Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

TIẾNG KÊU CỦA CON CHIM GÕ KIẾN

TIẾNG KÊU CỦA CON CHIM GÕ KIẾN
PHÓNG SỰ CỦA TRÚC CHI – NGUYỄN CÔNG THẮNG
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHÚ KHÁNH
- 1989 -
MỤC LỤC
TẬP PHÓNG SỰ

- LỜI GIỚI THIỆU - GIANG NAM
PHẦN MỘT
- HÃY CỨU LẤY CHỊ ĐOÀN THỊ THUẬN - TRÚC CHI
- ĐOÀN THỊ THUẬN : NỖI ĐAU VẪN CÒN ĐÓ - TRÚC CHI
- TIẾNG KÊU DA DIẾT - TRÚC CHI
- NHÂN PHẨM CỦA MỘT CON NGƯỜI VÀ TÀN BẠO
CỦA MỘT THẾ LỰC - TRÚC CHI
- THƯ CHỒNG CŨ CỦA ĐOÀN THỊ THUẬN
- SỰ THẬT VỀ GIẢI TOẢ ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN - Nguyễn Công Thắng
- CÔNG LÝ VÀ LUẬT PHÁP Ở ĐÂU - Trúc Chi
- TUY HOÀ HỘI TỤ CỦA ĐIỂM NÓNG - Trúc Chi
- KỲ HỌP QUỐC HỘI KHOÁ 8 VÀ - Nguyễn Công Thắng
VỤ ÁN ĐOÀN THỊ THUẬN
VỤ GIẢI TOẢ ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN

PHẦN HAI
- TIẾNG KÊU CỦA CON CHIM GÕ KIẾN - Trúc Chi
- 81 TUỔI, 13 NĂM ĐI GÕ CỬA KÊU CỨU - Trúc Chi
- NHỮNG NGÔI NHÀ ĐÒI MỞ CỬA - Trúc Chi
- NGƯỜI ĐỘI MỒ - Trúc Chi
- ĐẰNG SAU VỤ ÁN
GIÁM ĐỐC HỒ XUÂN TIÊN - Nguyễn Công Thắng
- - Nguyễn Công Thắng



VÀI LỜI GIỚI THIỆU
Trong cuộc đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực đang tồn tại trong xã hội ta hiện nay, thể loại phóng sự có một vai trò đặc biệt quan trọng. Nó vừa là báo chí, vừa là văn học. Báo chí, vì nó viết về những việc có thật, những con người có địa chỉ hẳn hòi; nó là mũi nhọn xung kích xông vào những nơi nóng bỏng của cuộc đấu tranh giữa cái đúng và cái sai, cái thiện và cái ác, vạch trần và đả kích không thương tiếc các loại mưu mô, tội ác chống lại con người. Văn học, vì nó cho phép tác giả tái hiện cuộc sống sinh động, phong phú, khắc hoạ những hình tượng cụ thể, những cảnh huống mang tính khái quát cao, nó gõ vào trái tim người đọc như tiếng kêu của con chim gõ kiến mỗi ngày nhắc nhở, thôi thúc con người : phải làm gì để tội ác bị lôi ra ánh sang và trừng phạt? Phải làm gì để xã hội không còn bị những vết nhơ ấy nữa? Phải làm gì để đưa ra trước dư luận những thế lực đen tối bao che và đồng loã với tội ác?

Người đọc trong cả nước, đặc biệt là người đọc ở Phú Khánh – trong vài ba năm gần đây đã hết sức chú ý đến những vài tường thuật, phóng sự nóng bỏng của Trúc Chi trên các báo về vụ án Đoàn Thị Thuận, về vụ giải toả nhà dân đường Ngô Quyền ở thị xã Tuy Hoà. Trước đây chúng ta mới biết Trúc Chi qua các bài thơ và truyện ngắn, truyện thiếu nhi của anh. Thơ và truyện của Trúc Chi chân chân, tình cảm như con người của anh. Lần này quả thật đã có một Trúc Chi khác, một Trúc Chi quyết liệt, dũng cảm, dám đương đầu với thử thách. Cái gọi là “Kiến nghị của Hội đồng nhân dân thị xã Tuy Hoà” đòi Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao truy tố anh và hai tác giả khác cùng với các báo “Tuần tin Thanh Niên” và “Tiền Phong” mới đây về tội “vu khống, loan truyền những điều bịa đặt nhằm xúc phạm đến uy tín danh dự của chính quyền thị xã Tuy Hoà” là một trong những bằng chứng sống. Nhân tố gì đã quyết định bước đi mới của Trúc Chi, đưa anh đến với thể loại phóng sự văn học vốn không phải sở trường của anh? Lòng nhân đạo, sự căm thù cái ác, lương tâm nhà văn…Nhưng có lẽ ít người biết rằng chính cái nơi đang diễn ra những điều ác ấy lại chính là nơi anh đã ra đời và lớn lên, nơi anh gởi gắm niềm tin yêu và hy vọng trong những ngày chiến đấu ác liệt nhất với kẻ thù. Nỗi đau nào bằng, trào nước mắt khi viết những dòng phóng sự cháy bỏng này.
Bạn đọc cũng từng biết Nguyễn Công Thắng, một cây bút xông xáo của “Tuần tin Thanh niên”, một nhà báo trưởng thành từ phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam trước đây. Cuộc sống sôi động và kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú của anh đã giúp anh thực hiện những bài phóng sự có chiều sâu, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Như anh đã viết trong một bài của mình, chính sự ngẫu hứng đã đưa anh đến với mảnh đất này, một sự ngẫu nhiên giúp anh phát hiện những điều tưởng như không thể nào có thật. Từ ngòi bút anh, từ trái tim anh vang lên tiếng gọi : “Không thể nào im lặng trước đòi hỏi chính đáng của con người”
Phần lớn các bài trong tập “Tiếng kêu của con chim gõ kiến” này đều xuất hiện trên các báo trong những năm vừa qua. Dù vậy, tập hợp lại trong một tập sách, người đọc vẫn ngạc nhiên và bàng hoàng “ lẽ nào đó là những chuyện có thật? Có thể các tác giả còn chưa đủ thời gian gọt giũa nâng cao thêm nhưng chính cái thật, cái sôi động của cuộc sống, tính thời sự của tác phẩm đã đảm bảo giá trị của tập sách đối với bạn đọc.

“Nhà văn không có quyền im lặng trước cái ác. Im lặng là đồng loã” … Tôi nhớ một nhà lớn thế giới đã viết như vậy. Chỉ có đấu tranh với cái ác, kêu gọi mọi người cảnh giác chống lại cái ác mới bảo vệ được quyền sống của con người, khẳng định đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta, góp phần làm cho chủ nghĩa xã hội ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập phóng sự của hai tác giả Trúc Chi và Nguyễn Công Thắng viết về một địa phương nhưng chắc chắn có ý nghĩa với nhiều địa phương khác trong cả nước.

Tháng 2 năm 1989
GIANG NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét