tường tận. Còn tôi, sau gần cả giờ đồng hồ hàn huyên với anh về vụ thuế, trước khi từ giã anh, tôi còn kịp gài hai vụ Tuy Hoà nhờ anh ủng hộ, sau đó tôi sẽ chuyển hồ sơ cho anh đọc. Nhờ thế, mấy hôm sau anh có dịp đùa lại tôi : Nhân xem hai vở kịch của Lưu Quang Vũ do Đoàn kịch Hải Phòng và Đoàn quân đội biểu diễn phục vụ đại biểu, các nhân vật chính trong kịch cũng chịu đựng những cảnh áp bức oan ức như những nạn nhân ở Tuy Hoà. Ngồi xem, anh Trần Thiện Tứ đùa tôi : Xem mấy vở kịch này Công Thắng thế nào cùng nhớ đến Tuy Hoà. Nói xong, anh cười thoải mái. Anh có cái lối cười vui vì tôi ngầm hiểu như thế là anh đã ủng hộ chúng tôi trong cuộc đấu tranh cho những nạn nhân xấu số.
Buổi chiều đầu tiên không khéo đâm ra rảnh rỗi, tôi sắp xếp lại công việc. Cả ngày hôm nay chưa kịp báo cơm, nên chiều nay cũng phải “cơm hàng cháo chợ”. Đã thế thì một chiều lang thang rong chơi Hà Nội; tìm cho được một hàng phở ngon ăn tối, vừa kết hợp đưa thư từ bạn bè gởi, gặp gỡ cộng tác viên đặt bài. Sáng hôm sau sẽ ghé Trung ương Đoàn làm cho xong những công việc mà cơ quan giao. Nếu được gặp anh Hà Quang Dự thì báo cáo công việc để nhờ anh giúp đỡ hoặc có chỉ đạo gì thêm. Buổi tối, tìm gặp đoàn đại biểu Phú Khánh. Hai ngày đầu tiên đại khái đã trôi qua như thế. Công việc chỉ mới khởi động nhưng đã có nhiều tín hiệu tốt đẹp. Tiếp xúc và đặt vấn đề với đoàn đại biểu tỉnh Phú Khánh, đa số đều đồng tình đưa hai vụ việc ở Tuy Hoà ra thảo luận ở tổ. Nếu được chất vấn, các đại biểu Phú Khánh sẵn sàng trả lời trong các phiên họp toàn thể ở hội trường Ba Đình. Lần đầu tiên gặp anh Võ Hoà, trưởng đoàn đại biểu, chủ tịch UBND tỉnh, tôi có cảm giác anh là một người điềm đạm vì từng trải, nhân hậu với người khác vì dám hy sinh tình cảm của riêng mình. Về hai vụ ở Tuy Hoà, anh đã phát biểu quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề của anh hết sức rành rọt. Ở anh, vừa có tính quyết đoán, vừa có sự chín chắn, cẩn trọng của một người dày dạn kinh nghiệm. Người ta có cảm giác yên tâm khi cùng bàn định với anh một công việc gì. Riêng vụ giải toả nhà ở đường Ngô Quyền, chính quyền thị xã xem thường ý kiến chỉ đạo của anh mà anh đành bó tay. Anh hết sức buồn bã và bực dọc. Anh kể với tôi : chủ tịch thị xã Tuy Hoà Đặng Hồng Đức trong một cuộc làm việc với đoàn thanh tra tỉnh dám công khai gọi anh là con chó thiến. Nghe anh kể tôi quá bàng hoàng sửng sốt. Tôi bỗng thấy thương mến quý trọng anh quá, một chiến sĩ cách mạng đã suốt đời vì dân vì nước. Trong chiến tranh luôn có mặt ở những chiến trường gian khổ, nóng bỏng. Trong hoà bình xây dựng, liên tiếp ở những cương vị lãnh đạo cao của tỉnh, anh đã một đời chứng tỏ cuộc sống thanh bạch, trong sáng. Người ta không tìm ra một kẻ hở nào trong cuộc đời riêng của anh, nỗi đau mà lẽ ra phải được chia sẻ, kính phục thì lại bị cấp dưới đem ra mà bêu rếu, lăng mạ.
Anh Võ Hoà cám ơn chúng tôi đã ủng hộ và đứng về phía lẽ phải. Anh kỳ vọng
áo chí sẽ đánh động dư luận quần chúng và các cấp trung ương, chỉ có các ngành thẩm quyền ở trung ương mới giải quyết nổi các vụ việc này. Riêng tôi, anh nhờ tôi tiếp xúc với chị Ngọc Phượng để trình bày ý kiến của đoàn đại biểu Phú Khánh xem chị Phượng có ý kiến như thế nào rồi báo lại cho anh biết.
Anh không nhờ thì tôi cũng làm như vậy – tôi nói. Chỉ có điều mãi đến lúc này tôi vẫn chưa gặp được chị Ngọc Phượng. Ngộ nhỡ chị bận nhiều việc quan trọng rồi quên bẵng mất thì sao ! Có trời mà biết được tôi phải ứng phó như thế nào đây. Tôi nghĩ và tự cười thầm là mình khéo tưởng tượng.
Sáng ngày thứ ba 13.12.1988, Quốc hội khai mạc phiên họp chính thức. Thấy chị Ngọc Phượng ngồi trên ghế chủ tịch đoàn, tôi hơi vững tâm. Dù sao tôi cũng sẽ gặp được chị. Suốt ngày hôm đó tôi bận bịu với công việc nghiệp vụ của một nhà báo đối với kỳ họp = ghi băng, chụp ảnh, nhận tài liệu; giờ giải lao thì tranh thủ tiếp xúc, phỏng vấn các đại biểu. Giờ nghỉ buổi trưa, buổi tối phải đọc và ghi chép tài liệu. Phản ánh nội dung kỳ họp Quốc hội dù sao cũng là nhiệm vụ hàng đầu của tôi lúc này. Ở nhà, ban biên tập và các bạn đồng nghiệp đang trông chờ tin bài của tôi gởi về cho kịp số báo ra đầu tuần sau. Ngay từ ngày họp đầu tiên QH đã phải đối phó với những vấn đề hết sức gay go, căng thẳng. Báo cáo về tài chính ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nghe tờ trình thu học phí, viện phí của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Y tế. Toàn là cả những vấn đề mà nhân dân đang hết sức quan tâm và chỉ vần QH quyết định thiếu chính xác một chút là sẽ gây ra biết bao tai hoạ. Nội dung kỳ họp đã cuốn hút hết tâm trí của tôi những ngày đầu.
Mãi đến chiều hôm sau, trên đường từ nhà ăn về, anh Trần Thiện Tứ báo cho tôi biết là chị Phượng đã về ở chung với đoàn TPHCM, và hình như chị ấy cũng đang muốn gặp tôi. Tôi vội vã tìm gặp chị. Sau khi chào hỏi, tôi nói khéo : “Tôi biết chị đang bận rộn nhiều công việc quan trọng, nhưng xin chị dành chút thời giờ lưu ý đến hai vụ việc tại thị xã Tuy Hoà mà chị đã hứa đưa ra thảo luận tại kỳ họp. Tôi đã gặp anh Võ Hoà và các anh ở đoàn Phú Khánh. Họ cũng đang chờ xem chị có ý kiến như thế nào.
- Nghe có người của báo Thanh Niên ra tôi cũng đang muốn gặp đây- Chị cười cởi mở - tôi không quên đâu. Nhưng có điều, như anh đã thấy, những vụ ở Phú Khánh dù sao cũng chỉ là vấn đề nhỏ của một địa phương, khó mà đưa ra thành một nội dung thảo luận chung của kỳ họp. Tôi cũng đang suy nghĩ để tính toán một cách nào đây.
- Tôi đã bàn với các anh ở đoàn Phú Khánh đưa vấn đề ra thảo luận ở Tổ. Tôi sẽ tham dự phiên thảo luận đó và viết bài đăng trên báo. Đề nghị chị ủng hộ và tạo điều kiện.
-Vâng, tôi sẽ gởi phiếu chất vấn cho đoàn Phú Khánh.
- Nhưng, chỉ thế thôi thì chẳng giải quyết dứt điểm được đâu chị Phượng ạ - Tôi lo ngại nói.
- Thôi thế này, có lẽ tôi phải báo cáo với anh Lê Quang Đạo và các đồng chí trong đoàn chủ tịch Quốc hội – Chị vừa nói vừa trầm ngâm nghĩ ngợi – Sau đó tôi sẽ gặp anh Trần Quyết để đề nghị cho giám đốc thẩm vụ án chị Đoàn Thị Thuận và cử đoàn điều tra vụ giải toả nhà đường Ngô Quyền thị xã Tuy Hoà. Riêng vụ em Tống Châu Sinh ở Huế, nhân đây cũng sơ bộ báo cho anh biết, tôi đã trao đổi với anh Nguyễn Đình Ngộ, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch phụ trách văn xã tỉnh Bình Trị Thiên và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân. Nói chung, vụ này có khả năng dễ giải quyết.
- Có anh Nguyễn Đình Ngộ ra ? Tôi cũng quen với anh ấy.
- Thế thì tôi đề nghị anh cũng nên gặp để trao đổi thêm. Rồi nếu cần thì chiều ngày mai mời anh Ngộ, cả tôi và anh cùng gặp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân để có đủ cả ba, bốn bên, ta đề nghị giải quyết cho xong đi.
Tôi cẩn trọng đề nghị chị khi làm việc thì nói các anh Trần Quyết. Trần Hồng Quân ghi ý kiến và ký vào văn bản cho chắc ăn. Chị cười và an ủi tôi : Tôi đang làm như vậy đấy. Thôi nhé, yên tâm đi, thế nào tôi cũng có cách.
Từ phòng chị Phượng tôi đi như chạy xuống mấy tầng cầu thang, băng qua dãy nhà kế cận, đến khu phòng ăn nghỉ của đoàn Bình Trị Thiên , gõ cửa phòng anh Nguyễn Đình Ngộ. Anh đang áo quần chỉnh tề chuẩn bị đi xem phim chiêu đãi. Anh nhìn tôi ngờ ngợ. Tôi biết anh từ lúc anh là Phó trưởng ty giáo dục, còn tôi là một phóng viên Đài phát thanh Huế, những năm đầu Huế mới giải phóng. Sau đó tôi rời Huế. Cũng gần mười năm rồi còn gì. Khi nhận ra nhau anh vồn vã cầm tay tôi mời ngồi. Rồi tráng ấm chén, rồi pha trà. Thú thật tôi cũng rất đỗi vui mừng khi tình cờ gặp lại anh. Thế nhưng cái máu nghề nghiệp vẫn cứ trỗi dậy chơi khăm. Tức khắc, trong đầu tôi như hiện lên một đoạn phim cảnh căn phòng nho nhỏ của anh trong khu trường học cũ, nằm cạnh hữu ngạn sông Hương, phía trước dân anh trồng một dàn bí bò mà có lần anh khoe với tôi là rất sai quả. Tôi xởi lởi kể lại với anh khúc phim quá khứ đó. Anh cười to rất vui vẻ: - Bây giờ mình cũng còn ở mấy cái phòng đó, chẳng có nhà cửa gì mới đâu.
Khi đã bện chặt sợi dây tình cảm giữa mình với anh Ngộ, tôi mới từ tốn trình bày vụ Tống Châu Sinh. Hoàn toàn gặp thuận lợi. Anh Ngộ tuyên bố sẵn sàng gặp Bộ trưởng và ký vào văn bản giải quyết.
Thế là tôi gặp may. Kể như xong được một việc.
Còn hai vụ ở thị xã Tuy Hoà lúc này tôi hết sức lo lắng. Trước đây đưa vụ Nguyễn Mạnh Huy ra Đại hội Đoàn toàn quốc chúng tôi có nhiều yếu tố thuận lợi hơn. Trước hết báo có được một đại biểu chính thức, kế đó tính chất vụ việc phù hợp dễ vận động đưa vào chương trình nghị sự. Còn vụ án Đoàn Thị Thuận và vụ giải toả nhà đường Ngô Quyền chúng tôi phải hoàn toàn trông chờ vào chị Ngọc Phượng. Tại kỳ họp Quốc hội chúng tôi là báo chí chỉ có quyền nghe và phản ánh chứ không có quyền phát biểu và biểu quyết. Tính chất vụ việc thì rõ ràng đoàn chủ tịch kỳ họp sẽ khó mà chấp thuận là một đề tài đáng để đưa ra thảo luận tại các phiên họp chung. Theo chương trình chỉ có 3 ngày thảo luận chung ở hội trường Ba Đình. Ba ngày cuối cùng đó Quốc hội sẽ phải thảo luận và biểu quyết bao vấn đề trọng đại liên quan đến vận mệnh của cả toàn dân.
Đêm đó, ngay sau khi gặp anh Nguyễn Đình Ngộ, tôi đã đến đoàn Phú Khánh để báo cáo cho các anh biết tình hình chị Ngọc Phượng vừa trao đổi với tôi xong. Tuy thấy cái thực tế không thể chối cãi đó, song những người ủng hộ không tránh khỏi âu lo rằng vụ việc cuối cùng chẳng đi đến đâu. Chúng tôi bàn bạc nhau hết cách. Cuối cùng thống nhất một mặt chờ đợi kết quả làm việc giữa chị Ngọc Phượng và anh Trần Quyết. Một mặt tôi phải gặp chị Phượng đề nghị chị chuyển gấp phiếu chất vấn cho đoàn để chuẩn bị thật kỹ ở phiên họp tổ. Tôi cố gắng vận động thêm một vài tờ báo cùng dự để tạo thành dư luận mạnh mẽ. Sau đó tuỳ tình hình mà ứng tiếp.
Thứ sáu 16.12, tôi đã viết xong và gửi về toà soạn bài ghi chép của tôi về kỳ họp. Tôi cố gắng thông tin đầy đủ cho bạn đọc diễn biến của kỳ họp. Những vấn đề nóng bỏng mà Quốc hội đang thảo luận. Làm xong nhiệm vụ này tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm. Ít ra là trong ngày hôm nay và ngày mai tôi cũng được thoải mái một chút. Ai ngờ đấy là một ngày bận rộn nhất. Chị Phương gặp tôi và vui mừng thông báo cho tôi thắng lợi bước đầu : đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đồng ý giám đốc thẩm vụ án Đoàn Thị Thuận. Về phía Toà án nhân dân tối cao, đồng chí chánh án Phạm Hưng cũng cho biết là không có gì trở ngại. Ngoài ra đồng chí Trần Quyết đã hứa sẽ cho kiểm sát viên cao cấp vào Tuy Hoà thẩm tra tại chỗ vụ giải toả nhà dân ở đường Ngô Quyền. Tôi viết ngay bản tin mới nhất gởi về. Tôi tính toán nếu gởi máy bay vào sáng ngày mai thì không kịp thời hạn giao bài cho nhà in, nên vội vã mượn chiếc xe con của báo Công an nhân dân đến toà soạn báo Quân đội nhờ “tê lê” gấp vào buổi tối hôm đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét