Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

PHẦN MỘT Trúc Chi HÃY CỨU LẤY ĐOÀN THỊ THUẬN

PHẦN MỘT


Trúc Chi

HÃY CỨU LẤY ĐOÀN THỊ THUẬN

Về thị xã Tuy Hoà vào tối 26.7.1988 thì sang hôm sau nhiều bà con phường 3 đến thăm và nói với tối về chuyện cô gái Đoàn Thị Thuận đang sống dở chết dở ở bệnh viện Bắc Phú Khánh (thị xã Tuy Hoà). Trong số bà con, có người làm ăn, buôn bán, có người là công nhân nhà máy điện, trường Trung học xây dựng số 6, có người là cán bộ về hưu, có người là chủ tịch phường, bí thư chi bộ phường, và tất nhiên có người là cán bộ đang kiêm nhiệm chức vụ các cơ quan nhà nước tại thị xã. Mấy ngày hôm sau nữa tôi đến các trường học, một số cơ quan, một số cửa hàng chợ thị xã được nghe nhiều ý kiến, nhiều nguyện vọng của bà con về Đoàn Thị Thuận.
Vụ án xử tại phường 4 thị xã chiều ngày 27.3.1986, việc vợ của trưởng ban công an xã ăn cắp thuốc của trạm y tế giao cho Thuận, Thuận bị công an bắt ép nhận là ăn cắp thuốc. Đoàn Thị Thuận kiên quyết không nhận nên bị tra tấn, đánh đập dã man liệt đến nữa thân mình, phải chở bằng xe bò xuống bệnh viện. Vậy mà hôm xử, tội phạm Trương Trọng Lực (trưởng công an xã), Trịnh Văn Bắc, Trần Minh Phong (công an xã) 20 năm tù giam, bồi thường cho nạn nhân 240.000 đ giá bằng hai tấn gạo năm ấy. Nhân dân dự phiên toàn ngày hôm đó đều rất bất bình, nhiều tiếng hô đòi xử lại, bà con ùa và đòi kẻ tội phạm phải đền bù xứng đáng với thương tích nhục hình Đoàn Thị Thuận …
Sau ngày xử, bà con thị xã dư luận cho phiên toà bao che tội phạm, có nhiều mờ ám, khúc mắc không được được công mình. Điều mà bà con chứng minh được là nạn nhân Đoàn Thị Thuận sau đó phải đưa vào thành phố Hồ Chí Minh để điều trị chấn thương, phục hồi chức năng, còn những tên tội phạm thì bốn tháng sau tức là ngày 5.8.1986 mới đưa vào nhà giam.
Suốt ba năm nay vụ án về nạn nhân Đoàn Thị Thuận vẫn cứ thành dư luận, thành chuyện phải bàn, phải đòi tra xét lại. Nhất là sau khi nạn nhân Đoàn Thị Thuận không chữa trị ở bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh được, nửa thân mình đã liệt hoàn toàn. Xe chở ra bệnh viện Qui Nhơn, nhưng đến nửa đêm 26 Âm lịch tết lại gửi vào bệnh viện Bắc Phú Khánh (thị xã Tuy Hoà). Bệnh viện thị xã đành phải tiếp nhận với tinh thần nhân đạo. Đoàn Thị Thuận nằm ở đây. Lúc đầu cha mẹ nuôi nấng, nhưng rồi tốn kém, tiền mất tật mang nên lại thôi. Riêng khoản tiền tội phạm bồi thường theo toà xử gia đình nạn nhân không thấy đâu. Và những tên tôi phạm theo bà con xã Hoà Quang cho biết thường xuyên ở nhà với vợ. Những tên tội phạm này còn tỏ thái độ thách thức với bà con, thách thức với pháp luật một cách ngang nhiên, trâng tráo.
Hôm tôi đến bệnh viện Bắc Phú Khách, hỏi thăm buồng nằm của Đoàn Thị Thuận, nhiều bệnh nhân, nhiều y tá, y sĩ của khoa ngoại biết được đều tập trung đến yêu cầu tôi (cũng như trước đây yêu cầu nhiều khách tỉnh ngoài đến thăm Thuận) tìm cách cứu xét, minh oan cho cô gái 28 tuổi. Bà con ở đây cho biết thêm chồng của Thuận đi bộ đội về thành thương binh, trở chứng đánh đập Thuận rồi bỏ Thuận, thỉnh thoảng có đến thăm, rồi sau đó không đến nữa. Đứa con bốn tuổi của Thuận thỉnh thoảng theo bà ngoại xuống với mẹ chỉ có khóc thôi rồi về.
Thuận nằm trên chiếc giường sắt, trông da thịt xanh tái của chứng bệnh phù, hai chân mềm nhão không động cựa được. Tay trái của Thuận hai năm nay cũng liệt dần, xuội lơ. Suốt ba năm nay Thuận chỉ nằm, mỏi lắm có người đỡ ngồi dậy một chút, ỉa đái cũng ngay tại giường nằm. Hỏi chuyện Thuận chỉ nghe tiếng được tiếng mất, trí nhớ kém hẳn. Nếu hỏi thì chỉ còn nhớ kẻ đánh mình bằng thước gỗ có cạnh sắt, đánh vào nghe đau nhức. Cạnh thước đánh vào hai ống chân, hai đầu gối và nỗi nhớ con thôi. Mỗi lần nhớ là Thuận khóc, người lã đi gần như bất tỉnh.
Cũng hôm ấy chị Xuân Lan bác sĩ phụ trách khoa ngoại bệnh viện, là người đã nhận nạn nhân Đoàn Thị Thuận vào đêm 26 tết âm lịch có cho biết nhận nạn nhân Đoàn Thị Thuận không một bệnh án, cũng không biết là người của ai, ở đâu và chế độ điều trị như thế nào. Ba năm nay thuốc men, nuôi nấng, chăm sóc cho Thuận với tinh thần là nhà thương và người thầy thuốc. Bệnh viện có làm bản tường trình gửi sở thương binh – xã hội trả lời. Nếu không có cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm thì không biết nạn nhân Đoàn Thị Thuận có còn nằm điều trị ở đây nữa không. Bác sĩ Xuân Lan nói mà hai con mắt đỏ hoe. Bà con đứng xung quanh nhìn Thuận cũng đỏ hết hai mắt.
Tôi hiểu nỗi lòng của bác sĩ về trường hợp Đoàn Thị Thuận sẽ ra sao nếu không có lý lịch bệnh án, chế độ điều trị. Và tôi cũng hiểu đấy là lời kêu cứu của người thầy thuốc đối với một nạn nhân đang chịu một số phận bất công. Lời kêu cứu đó cũng là lời của bà con thị xã sao mà thiết tha, sao mà khẩn cấp mà mấy ngày nay tôi được được lắng nghe, được tiếp xúc. Trong lời kêu cứu tôi nhận ra tấm lòng bà con của thị xã muốn nói lên rằng, nạn nhân nhân Đoàn Thị Thuận đã chịu một tàn bạo, và bất công trong ngày xử, chẳng lẽ bây giờ lại chịu bất công không được sống nữa sao?
Trước khi ra về tôi hỏi Thuận có yêu cầu gì không. Thuận nhìn tôi trân trân, một lát sau nước mắt chảy ràn rụa, lặp bặp nói trong tiếng khóc nức nở:
- Chú ơi, làm sao cháu được sống với con cháu ? Tại sao những người đánh cháu thành tàn tật như thế này lại được sống hẳn hòi, còn cháu thì chịu đau khổ suốt đời? Chú ơi, bà con ơi, hãy cứu giúp cháu…
Tôi vừa bước ra cửa thì nhiều bà cụ đã chực sẵn, chắn lấy tôi, mắt người nào cũng đỏ hoe :
- Làm sao cứu lấy cô gái đó?
Tuổi trẻ, hạnh phúc, sự sống của Đoàn Thị Thuận đang là nạn nhân của một tội ác, một hiểm hoạ ghê gớm. Là người viết bài báo này ngay trên đất một tội ác đã xảy ra, tôi không tin sự bất lực mà hoàn toàn tin vào lương tri của mọi người, hoàn toàn tin vào điều thiện của chế độ và sự công lý công bằng của xã hội để cứu sống một con người.
Hãy cứu lấy cô gái Đoàn Thị Thuận. Lời kêu cứu của cô gái Đoàn Thị Thuận ngay trên giường bệnh Bắc Phú Khánh đã đến với chúng ta.

Tuy Hoà, ngày 8.8.1988

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét