Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

PHẦN HAI TRÚC CHI - TIẾNG KÊU CỦA CON CHIM GÕ KIẾN.

PHẦN HAI
TRÚC CHI

TIẾNG KÊU CỦA CON CHIM GÕ KIẾN.


CÓ PHẢI TIẾNG CON CHIM GÕ KIẾN ?
Tiếng gõ cửa cộc cộc vào buổi trưa giữa những cơn gió nam cồ của thị xã miền Trung. Tiếng gõ đanh gọn giống tiếng chim gõ kiến. Một trăm phần trăm giống hệt tiếng chim gõ kiến, vì vậy mới cho tôi một linh cảm về tiếng chim gõ kiến trong câu chuyện cổ tích Chàm. Chuyện về hai người bạn lên núi cao vào rừng sâu tìm trầm. Qua mấy tháng đi bất chấp đói rét, đến khi gặp trầm thì người kia sẵn chiếc rìu trong tay, thình lình quay bổ vào đầu người bạn. Người chết ngã xuống không kịp một tiếng kêu. Từ trên ngọn cây trầm tiếng con chim vụt bay. Đúng nửa đêm trước cửa nhà bà mẹ già dưới chân núi vắng, tiếng con chim gõ vào cửa cộc cộc rồi bay qua mặt bà. Bà mẹ thảng thốt kêu:
Ôi tiếng chim gõ kiến báo có người chết, người chết bị giết oan.
Bà nghĩ ngay đến đứa con trai của bà.

Cánh cửa vừa mở, người đàn ông dáng cao mảnh khảnh đi thẳng vào cùng với con gió ồ ạt phóng túng. Hai mắt đỏ sác nhìn tôi như một người đã từng quen biết và tin cậy. Anh tự giới thiệu, tên anh là Nguyễn Chư, đại uý quân y về hưu được năm năm nay. Ba năm trước anh là chủ tịch phường, hai năm nay anh là bí thư chi bộ phường. Anh nói rõ xin được gặp tôi, người cùng quê hương xem giùm tờ đơn kêu oan. Tôi hỏi ngay đơn về vụ chết oan à ? Anh Chư nhếch mép như cười, nhưng ở đuôi mắt nhíu lại nhìn thẳng vào tôi hỏi :
- Tôi hôm qua anh nghe tiếng chim gõ kiến sao ?
Tôi đáp :
- Không, tiếng gõ cửa anh đấy.
Tôi đọc qua tờ đơn bằng chữ đánh máy về việc Bùi Ngọc bị đánh vỡ sọ từ tháng 8 năm 1987. Dưới tờ đơn chữ ký của anh thay mặt số cán bộ và nhân dân phường, có ghi rõ ngày viết đơn 27/7/1988. Cái chết đúng một năm. Kẻ đánh chết người vẫn sống nhởn nhơ làm giàu. Vợ người chết vẫn cam chịu nuôi sáu đứa con luôn mặc đồ tang trong giấc ngủ. Đứa con trai người chết đang sống chiến đấu ngoài đảo Trường Sa tháng nào cũng có đơn khiếu nại phải làm rõ cái chết của người cha thân yêu. Người thị xã cứ đến mùa gió nam nghe trước của nhà mình tiếng cộc cộc cộc, tiếng gió nam giống tiếng chim gõ kiến. Người lạ hay người đi xa về thị xã nghe tiếng gõ cửa cứ ngỡ là tiếng chim gõ kiến gọi. Anh Nguyễn Chư nhìn tôi nhắc lại :
- Tiếng gõ cửa của tôi cũng là tiếng chim gõ kiến đấy. Anh thấy đấy, cái chết thì im lặng, nhưng tiếng con chim gõ kiến có im lặng đâu.
Sau một hồi chuyện trò trao đổi, tôi biết anh Nguyễn Chư người đọc nhiều sách vở, nhiều chuyện Đông Tây kim cổ, hiểu biết tình hình thực tế khá tường tận và nhận định thật sắc sảo. Nhiều ý kiến của anh đã giúp tôi suy nghĩ chính chắn có cơ sở. Đọc hết tờ đơn của anh tôi tưởng tượng như đụng chạm được những sự việc có thật cùng những bức bối không thể nào yên. Trước khi ra về anh Nguyễn Chư cầm lấy tay tôi lắc lắc dặn dò :
Anh đọc đơn là để biết sự việc vậy thôi, còn cái cần gặp ở thị xã này chỉ một hai ngày mọi im lặng sẽ nói thành lời về một chủ tịch như bạo chúa, một viện trưởng viện kiểm sát như một diêm vương, một trưởng đồn công an như một đồ tể. Tội ác bọn chúng sẽ nói lên thành máu, thành nước mắt của người dân vô tội, là anh hiểu hết.
Anh Chư đi rồi sao tôi nghe cơn gió vẫn còn thổi trong căn nhà gác của chú em tôi. Ngoài kia nắng màu trắng. Ngọn cây trứng gà nghiêng ngả. Mấy tàu dừa đan rối. Ngọn cây cau xoay chong chóng trong tiếng gió rít mang âm thanh tiếng con chim gõ kiến lúc gần lúc xa.


Bắt đầu là bữa tiệc máu trong “tiểu sảnh đường”
Tôi ngồi trong quán ngã tư đường Trần Hưng Đạo, nhắp nhẹ ly nước trà đang bốc khói. Buổi sớm, chưa có ngọn gió núi thổi xuống, thị xã thật trong mát, lặng lẽ. Những ngõ phố cát chạy thẳng ra gặp con đường lớn đang tráng nhựa nham nhở, loang lổ, thấy vài gánh rau tươi bên cầu kia xuống chợ, mấy gánh cá từ bãi biển ở cuối phố chạy xóc xóc qua bên kia cầu. Rồi từ đâu không biết, một vài chiếc xe ba gác cọc cạch xuất hiện qua đường đi rảo để đón hàng. Nhìn cái không khí làm ăn rời rạc, chắp vá làm tôi nhớ đến thị xã quê hương tôi sau mấy ngày giải phóng, hàng hoá đầy ắp, cửa hiệu buôn nhan nhản, người nhộn nhịp. Từ miền Bắc về thăm nhà, tôi mừng thầm, cứ cái đà này thì thị xã của tôi xây dựng, làm ăn giàu có, phát tài. Vậy mà gần mười ba năm nay thị xã tôi nghèo đi, nghèo trông thấy, điều thiện càng ít. Đã vậy bao nhiêu sự việc thật tiêu cực, thật đau lòng. Tiếng con chim gõ kiến của thị xã đi gõ cửa đêm ngày từng ngày một.
Tôi đang suy nghĩ, ngoài cửa hai chiếc xe máy mới toanh rồ máy đứng yên, nhả khói mù mịt. Ba người trên xe bước xuống, tiếng hai người con trai có ria mép, mập ú ụ, đứng trước bàn chủ hàng gọi rối rít mấy món ăn sáng. Một người có tuổi, râu vểnh ngược, mặc bộ Pirama lụa màu cà phê ngồi xuống ghế, khẩy điếu thuốc ba số trong ngón tay lia lịa, hai mắt sâu lẹm nhìn một lượt khách hàng rồi trầm ngâm.
Anh Chư bấm tôi:
- Lão Lư Công đấy.
Không đợi anh Chư giới thiệu tiếp, tôi cũng biết hai người kia là Lư Hiểu, Lư Hộc, con trai của Lư Công. Tôi cũng biết nhiều con mắt khách hàng đang đổ dồn về phía bàn ăn của ba cha con họ Lư. Tôi nhìn thẳng lão Lư Công để nắm bắt vài nét tính cách, vì đấy là nhân vật số một, người mà làm cho cái chết cứ im lặng hơn một năm nay. Một cái chết không ngày nào là không thì thầm tự kể :
Cách đây sáu năm, trong tay Lư Công chỉ một máy bơm nước và mấy ngàn bạc gói gọn trong túi. Muốn làm ăn, lão đứng ra gọi thêm một vài người trong đó có Bùi Ngọc góp vốn để chạy máy nước tưới ruộng lúa cho một hợp tác xã ăn công trực tiếp. Trong mấy năm đó, Bùi Ngọc nhà nghèo, có chút ít văn hoá, nhận làm kế toán cho tổ hợp, Lư Công coi như người làm công cho mình.
Từ ngày đầu hàng tháng Bùi Ngọc được hưởng 250kg lúa, nhưng Lư Công chỉ trả từ 150 đến 200 kg thôi. Cứ mỗi lần trả xong, Lư Công ngồi xếp bàn tròn, ngón tay trỏ vén hàng râu vểnh, hai mắt không nhìn Bùi Ngọc bảo :
- Thù lao cho chú để vợ con đỡ vất vả.
Nói vậy chứ mọi công việc kể cả những bàn tính, “âm mưu” của lão Lư Công
trong việc xén bớt, chặn đầu chặn đuôi của anh em, Bùi Ngọc đều biết nhưng cũng giữ nhẹm cho lão. Nhưng ở lão Lư Công thì kể gì, xưa nay con người lão hễ hất được ai thì hất, “được chim bẻ ná” là bản chất của lão. Cho nên một thời gian sau, thấy chạy máy bơm ít lời, Lư Công tự động cho nghỉ không nói gì đến anh em, rồi tự động ra huyện Tuy hợp đồng chạy máy nước đá. Lão tự cho mình là chủ nhiệm, chủ tài khoản, không cho Bùi Ngọc là kế toán mà Lư Hiểu, con trai làm thay kiêm luôn chân chạy vật tư. Cha con Lư Công nắm quyền hành trong tay, luôn luôn tính phần hơn, phần được về mình, còn các tổ viên khác lão cho hưởng bao nhiêu thì tuỳ ý lão. Lúc nhận tiền lời, tiền bán máy ở huyện Tuy về, Lư Công không cho tập thể biết. Đến khi chia phần, người nào lão ưa thì được hưởng nhiều, người nào lão không thích thì lão cho hưởng gọi là hương hoa. Nhiều lần cầm nắm bạc trong tay, Bùi Ngọc thật đau xót, tủi hổ. Nhiều lần do dự nhưng vì sáu miệng đói cơm rách áo nên buộc lòng Bùi Ngọc nói ra giọng than thở:
- Anh Tư ơi, anh làm vầy tôi thiệt quá, vợ con sống làm sao được.
Những lúc ấy Lư Công cười giả lả, nhưng con mắt sắc lẹm của lão ném một cái nhìn thật ghê lạnh. Chỉ không đầy một năm bốn tháng, Lư Hiểu đổ móng, lên ba gian nhà gạch, chạy vào Sài Gòn bắt một lúc một cúp 50 còn trong hòm, một xe Tiệp mới tinh. Còn Lư Công ngoài ngôi nhà đồ sộ năm gian vừa xây trước bốn tháng, một vườn cây ăn quả mỗi mùa cho lão hơn năm trăm nghìn đồng, nay lên thêm hai tầng lầu. Hai tầng lầu theo thiết kế hiện đại, ngoài có giàn hoa treo “rơi rơi”, mười hai cửa sổ hình “nguyệt quế” treo rèm thả hạt cườm đá, trong nhà bàn ghế tủ toàn loại gỗ cẩm mun bóng lộn. Tủ sắt của lão có khoá tự động của Hoà Kỳ sản xuất để cất bạc. Tháng vừa rồi lão thuê hai mươi công thợ mở rộng vườn làm nhà để cất xe trọng tải, một xe du lịch có tám chỗ ngồi để cả nhà bầu đoàn thê tử đi chơi. Ngôi nhà, vườn cây, ga ra xe được cấu tạo với con đường đỗ xi măng láng bóng chạy ra đến bến Sõi, tất cả đều được như xoay hướng nhìn ra mặt sông Đa Ra thoáng mát lồng lộng gió. Đêm, cả thị xã không ánh sáng điện, trừ nhà chủ tịch, giám đốc xí nghiệp, trưởng phòng, chỉ có nhà lão máy nổ chạy rầm rầm, đèn sáng trưng, người tới người lui tấp nập. Đặc biệt gian nhà trệt, Lư Công cho xây thành biệt thự gọi là “tiểu sảnh đường” để hội họp, để hội họp, tiệc tùng với những ai có máu mặt, chức quyền của thị xã hoặc tỉnh về : Phía trong của “tiểu sảnh đường” hai bàn gỗ dài, có hộc để bạc, có khoá số là nơi hai con dâu lão ngồi phát lương. Trước hai bàn là hai hàng ghế thấp lủn củn để tổ viên hàng tháng có chỗ ngồi xin lãnh lương.
Đi ra đường, dáng điệu Lư Công làm một nhà tư bản cỡ tài phiệt. Ở nhà, lão ra vẻ một bá hộ đường bệ uy nghi. Trong tay lão, lương tháng của tổ viên khi trồi khi trụt, lão ban phát như là thứ tiền cho. Cái cung cách bóc lột theo kiểu Lư Công anh em trong tổ hợp chạy máy nước đá phàn nàn, than thở nhưng không dám cho lão biết. Một hai tháng trở lại đây, Bùi Ngọc chịu hết nổi, phản ứng ra mặt. Cũng có một hai lần anh gặp riêng Lư Công đề nghị tài chánh nên công khai để anh em biết. Mỗi lần gặp như vậy, Lư Công quắc mắt, hàng râu vểnh rung rung, giọng lão danh như tiếng dao liếc trên miếng sắc mỏng:
- Nè, hôm nay chú mày lại trở tính đấy à?
Sau tháng lãnh lương thấy không đủ, Bùi Ngọc nói với anh em, cô con dâu Lư Công nghe được…
- Kiểu đối xử của anh Tư như vầy anh em mình kẹt quá. Chắc là tôi không theo được…
Mấy ngày liền Bùi Ngọc không đến làm thật. Ở huyện Tuy vừa về, nghe con dâu nói lại, Lư Công im lặng, ngồi lì trên lầu hai. Thỉnh thoảng người ở dưới tầng một nghe tiếng rít qua kẽ răng giận dữ của lão.
Vào một đêm cơn gió chướng làm mặt con sông Đa Ra nổi sóng trắng ào ào, Lư Công gọi hai người con trai lên buồng nhỏ gác hai, nơi mà Lư Hộc viết trên tấm bảng gỗ nền đỏ, nét chữ vạm vỡ kiểu chữ móc câu “Bạch Hổ đường” treo trước cửa buồng. Viết để chơi mà cũng để cho oai theo lối anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc. Bàn chuyện xong chỉ có ba cha con lão biết.
Hai đêm sau dưới gian “tiểu sảnh đường” Lư Hiểu treo đèn kết hoa, hai người con dâu lo nấu nướng làm bữa tiệc. Đúng chín giờ đêm, Lư Hiểu dắt chiếc cúp mới, rồ máy, thoắt một cái mất hút ngoài cánh cổng sắt. Mười giờ, mấy anh em trong tổ đã đến, ngồi lai rai hút thuốc, uống trà thơm đợi. Gần đến mười hai giờ, tiếng máy xe cúp chạy xọc vào, Lư Hiểu mặt lầm lì không nói không rằng. Bùi Ngọc ngồi sau xe bước xuống. Lư Công vẫn ngồi ở đầu bàn không nhúc nhích, nói vọng ra:
- Chú Ngọc đến đấy hở, vào luôn.
Đang giữa cuộc nhậu, bỗng Lư Công dừng đũa, chỉ mặt người con dâu mắng vì đã nghe Bùi Ngọc gọi tên mình hôm bữa nhận lương. Tiếp đó lão hất hàm nhìn xoáy vào Bùi Ngọc, hai con mắt có lửa :
- Sao, chú mày bỏ chúng tao à ? Nhưng chú mày bỏ chúng tao thì chú mày đói, vợ con chú mày đói. Này, mấy năm nay tao nuôi vợ con mày sống đến bây giờ, nay chú mày phản trắc thì liệu cái thần hồn đấy.
Bùi Ngọc nhỏm dậy nhìn một lượt anh em, giọng nhỏ nhẹ nói với Lư Công :
- Anh Tư đừng nói thế, cháu Hiểu năn nỉ tôi đến đây để vui chơi mà, chớ không phải đến để nghe anh lớn giọng.
Lão Lư Công vẫn ngồi, bàn tay đập khẽ xuống bàn :
- Không, mày đến để tạ tội những gì mày đã, và mày đã biết về tao.
Thấy không khí căng thẳng mấy anh em đứng dậy kiếu từ. Bùi Ngọc cũng định quay trở ra, Lư Công thét :
- Mày phải ở lại.
Mấy anh em đã đi ra hết Bùi Ngọc cũng bước nhanh đi ra ngõ. Lư Công liền xô ghế đứng dậy. Lư Hộc biết ý bám sát theo ra cửa. Tiếng máy nổ vẫn chạy, đèn sáng rực rỡ. Nhận đúng mật hiệu, Lư Hiểu liền chạy ra. Ngoài kia trời tối như mực. Một lát sau Lư Hiểu, Lư Hộc chạy vào, máu đỏ ướt hai vạt áo. Tiếng Lư Công hỏi nhỏ :
- Xong chưa ?
Tiếng hai đứa con lão đáp lại rành rọt :
- Cái sọ của nó cũng không cứng hơn trái dừa. Xong rồi.
Hiểu, Hộc ngồi trên hai chiếc xe gắn máy phụt khói chạy ra khỏi cửa. Bữa tiệc trong “tiểu sảnh đường” đã thu dọn đâu vào đấy. Chiếc đồng hồ trên tường buông hai tiếng nhạc ngân nga, thánh thót. Như trực nhớ ra điều gì, Lư Công soi vào hai bàn tay mình, hai bàn tay vẫn sạch sẽ. Trong ý nghĩ lão loé lên “thế là thanh toán xong món nợ về sau”

Thời này có em làm to trong tỉnh và có kim ngân là xong tất.
Trong tờ đơn kêu oan của anh Nguyễn Chư có viết, lúc hai người con trai Lư Công chở xác trở về nhà của người chết thì có hai người đi xe ba gác trước đó một chút đến đập cửa số nhà 85, Phan Đình Phùng báo tin cho vợ Bùi Ngọc biết cha con Lư Công đánh chú Bảy chết rồi.
Vào một đêm chiếc trăng non nhỏ thanh mảnh treo cô đơn giữa bầu trời rộng mờ ảo. Dưới này thị xã thẩm đen, đặc quánh, tôi đi trên con đường lổn nhổn đá giăm, lở loét để tìm gặp hai người kéo xe ba gác.
Không hẳn là nhà, cũng không gọi là chòi, cũng bốn vách lá, cũng mái tranh nhưng trống lổ đổ nhìn thấy được sao trên trời. Đấy là một gian vuông không đầy mười thước, vừa đủ hai chổ giường nằm đan bằng tre. Mới bước chân vào tôi đã nghe mùi chua chua của lá mốc. Không thấy hai chiếc xe ba gác đâu, hỏi mới biết hai anh thuê xe của người ta, làm được ngày nào thì trả tiền ngày ấy. Trông hai anh người nhỏ thó trạc hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi. Hỏi vì sao cuộc sống hai anh trông côi cút và nhút nhát như giấu mình, ở ẩn, hai anh rụt rè đáp, vì cha anh làm cảnh sát thời nguỵ, cách mạng bắn chết, mẹ bỏ xứ nghe đâu đi làm nghề điếm, nên bây giờ con cháu phải sống lẩn lút, làm đâu ăn đó. Hơn mười năm giải phóng rồi, vậy mà đời sống hai con người này vẫn không có đất, không có đoàn thể, gần như sống mà không ai thừa nhận. Thảo nào, ngồi trong đất mười thước vuông, che mái lá tôi ngẩng lên bóng ngọn núi Tháp trong lòng thị xã cao vòi vọi như một chiếc nơm chực ụp xuống số phận hai con người cô đơn này. Nhìn ra bây giờ tôi mới nhận thấy mười thước vuông đất với bóng mái lá nằm lút sâu dưới chân núi Tháp như một cái hang con chim, con chồn. Phía sau sát chân vách núi nước con sông Đà Ra cuồn cuộn của một cái vực chực lôi chổ ở của hai con người xuống tận đáy sâu.
Mời hai anh hút thuốc, cái đốm sáng đầu mẩu thuốc soi lấp loá hai khuôn mặt đen, hai con mắt nhập nhoè ướt của chứng bệnh đau mắt hột. Gợi mãi, hai anh mới chịu kể bằng cái giọng của người miền quê.
Thường lệ, khoảng hai giờ rưỡi sáng hai anh lịch kịch hai chiếc xe ba gác dọc con đường núi Tháp để ra chợ Sõi. Sáng hôm đó, vừa qua khỏi eo chân núi thì nghe phía trước có tiếng cãi cọ, níu kéo, tiếng quần áo bị lôi xé rách tẹt. Hai anh để xe xuống chạy nhẹ tới rình xem. Đứng trong tối nhìn ra thấy rõ Lư Hiểu đang xô đẩy chú Bảy Bùi Ngọc ngã dúi dụi. Tiếng chú Bảy trong giọng thở hổn hển:
- Tao chỉ nói chuyện với cha mày chớ tao không thèm nói với mày.
Chú Bảy vừa gượng đứng lên thì trong nhà có bóng người nhảy ra xô tới tấp chú Bảy. Đúng là bóng Lư Hộc, tay hắn cầm một vật gì đen đen, bất ngờ bổ mạnh vào đầu chú Bảy, rồi một tiếng vang giống như tiếng trái dừa sọ nện xuống nền nhà xi măng vậy, toàn thân chú Bảy ngã ập xuống tại chổ. Máu đỏ trong đêm sáng như lửa từ trong đầu chú Bảy phun ra, hai đứa con của Lư Công dính đầy máu. Bóng hai đứa chạy trở vào nhà đem hai chiếc xe máy ra. Họ hì hục gác chú Bảy lên buộc sau xe thật khó khăn. Trong lúc học loay hoay với người đang hấp hối thì hai anh chạy lẹ tới nhà thím bảy gõ cửa. Vợ chú Bảy Bùi Ngọc mở cửa, mắt nhắm mắt mở chưa kịp hỏi gì, hai anh báo ngay “cha con Lư Công đánh chú Bảy chết rồi”. Hình như vợ chú Bảy không tin đứng mãi ở cửa. Đến khi hai chiếc xe máy chở xác chú Bảy tới thì thím Bảy chạy tới ôm thây chồng lặng đi chết điếng. Trong lúc đó Lư Hộc nói to cho người hai bên phố chạy tới nghe :
- Hai chú cháu tôi xô xát, lỡ tay làm ngã chú ấy …
Chú Bùi Ngọc được xích lô chở ngay xuống bệnh viện thị xã. Y, bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng vết thương ở sọ quá nặng, máu ra nhiều không cứu chữa được nữa, đúng ba giờ rưỡi sáng Bùi Ngọc tắt thở.
Trong khi đang cấp cứu Bùi Ngọc, Lư Công ngồi xe máy giả giọng thương tiếc với thím Bảy :
- Lúc say con tôi xô ngã chú ấy bị thương. Thôi thím Bảy cầm lấy tiền chạy chữa cho chú.
Lư Công nhét xấp bạc vào tận tay vợ Bùi Ngọc. Thím bảy lúc này như trong cơn mê sảng, cầm xấp bạc mà không biết là mình cầm gì. Thấy thím cầm bạc tưởng là yên, Lư Công qua lại cười nói với mọi người :
- Hà, hà, có kim ngân là xong tất cả thôi mà.
Lư Công uống vừa hết ly cà phê ngoài quán thì Lư Hiểu ra báo nhỏ Bùi Ngọc chết rồi. Lư Công giục con đèo mình về nhà gấp để nội trong ngày vào trong tỉnh. Năm ngày sau, đám tang Bùi Ngọc chôn cất xong, Lư Công từ tỉnh về, cho con đem bó hương đến thắp trên bàn thờ người chết. Năm tháng sau mặc dù vợ Bùi Ngọc đưa đơn khiếu nại nhưng không thấy động tĩnh gì, Lư Công nói với bà con khu phố :
- Có kim ngân là xong tất cả mà.
Mười tháng sau vẫn không động tĩnh gì. Nhân ngày giỗ có mấy anh công an thị xã được mời đến, ngay trong bữa ăn Lư Công khà khà mấy ly rượu, giọng nửa say nửa tỉnh :
- Thời nay có làm to trong tỉnh và có kim ngân là xong tất cả, phải không các chú em.
Mấy anh công an gật gật dạ dạ, nhưng trong bụng không yên lắm. Còn Lư Công thì cho đó là điều chân lý nhất đối với mình.

Dòng sông Đà ra đâu có im lặng
Tối hôm ấy tôi đang ăn bữa cơm ở nhà chị Bốn thì một người đàn bà mặc đồ tang trắng lốp từ ngoài cửa đi vào. Tôi chưa kịp chào, người đàn bà đến đứng cạnh bàn ăn, nhìn thẳng vào tôi giọng ngập ngừng :
- Nghe nói anh là nhà báo xin hãy kêu cứu giúp sáu đứa con tôi…
Chưa kịp nói hết hai mắt người đàn bà ướt đỏ, tiếng khóc lại nấc lên. Chị Bốn giới thiệu cho tôi biết, đây là chị Liên, vợ của Bùi Ngọc bị cha con Lư Công đánh chết, nhưng chúng vẫn không bị truy tố. Chị Bốn còn cho tôi biết thêm, hễ nghe nói có người lạ, có người từ thành phố Hồ Chí Minh ra là nhà văn nhà báo, chị cất công tìm đến cầu cứu. Tôi hỏi chị sao không làm đơn khiếu nại ở toà án huyện, tỉnh, nơi mà họ có thẩm quyền có chức năng phải xử. Chị Liên nói đã đưa hơn hai mươi lá đơn rồi, đơn chị nhờ người viết đến nay chị thuộc làu làu. Rồi chị đọc cho tôi nghe từ lá đơn thứ nhất tới lá đơn thứ mười tám. Nghe chị đọc không sót một chữ, không vấp một câu, giọng đọc đẫm đầy nước mắt, tôi nghe mà xương sống lưng lạnh ngắt, toát mồ hôi. Trông chị người gầy nhỏ, đường gân hai mu bàn tay nổi lên xanh dờn, hai con mắt đờ đẫn, trông thật ái ngại.
Cách đây một năm chị Liên không gầy và nhỏ như bây giờ đâu. Chị có da có thịt,
rắng trẻo mặc dù chị làm ăn lam lũ để nuôi sáu đứa con. Chị nhớ mãi cái đêm Lư Hiểu đem hông đa đến tận nhà chở chồng chị sang ăn tiệc. Mấy lần anh Bùi Ngọc dùng dằng không đi, tên Hiểu thì cứ cầm tay lôi đi, lại vừa nài nỉ. Chị Liên nhìn vào mặt chồng hình như thảng thốt có điềm không lành. Nhưng vì nể quá chồng chị đành theo ra bước lên xe ngồi. Nhưng rồi anh lại trụt xuống bước đến gần vợ, nói nhỏ :
- Mình à, đêm nay tôi đi chắc lành ít dữ nhiều. Có gì mình ở nhà mở cửa đợi nghe.
Nghe chồng nói chị Liên, càng thấy rờn rợn nổi gai ốc, nên cũng can anh thôi đừng đi đâu hết. Cùng lúc ấy cây đa trước cửa tiếng con cú kêu làm chị giật bắn người. Chị vội chạy theo định níu tay chồng, nhưng anh đã ngồi lên sau xe, chiếc xe phóng tới như một lằn tên.
Suốt đêm ấy con cú kêu trên cây đa, thằng con lớn của chị ra cầm sào thọc, con cú lại im, lát sau nó lại kêu ba tiếng một cu cú cú. Gần sáng, chị chờ mãi không được, đành đóng cửa, thiếp đi. Nằm được một chút lại giật mình, mắt mở thật mà sao bóng một người cứ mờ mờ ảo ảo từ cửa đi vào hai tay ôm lấy đầu đầy máu. Cái đầu máu chập chờn gọi thành tiếng:
- Mình ơi, tôi không còn sống nữa.
Chị vụt dậy, tóc quấn chặt lấy hai bàn tay mình. À, thì ra giấc mơ. Chị sửng sốt, bàng hoàng. Đến khi có tiếng gọi cửa của người đẩy xe ba gác chị mới chạy ra.
Suốt một năm nay đêm nào chị không mặc đồ tang thì bóng chồng chị lại hiện lên, hai tay ôm lấy đầu máu lừng lững từ ngoài cửa đi vào. Vì vậy chị phải mặc đồ tang để chồng được nằm yên trong đất. Chị mặc đồ tang cả ngày lẫn đêm, cả trong giấc ngủ. Chị mặc đồ để tang chồng đến gọi cửa toà án, đến với những vị chuyên ngồi xử để kêu oan.
Một năm rồi chắc chồng chị không nằm yên dưới mộ đâu. Nếu chồng chị không gọi được toà án thì cũng gọi được lão Lư Công chớ ? Có những lúc chị như điên như dại, chị đi hỏi người này, đi hỏi người khác rằng chồng chị có đến được tận nhà tận cửa trong giấc ngủ của kẻ giết mình để đòi nợ máu không ? Miệng chị hỏi, tay chị cầm cành lá phất qua phất lại, nước mắt chị giàn giụa chảy, chảy đến đâu chị lau đến đấy, hai vạt áo chị đẫm ướt như đựng một cơn mưa.
Cũng vào một buổi trưa nam thổi lồng lộng. Chị đang đứng dưới cây đa trước cửa nhà, hỏi người qua đường một câu quen thuộc :
- Bà con ơi, chồng tôi đêm đêm có đến nhà tên giết người để đòi nợ máu không?
Hôm đó có hai chú đẩy xe ba gác đi qua, dừng lại để trả lời cho chị biết là chú Bảy Bùi Ngọc đêm nào cũng đến đòi nợ tên giết người. Rồi hai chú kể thật rành rọt cho chị Liên và mọi người hai bên phố đến cùng nghe.
Từ hôm chú Bảy Bùi Ngọc bị đánh chết, cứ khoảng ba giờ sáng hai anh đẩy xe qua đường eo chân núi Tháp thì thấy lão Lư Công từ dưới bến Sõi đi lên, hai tay run run, hai mắt soi vào hai bàn tay hốt hoảng. Thấy hơi lạ hai anh đi dần ra trước bến Sõi, núp trong bụi ô rô để theo dõi lão. Ba giờ sáng trong nhà lão vẫn ngủ yên. Sóng trên mặt sống Đa Ra vỗ óc ách quen thuộc. Vào giờ ấy lão Lư Công từ trên gác hai từ buồng “bạch hổ đường” đi xuống, qua “tiểu sảnh đường” ra thẳng bến Sõi trước nhà lão. Gần đến bến bỗng lão rón rén như thằng ăn trộm, rồi nhìn trước nhìn sau như sợ có người nhìn thấy mình. Lão lội xuống nước, nước đến ngang đầu gối lão dừng lại. Lão đưa mắt nhìn lấm lét mặt con sông. Rõ ràng là lão nhận ra con sông Đa Ra bên nhà lão, đã quen thuộc với lão từ thuở nhỏ. Đấy là từ cái hồi tuổi lên chín lên mười lão đã một mình chống xuồng đi chở sỏi, bơi thuyền quăng chài vào mùa nước đỏ. Nước con sông mà lão biết bơi từ tuổi lên bảy, lão uống thất ngọt lịm, ngọt cho đến tuổi sáu mươi biết cách làm giàu từ cái ác. Vậy mà hôm nay lão đứng khựng lại rồi từ từ nhúng hai bàn tay xuống nước, quật thật lâu như để rửa. Mà lão rửa thật, rồi từ từ lão rút hai bàn tay lên. Hai mắt lão soi vào hai bàn tay. Nhưng sao hai mắt lão hình như không dám nhìn. Lão đưa hai bàn tay lên gần mũi để ngửi. Hình như hai bàn tay có mùi gì, nên lão rụt tay lại. Hình như hai mắt lão, cái lỗ mũi lão cảm thấy sợ. Một lát sau, lão cho hai bàn tay lão nhúng xuống nước nhiều lần. Rồi nhiều lần lão rút tay lên để nhìn để ngửi. Thình lình lão như ném đi hai bàn tay của lão thật xa. Nhưng vì hai bàn tay của lão dính với lão nên không rứt được. Lão cảm thấy đau điếng. Lão soi lần nữa, bất ngờ lão kêu lên như điên:
- Trời ơi, máu.
Có lẽ đã thấy máu thật trong hai bàn tay lão. Không, máu đầy trong nước để rửa hai bàn tay máu. Nhưng càn rửa càng thấy máu đầy hai bàn tay. Đầy hết dòng Đà Ra. Và máu rửa máu là sao cho hết. Có lẽ suốt một đêm chú bảy Bùi Ngọc đến trong giấc ngủ lão để đòi nợ, cho nên sáng nào mà lão không ra bến sông để rửa máu. Phải thôi, lão đã mở tiệc máu, bắt đầu là bữa tiệc máu cho nên lão phải chịu nợ máu và phải trả nợ máu. Người ta tưởng để cái chết chú bảy Bùi Ngọc trong lặng yên nhưng kẻ giết người đâu có yên được. Và dòng sông Đà Ra có yên lặng đâu.

Hãy mặc áo thụng đỏ vào để xử án
Nhưng một điều bất ngờ, toà án thị xã mở phiên xử vào giữa tháng chín này. Chị Liên nhận giấy báo ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã đến dự phiên xử về cái chết của chồng chị. Ba cha con Lư Công ngồi trên dãy ghế đầu kia cũng không hẳn là bị cáo. Dãy. Ghế bên này là những tổ viên tổ hợp chạy máy nước đá làm nhân chứng.
Hơn một năm, người ta cứ tưởng vụ án đã rõ như ban ngày.
Ngày xưa có những vụ án phải hằng mười năm, hai mươi năm, tội nhân như đã lặn trong đất, nạn nhân như đã câm trong đất, chứng nhân chỉ là cái bóng của thời gian, chỉ là ảo ảnh của không gian. Vậy mà phiên toà xử được dựng lên, nhân chứng là bóng ma, là trong điềm chiêm bao. Bóng ma chỉ ra đúng chỗ nằm người chết không có mộ. Trong mộ là một người đàn bà bị chồng giết oan để được lên chức lên quyền. Người giết chôn trong bùn, ba năm rồi vẫn nguyên vẹn. Cây nguyệt quế trồng trên mặt đất xông hương thơm tới tận chỗ nằm người bị chết oan. Người xử án công minh chính trực không phải vì sắc mặt đen, trên trán có con mắt thứ ba, mà vì người xử án mặc áo thụng màu đỏ, màu đỏ của công lý và công bằng. Còn vụ này, dù cái chết thật im lặng, nhưng nhân chứng sờ sờ ra đó, kẻ giết người đang còn vấy máu ở hai bàn tay kia kìa. Vậy mà không rõ ràng, không thanh thiên bạch nhựt ?
Sau tiếng chuông rung. Sau những lời khai. Và nhân chứng không được mời nhưng bất ngờ rẽ ra từ đám đông, tự đứng lên kể một cách đầy đủ. Đó là hai chú đẩy xe ba gác. Vậy mà cuối cùng phiên toà tuyên án kẻ cầm cây sắt đánh chết người chịu hai mươi năm tù giam, đền cho gia đình người bị giết năm chỉ vàng. Sau đó một hồi chuông rung chấm dứt. Đó là hồi chuông để sau một năm xử được phúc thẩm, kẻ giết người kia chịu án hai mươi năm được giảm án còn mười lăm năm tù. Hồi chuông chấm dứt đó nhưng có chấm dứt được đâu. Vợ người bị chết thắt khăn tang còn ngồi đó. Người đi dự phiên toà không chịu ra về. Những nhân chứng vẫn còn ngồi đó. Bà con lớp đứng lớp ngồi mắt người nào cũng đỏ lửa, cũng đầy nước mắt. Bởi vì kẻ thay cho tên giết người mới hai mươi tuổi, sẽ ngồi tù chịu trận từ 20 chỉ còn 15 năm. Còn tên chủ mưu bày bữa tiệc máu, trao cây sắt cho người khác giết thì vô can.
Đang giữa phiên xử đã có tiếng rì rầm khắp các hàng ghế người ngồi dự, tiếng rì rầm không dứt, lan xa thành tiếng của toàn hội trường âm vang như tiếng gió, đanh gọn như tiếng con chim gõ kiến cất lên thành lời :
- Người xử án phải mặc áo thụng đỏ để có công lý, công bằng.
Người ta đổ dồn về phía lão Lư Công. Lư Công vô tội. Lư Công được đứng “ngoài” phiên toà, đứng ngoài pháp luật. Nhưng không sao, lão sẽ có toà án riêng của lão, cái toà án mà mỗi buổi sáng lão tự trừng phạt lão. Và suốt cuộc đời lão rửa hai bàn tay máu không bao giờ hết. Và người xử án cũng có toà án riêng cho mình, không công bằng thì suốt đời cũng chịu một món nợ - món nợ đồng loã với kẻ giết người.
Tháng 11/1988

TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ ĐOÀN THỊ THUẬN VÀ VỤ GIẢI TOẢ NHÀ Ở ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN - THỊ XÃ TUY HOÀ

TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ ĐOÀN THỊ THUẬN
VÀ VỤ GIẢI TOẢ NHÀ Ở ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN
- THỊ XÃ TUY HOÀ

Theo tin điện của phóng viên TT Thanh Niên theo dõi kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá VIII đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội, các vụ việc do báo Thanh Niên phản ánh đã được một số đại biểu Quốc hội quan tâm đặt vấn đề và các ngành liên quan có hướng giải quyết tích cực.
Vụ giải toả nhà ở đường Ngô Quyền, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ cử đoàn vào Tuy Hoà xem xét tại chỗ.
Vụ chị Đoàn Thị Thuận, đoàn đại biểu Quốc hội Phú Khánh đã đề nghị giám đốc thẩm lại vụ án. Đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng viện KSND tối cao đã đồng ý với đề nghị này.”
Vẫn chưa hết một ngày bận rộn. Tôi tình cờ biết tin ở thị xã Tuy Hoà đang tiến hành đập phá nốt ba ngôi nhà còn lại ở đường Ngô Quyền. Hôm sau, tôi có trong tay cả quyết định mới nhất của UBND tỉnh do Phó chủ tịch Phạm Hồng Quang ký chưa ráo mực, cho phép thị xã tháo gỡ các căn nhà còn lại trong thời hạn trước ngày 20.12.88. Có nghĩa là trước khi đoàn đại biểu Quốc hội họp xong trở về, có nghĩa là trước khi đoàn đại biểu Quốc hội họp xong trở về. Người ta đang mưu tính đặt anh trước một sự đã rồi. Tôi viết ngay mấy câu phỏng vấn gởi anh Võ Hoà và đề nghị anh trả lời.

Hỏi : Cách đây mấy ngày,nghĩa là trong thời gian các đồng chí đang dự họp Quốc hội ở Hà Nội này thì ở PhúKhanhs có một văn bản của tỉnh cho phép giải toả 3 căn nhà kiên cố còn lại ở đường Ngô Quyền trong vòng 5 ngày. Sự việc đó có đúng không?
ĐC VÕ HOÀ : Để giải quết việc giải toả đường Ngô Quyền, Thường trực tỉnh uỷ đã họp với Thường trực UBND tỉnh, Thường trực Thị uỷ và Thường trực UBND thị xã Tuy Hoà, có các cơ quan chức năng của tỉnh tham dự. Tôi tóm tắt ý chính của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kết luận cuộc họp này:
- Chủ trương giải toả lòng lề đường, xây dựng vỉa hè đường phố khang trang đẹp đẽ là cần thiết, Tỉnh uỷ ủng hộ chủ trương này và đã tạo điều kiện để thị xã thực hiện một số con đường, nhưng không có vấn đề đụng chạm đến chỗ ở của dân.
- Về phương pháp tiến hành của UBND thị xã khi giải toả đường Ngô Quyền làm chưa đúng, chưa chặt, nên số nhân dân bị đụng chạm không đồng tình, đi về tỉnh, gặp báo chí.
- Khi nhân dân khiếu nại, công luận báo chí đưa tin, Thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh điện cho tạm ngưng giải toả và cử đoàn thanh tra giúp UBND tỉnh xem xét và kết luận để có chủ trương giải quyết sát, đúng. Đó là chủ trương đúng đắn và cần thiết.
- UBND thị xã đã không chuẩn bị làm việc, lại có thái độ phản ứng thiếu hợp tác với đoàn thanh tra và có lời lẽ xúc phạm đến thành viên của đoàn.
- Để giải quyết tồn tại trong việc giải toả đường Ngô Quyền phải dựa vào nhân dân tại chỗ, chuẩn bị chu đáo, khắc phục tồn tại, phải bảo đảm kỷ cương trật tự quản lý đường phố, giải quyết chỗ ăn ở các hộ dân còn lại trong khu vực giải toả có lý có tình; đồng chí Bí thư còn nhắc thị xã không được đem búa đập nhà dân, khi chưa bàn thoả đáng với dân, cần giúp cho các hộ ấy còn sử dụng được cái nhà đó mà không phải phá dỡ nhiều.
- Thường trực tỉnh uỷ còn giao nhiệm vụ cho các đồng chí Nguyễn Văn Trúc bí thư thị uỷ lãnh đạo thực hiện các kết luận của Thường vụ Tỉnh uỷ trong việc giải toả lòng lề đường nói chung và nói riêng việc giải toả lòng lề đường Ngô Quyền.
Còn ở nhà tỉnh có ra văn bản nào khác như các đồng chí hỏi thì tôi chưa rõ. Vì sau cuộc họp thường vụ, tôi đi họp ở đây.

Tiếc rằng bài phòng vấn này tôi gởi về toà soạn chậm nên không được đăng. Đến nay tôi còn lưu trong chồng bản thảo như một kỷ niệm.
Tôi báo cái tin nóng bỏng này cho chị Ngọc Phượng biết. Chính chị cũng ngờ vực, khó tin đó là sự thật. Mấy ngày sau, theo yêu cầu của chị Phượng, tôi làm liên lạc mô giới một cuộc làm việc giữa anh Trần Quyết, Võ Hoà và chị Ngọc Phượng trong giờ giải lao tại hội trường Ba Đình. Đây là dịp cho anh Võ Hoà trình bày kỹ hơn hai vụ Tuy Hoà với ngành chức năng ở trung ương. Tôi cho đó là một cơ hội tốt nên hết sức sốt sắng trong nhiệm vụ liên lạc viên của mình.
Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết rõ nội dung buổi làm việc ngắn ngủi đó như thế nào, nhưng sau đó thì chị Phượng bảo tôi gọi điện về để toà soạn cử người ra Tuy Hoà gấp. Anh Trần Quyết đã cho hai kiểm sát viên cao cấp đi Tuy Hoà rồi. Tôi hết sức mừng rỡ. Thế là vụ điều tra thẩm cứu của Viện kiểm sát tối cao đã ra tay.
10 giờ tối tôi đi gọi điện. Định gọi về nhà riêng anh Nguyễn Công Khế, thủ thưởng trực tiếp của tôi. Đến khi nhấc điện thoại lên tôi mới chợt hay mình không hề nhớ số điện thoại nhà riêng thủ trưởng bao giờ. Tôi thầm trách cái tính đểnh đoảng của mình. Thế là tôi phải xin tổng đài ghim số của toà soạn, đánh thức người trực dậy, nhờ lật sổ niên giám đọc giúp số điện anh Khế. Cuối cùng tôi đã gặp được anh. Thông báo mọi tin tức cho anh biết, kể cả tin tức về kỳ họp Quốc hội. Khi tôi đề nghị anh cho phóng viên ra Tuy Hoà, tôi lý giải thêm là điều đó rất cần thiết. Có phóng viên ra, thị xã sẽ khó bưng bít , làm nhiễu thông tin hoặc gây trở ngại cho đoàn điều tra. Họ đã từng làm như thế với đoàn thanh tra của tỉnh rồi.
Đại thể là anh Nguyễn Công Khế đã đồng ý đề xuất của tôi và đã của người ra Nha Trang, Tuy Hoà ngay. Đáng tiếc là có trở ngại kinh phí, hai kiểm sát viên cao cấp không vào kịp theo dự tính. Phóng viên chúng tôi ra Tuy Hoà hôm đó chỉ để mà chứng kiến cảnh đập phá ngôi nhà số 5. Nhìn thấy mà đành bó tay, quay về viết bài “Công lý và pháp luật ở đâu”. Đó là một trong những bài báo về sau bị thị xã Tuy Hoà đòi truy tố tác giả ra toà. Hôm sau, Quốc hội họp phiên cuối cùng, biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp. Bài tường thuật tôi đã viết xong và gởi về. Chỉ còn tin bế mạc, sáng mai ngồi trên máy bay tôi sẽ viết. Hôm ấy, tôi đến hội trường Ba Đình trong tâm trạng khá vui vẻ. Dù sao tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vụ án chị Đoàn Thị Thuận nhưng vậy là sẽ được xử lại ở cấp cao hơn, bản án sẽ xử đúng người, đúng tội. Vụ giải toả nhà ở đường Ngô Quyền, lúc bấy giờ tôi cứ nghĩ là kiểm soát viên cao cấp đang trên đường vào Tuy Hoà, các đồng chí ấy sẽ thừa năng lực và thẩm quyền để ngăn chặn những hành động thô bạo, vi phạm pháp luật, sẽ có cách xử lý thoả đáng cho người dân thấp cổ bé miệng. Tôi hoàn toàn yên tâm.

Trong giờ giải lao, tôi chiêu đãi các bạn đồng nghiệp một chầu bia hơi. Chúng tôi quây quần quanh chiếc bàn kê dưới bóng mát cây nhãn kế bên quầy bia và nước giải khát phục vụ ngoài hội trường. Tôi nói với các bạn thắng lợi bước đầu của mình. Hình như chẳng ai mặn mòi lắm. Câu chuyện lại tiếp tục xoay quanh những vấn đề sôi bỏng khác-vấn đề các chỉ tiêu kế hoạch, thuế, lương thực, học phí, viện phí… Quốc hội sẽ biểu quyết như thế nào vào ngày họp cuối cùng này. Câu chuyện của tôi như một giọt nước rơi vào một biển nước bao la.
Một lần nữa, tôi thầm biết ơn chị Ngọc Phượng. Không có lòng tốt của chị, có trời mới biết tôi phải ứng phó ra sao trong hoàn cảnh như thế này. Cũng như tôi lúc đầu, không phải bàng quan trước nỗi đau của một con người cụ thể, nhưng tâm trí mọi người ở đây đang bị cuốn hút vào những vấn đề quá lớn lao và bức bách chung. Đó là điều không thể trách được và cũng chính là khó khăn mà tôi vừa mới vượt qua.
Quốc hội họp phiên bế mạc đến 8 giờ tối. Sáng hôm sau 24.12.88 tôi về lại TPHCM trên chuyến bay sớm nhất vào lúc 6 giờ.
Những gì mà chị Ngọc Phượng và những người ủng hộ đã giúp chúng tôi đạt được tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi đã thực sự thúc đẩy vụ án Đoàn Thị Thuận và vụ giải toả 72 căn nhà ở đường Ngô Quyền đi đến khả năng kết thúc nhanh và sáng tỏ. Từ đó mà có cuộc thẩm tra chính thức của hai kiểm sát viên cao cấp Hoàng Khấu và Khuất Văn Hiến mà kết luận đã được công bố chính thức tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Phú Khánh tổ chức ngày 27.1.1989. Theo đó, vụ giải toả nhà ở đường Ngô Quyền đã tiến hành sai pháp luật. Vụ án Đoàn Thị Thuận, dưới cặp mắt kinh nghiệm của các kiểm sát viên cao cấp, nhiều tình tiết mới lạ, dã man của vụ án mà trước đây chưa ai biết đã bị lôi ra ánh sáng. Anh Khuất Văn Hiến cho tôi biết anh sẽ đề nghị huỷ bản án đã xử hay ít ra là giám đốc thẩm vụ án.
Hôm ra Nha Trang dự họp báo, theo gợi ý của hai đồng chí kiểm sát viên cao cấp, tôi đã ra Tuy Hoà thăm chị Đoàn Thị Thuận và đề nghị ban giám đốc bệnh viện bắc Phú Khánh chuyển chị Thuận lên tuyến trên điều trị. Đó là công việc cuối cùng mà chúng tôi đã làm theo lương tâm và trách nhiệm của một nhà báo.

Tháng 01.1989

NGUYỄN CÔNG THẮNG - KỲ HỌP THỨ TƯ, QUỐC HỘI KHOÁ VIII VÀ VỤ ÁN ĐOÀN THỊ THUẬN, VỤ GIẢI TOẢ NHÀ ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN

NGUYỄN CÔNG THẮNG

KỲ HỌP THỨ TƯ, QUỐC HỘI KHOÁ VIII
VÀ VỤ ÁN ĐOÀN THỊ THUẬN,
VỤ GIẢI TOẢ NHÀ ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN


Máy bay cất cánh lúc 6 giờ. Trời tờ mờ sáng. Đằng sau là thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày cuối đông đang trở lạnh. Tôi cố nhích chân tránh cái va ly hành lý xách tay tôi đút vội dưới gậm ghế khi vừa lên máy bay. Cuối cùng tôi cũng tìm được một thế ngồi thoải mái, tĩnh tâm một chút và bắt đầu nghĩ ngợi đến công việc của mình phải làm trong chuyến công tác này.
Hành lý tôi mang theo không ngoài một chiếc va ly đang nằm ép dưới chân. Trong đó ngoài mấy bộ áo quần và đồ dùng cá nhân mà vợ tôi cẩn thận tính toán vừa đủ cho một chuyến đi khoảng nửa tháng, còn lại là toàn bộ hai hồ sơ vụ án Đoàn Thị Thuận và vụ giải toả 72 căn nhà ở đường Ngô Quyền, thị xã Tuy Hoà, tỉnh Phú Khánh).
Thiệt là tai bay vạ gió. Cầm bằng chuyến đi Hà Nội lần này, tôi chẳng còn thì giờ đâu mà lang thang bờ hồ, mà thưởng thức phở Bắc, mà bù khú với bạn bè quanh mâm thịt chó, mà ngồi tán chuyện đời với mấy cụ bán chè chén bên vệ đường… Đấy là những thú vui mà tôi thích ở Hà Nội. Cách đây năm tháng, anh bạn nhà văn Trúc Chi “giữ đường thấy chuyện bất bằng” đã nhảy vào cuộc, lôi vụ việc ra ánh sáng. Từ mấy bài báo của anh đăng trên tờ Tuần tin Thanh Niên của chúng tôi, bùng lên thành một dư luận sôi động trong cả nước. Và thế là chúng tôi cũng phải chạy theo vụ việc đến hụt hơi. Nửa năm trời phóng viên đi ra đi vào Nha Trang, Tuy Hoà như con thoi; ban biên tập phải đi hầu hết cửa này đến cửa nọ để trình bày, ký giải, báo cáo… Và cuối cùng câu chuyện đã đến tai chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch Quốc hội. Chị tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra trước kỳ họp Quốc hội lần này. Đấy là toàn bộ nguyên do mà tôi phải có mặt trên chuyến bay TPHCM – Hà Nội vào ngày chủ nhật 11.12.1988, một ngày trước khi Quốc hội họp phiên trù bị, hai ngày trước phiên chính thức khai mạc. Ban biên tập giao trách nhiệm cho tôi theo dõi, phản ánh kịp thời hoạt động của quốc hội ở một kỳ họp hứa hẹn nhiều đổi mới, một kỳ họp mà toàn dân ngóng đợi Quốc hội đưa ra những quyết định quan trọng về kinh tế - xã hội, thể hiện thời kỳ dân chủ hoá sinh hoạt chính trị của đất nước. Đồng thời tôi phải mang theo toàn bộ hồ sơ những vụ việc chính tôi đã công khai trên báo, tìm cách vận động đưa ra thảo luận tại kỳ họp, đặc biệt là vụ giải toả nhà dân ở đường Ngô Quyền và vụ án chị Đoàn Thị Thuận ở thị xã Tuy Hoà. Cùng một lúc tôi phải hoàn thành hai nhiệm vụ nặng nề. Tập hồ sơ dày mấy trăm trang căng phồng chiếc cặp da dưới gậm ghế và đang ép sát vào ống chân tôi đau nhức. Hình như nó cũng biết gợi nhắc, kêu đòi tôi, muốn gắn bó thành một phần của cuộc sống tôi lúc này. Tôi phải làm gì đây? Phải hành động như thế nào đây cho khôn khéo và hiệu quả? Công lý và lẽ phải nhiều khi tự nó không thể lên tiếng. Con người phải kêu đòi, phải trả giá. Chúa cũng phải chịu nạn trên thập tự để chứng minh công lý bị bạo lực chà đạp. Tôi ngồi nghĩ miên man. Ngoài kia, dưới hai cánh máy bay, nắng sáng trên tầng mây trắng xoá lãng đãng. Máy bay như đang trôi đi trong một vùng băng giá mênh mông vĩnh cữu.
Số báo 39 (137) ra ngày 19.9.1988 chúng tôi đang khởi đăng vụ án qua bài viết “Hãy cứu lấy Đoàn Thị Thuận” của Trúc Chi. Số phận đáng thương của nạn nhân được mô tả trong bài báo đã gây nên một luồng dư luận trong bạn đọc. Chính tôi nhận được nhiều thư gởi tới toàn soạn chia sẻ nỗi đau với nạn nhân. Nhiều người gởi tiền nhờ chuyển cho chị Thuận. Thú thật lúc đầu tôi cũng chẳng quan tâm gì nhiều. Bởi suy cho cùng, tính chất của vụ việc không lớn, không gây thiệt hại gì lắm về nhân mạng và tài sản. Giải quyết hậu quả của nó có gì đó chưa được thoả đáng, những vụ tương tự như thế này, thường chúng tôi chỉ làm công văn gởi chính quyền cấp trên nơi xảy ra vụ việc là được giải quyết ngay. Còn nỗi oan khiên, niềm đau nhân thế thì thấm vào đâu so với những vụ việc khác. Tôi đã nghĩ thế. Không phải vì xem thường và chai lì trước nỗi khổ đau của một con người. Nhưng đời làm báo tôi đã đọc qua hàng trăm hồ sơ, đã chứng kiến hàng trăm vụ việc mà nỗi oan khuất và đau xót không bút nào tả xiết. Có những nỗi oan khuất mãi mãi bị chìm lấp. Có những chuyện nó cứ ám ảnh tôi như một món nợ ngàn năm không trả nổi. Bạn hãy thử nghe một chuyện. Cách đây gần hai năm, chúng tôi nhận được thư của một phụ nữ kể lại một đêm oan khuất của đời chị 4 năm trước. Thuở ấy chị làm nghề bán vé số, và thỉnh thoảng có ghi số đề - chính chi tiết chị tự thú nhận này làm tôi tin tưởng toàn bộ câu chuyện chị kể bên dưới là sự thật. Công an địa phương lấy cớ bắt chị lúc 9 giờ tối vào cái đêm oan nghiệt ấy, giam chị trong một căn phòng không có đèn đóm gì cả. Nửa đêm trưởng đồn công an và 5 thuộc hạ thay phiên nhau hãm hiếp chị cho đến sáng. Sau khi thoả mãn thú tính chúng thả chị ra và hăm doạ nếu chị tố cáo chúng sẽ bắn chết chị. Chị sợ hãi không dám hé răng. Cho đến khi viết thư cho chúng tôi, chị biết đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, dân chủ và công khai được đề cao; nhiều vụ việc tày đình bị báo chí phanh phui trước công luận. Nhưng chị không nuôi oán thù. Nhưng chị cảm thất uất ức không chịu được vì những con thú mang mặc người đó khéo che đậy nên cứ sống điềm nhiên, có đứa lên chức lên quyền, mọi người trọng vọng. Chị không muốn thấy những con người đó tồn tại trong Đảng và Nhà nước ta nên chị nói ra để mong chúng tôi thay chị lật mặt nạ bọn chúng. Nhưng chị cũng yêu cầu chúng tôi khi đi về điều tra xác minh thì phải khéo léo kẻo xóm làng biết, chồng chị biết thì e rằng hạnh phúc gia đình chị tan vỡ. Gần hai năm trời kể từ ngày nhận thư của chị, tôi không nghĩ ra được một cách nào thật khéo léo. Sự việc xảy ra quá lâu, lại là một vụ hiếp dâm nên khó mà tìm ta tang chứng.Vả lại chúng tôi coi trọng hạnh phúc nhỏ nhoi của chị hơn sinh mạng những con sâu dân mọt nước kia. Tôi không có cái tài như Lê Phong phóng viên, như thám tử Sơlốc Hôm nhưng người phụ nữ không quen biết đó cứ ám ảnh tôi mãi. Nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ được. Đáng buồn thay cuộc đời vẫn còn những ngõ tối khuất lấp mà ánh sáng công lý mãi mãi không thể soi rọi tới. Nỗi uất ức, oan khiên của người đàn bà kia suốt đời là một nỗi đau câm nín.
Vụ án chị Đoàn Thị Thuận dù sao toà án đã xử phúc thẩm. Chỉ có điều có điều bản án chưa thoả đáng. Công luận động lòng và căm phẫn bởi chị Thuận suốt đời thương tật, cả chồng con chị sẽ sống như thế nào quãng đời còn lại. Và chỉ vì 100 lọ Péniciline vớ vẩn mà người ta đang tâm đánh đập một con người đến mang tật nguyền suốt đời. Tiếp vụ án chị Đoàn Thị Thuận chưa giải quyết xong là vụ giải toả 72 căn nhà đường Ngô Quyền, cũng tại thị xã Tuy Hoà. Chính quyền ra lệnh giải toả trong khi không có sơ đồ tổng thể và thiết kế thi công công trình được cấp thẩm quyền duyệt theo luật định, quy cho dân lấn chiếm lòng lề đường trái phép để không bồi thường. Dân phản ứng không chịu tháo gỡ thì huy động lực lượng đập phá. Dân kiện đến chủ tịch tỉnh. Tỉnh ra lệnh tạm dừng, thị xã khôn thi hành. Sự việc rối như một nồi canh hẹ.
Từ đấy tôi không còn xem nhẹ những vụ việc xảy ra ở Tuy Hoà nữa. Ở đây bạo lực đang trở thành tập quán, một nếp quen. Qua quá trình đi theo vụ việc chúng tôi bỗng nhận thấy rằng mọi vụ việc sẽ không bao giờ giải quyết được dù lên tới cấp tỉnh. Tất cả là do tình trạng mất đoàn kết. Đầu óc cục bộ địa phương đã ngự trị trong mọi sinh hoạt chính trị xã hội của tỉnh đến mức báo động. Nhiều sự kiện không được xét theo kỷ cương của Đảng và luật pháp Nhà nước mà người ta xem người liên quan thuộc cánh Phú Yên hay cánh Khánh Hoà, từ đó mà xác định thái độ và cách xử trí.
Chúng tôi biết mình đang rơi vào một trận đồ không có lối ra. May thay tới kỳ họp hàng năm của Quốc hội. Trước đây đấu tranh cho Nguyễn Mạnh Huy được đi học thì Đại hội Đoàn toàn quốc là một thời cơ giúp chúng tôi kết thúc thắng lợi. Rút bài học kinh nghiệm, chúng tôi xem kỳ họp Quốc hội lần này là dịp may hiếm có để đánh động những vụ việc ở Tuy Hoà đến trung ương, may ra mới giải quyết dứt điểm. Nhưng đánh động như thế nào? Tính toán bước đi như thế nào cho phù hợp và có kết quả? Ban biên tập giao nhiệm vụ nặng nề đó cho tôi. Và tôi thì giờ đây đang ngồi nghĩ ngợi lan man. Trong đầu chưa hình thành được một kế hoạch gì cụ thể cả.
Máy bay giảm độ cao xuyên qua biển mây trắng đục, mặt đất đã hiện ra. Khu ngoại thành Hà Nội như một tấm thảm màu xanh. Nắng đang sưởi ấm những ruộng rau dền đều đặn như tranh vẽ. Nữ tiếp viên hàng không thông báo : “Máy bay sắp đáp xuống sân bay Nội Bài… Hà Nội sáng này 15o. Chúc quý khách thượng lộ bình an”. Xin cám ơn một lời chúc tốt lành. Nhưng bình an thì chưa chắc đâu. Có thể một thất bại chua chát đang chờ đợi tôi đấy, cô tiếp viên xinh đẹp ạ!
Việc đầu tiên khi tôi đặt chân lên Hà Nội là đến Văn phòng Quốc hội. May mắn được gặp ngay anh Vũ Mão, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và HĐNN. Thuở tờ báo chúng tôi mới ra đời, anh là bí thư thứ nhất TƯ Đoàn. Cho nên, đến bây giờ hễ gặp nhau anh xem chúng tôi như người nhà. Trong lúc đợi văn phòng sắp xếp cho chỗ ăn nghỉ, tôi tranh thủ trình bày ý đồ với anh Vũ Mão. Anh hoàn toàn đồng tình ủng hộ và gợi ý cho tôi tìm cách vận động đoàn đại biểu Phú Khánh đưa vấn đề ra thảo luận tại các phiên họp tổ. Gợi ý của anh Vũ Mão là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho kế hoạch của tôi trong những ngày sắp tới.
Xe văn phòng Quốc hội đưa tôi vè khách sạn Giảng Võ. Đấy là khu ăn nghỉ của đại biểu. Đoàn đại biểu các tỉnh đã đến đông đủ. Phòng làm việc của ban Tổ chức tấp nập người ra vào. Gần nửa tiếng sau tôi lấy được phòng. Chưa quen với khí hậu Hà Nội tôi cảm thấy lạnh và mệt. Nằm nghỉ một lát tôi trở dậy ghé xuống căn tin ăn qua quít một buổi cơm trưa. Cốc bia hơi Hà Nội rẻ và ngon đã giúp tôi nuốt trôi bữa cơm vội vã đó. Vừa ăn tôi vừa nghĩ có lẽ mình nên gặp chị Ngọc Phượng trước. Quả thật tôi cũng cảm thấy hơi áy náy bởi tư cách là Phó chủ tịch Quốc hội, chị có biết bao vấn đề trọng đại khác phải làm, phải quan tâm, phải suy nghĩ trước khi bắt đầu kỳ họp quan trọng như lần này. Tôi thì chưa một lần làm việc với chị nên chưa quen biết nhau. Nhưng nề hà gì chuyện đó. Cách xử lý của cánh nhà báo chúng tôi trong trường hợp như thế là cố mà tìm cho ra một cái cớ để xông bừa vào và vồn vã hết với mọi người. Lượng thông tin mà chúng tôi tích tụ bao năm trong trí nhớ, trong sổ tay ghi chép, trong đống sách báo ngốn hằng ngày sẽ giúp chúng tôi có cái vẻ vấn đề nào cũng biết, người nào cũng quen. Cái cớ mà tôi sẽ viện ra với chị Phượng là đến chào chị để chị biết báo chúng tôi có cử người ra, hỏi han chị về nội dung, lịch kỳ họp (mặc dù tôi biết vấn đề này nên hỏi ở Văn phòng QH thì tốt hơn). Còn bản thân sự có mặt của tôi sẽ nhắc nhở chị Phượng hai vụ việc ở Tuy Hoà mà chị đã hứa sẽ đưa ra trước kỳ họp. Mục đích sau cùng như vậy là được che giấu một cách khéo léo và lịch sự. Tôi xoa tay vừa để hài lòng với cách sắp đặt của mình vừa để kết thúc một bữa cơm khó nuốt vì mệt và lạnh. Sau đó tôi vội vã đến Ban tổ chức xem sơ đồ bố trí phòng ở của đại biểu để tìm đoàn TP. Hồ Chí Minh. Hoá ra đoàn đang ở các tầng dưới cùng dãy phòng với tôi. Tôi đến gặp các anh quen : giáo sư Lý Chánh Trung, giáo sư Huỳnh Văn Hoàng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, kỹ sư Trần Thiện Tứ, nhà văn Nguyễn Khải. Hỏi chị Ngọc Phượng, các anh cho biết chị ra trước đoàn mấy ngày, nghe đâu đang ở bên nhà khách Quốc hội, ít ngày nữa chị sẽ ở chung với đoàn ở Giảng Võ. Thế là tôi đành phải đợi.
Sẵn dịp gặp anh Trần Thiện Tứ vốn có duyên nợ với tôi về vấn đề chính sách thuế, anh đang chuẩn bị viết tham luận về vấn đề này. Tôi thông báo cho anh tình hình thành phố mấy ngày tôi chuẩn bị ra. Chúng tôi lại xoay quanh vấn đề thuế, vấn đề đề nghị bãi miễn một số bộ, thứ trưởng. Chúng tôi thường gọi đùa anh Trần Thiện Tứ là Trần Thiện Thuế, bởi anh là người rất am hiểu và quan tâm đến chính sách thuế, đi đâu anh cũng nói chuyện thuế và nói một cách hăng say, tường tận. Còn tôi, sau gần cả giờ đồng hồ hàn huyên với anh về vụ thuế, trước khi từ giã anh, tôi còn kịp gài hai vụ Tuy Hoà nhờ anh ủng hộ, sau đó tôi sẽ chuyển hồ sơ cho anh đọc. Nhờ thế, mấy hôm sau anh có dịp đùa lại tôi : Nhân xem hai vở kịch của Lưu Quang Vũ do Đoàn kịch Hải Phòng và Đoàn quân đội biểu diễn phục vụ đại biểu, các nhân vật chính trong kịch cũng chịu đựng những cảnh áp bức oan ức như những nạn nhân ở Tuy Hoà. Ngồi xem, anh Trần Thiện Tứ đùa tôi : Xem mấy vở kịch này Công Thắng thế nào cùng nhớ đến Tuy Hoà. Nói xong, anh cười thoải mái. Anh có cái lối cười vui vì tôi ngầm hiểu như thế là anh đã ủng hộ chúng tôi trong cuộc đấu tranh cho những nạn nhân xấu số.
Buổi chiều đầu tiên không khéo đâm ra rảnh rỗi, tôi sắp xếp lại công việc. Cả ngày hôm nay chưa kịp báo cơm, nên chiều nay cũng phải “cơm hàng cháo chợ”. Đã thế thì một chiều lang thang rong chơi Hà Nội; tìm cho được một hàng phở ngon ăn tối, vừa kết hợp đưa thư từ bạn bè gởi, gặp gỡ cộng tác viên đặt bài. Sáng hôm sau sẽ ghé Trung ương Đoàn làm cho xong những công việc mà cơ quan giao. Nếu được gặp anh Hà Quang Dự thì báo cáo công việc để nhờ anh giúp đỡ hoặc có chỉ đạo gì thêm. Buổi tối, tìm gặp đoàn đại biểu Phú Khánh. Hai ngày đầu tiên đại khái đã trôi qua như thế. Công việc chỉ mới khởi động nhưng đã có nhiều tín hiệu tốt đẹp. Tiếp xúc và đặt vấn đề với đoàn đại biểu tỉnh Phú Khánh, đa số đều đồng tình đưa hai vụ việc ở Tuy Hoà ra thảo luận ở tổ. Nếu được chất vấn, các đại biểu Phú Khánh sẵn sàng trả lời trong các phiên họp toàn thể ở hội trường Ba Đình. Lần đầu tiên gặp anh Võ Hoà, trưởng đoàn đại biểu, chủ tịch UBND tỉnh, tôi có cảm giác anh là một người điềm đạm vì từng trải, nhân hậu với người khác vì dám hy sinh tình cảm của riêng mình. Về hai vụ ở Tuy Hoà, anh đã phát biểu quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề của anh hết sức rành rọt. Ở anh, vừa có tính quyết đoán, vừa có sự chín chắn, cẩn trọng của một người dày dạn kinh nghiệm. Người ta có cảm giác yên tâm khi cùng bàn định với anh một công việc gì. Riêng vụ giải toả nhà ở đường Ngô Quyền, chính quyền thị xã xem thường ý kiến chỉ đạo của anh mà anh đành bó tay. Anh hết sức buồn bã và bực dọc. Anh kể với tôi : chủ tịch thị xã Tuy Hoà Đặng Hồng Đức trong một cuộc làm việc với đoàn thanh tra tỉnh dám công khai gọi anh là con chó thiến. Nghe anh kể tôi quá bàng hoàng sửng sốt. Tôi bỗng thấy thương mến quý trọng anh quá, một chiến sĩ cách mạng đã suốt đời vì dân vì nước. Trong chiến tranh luôn có mặt ở những chiến trường gian khổ, nóng bỏng. Trong hoà bình xây dựng, liên tiếp ở những cương vị lãnh đạo cao của tỉnh, anh đã một đời chứng tỏ cuộc sống thanh bạch, trong sáng. Người ta không tìm ra một kẻ hở nào trong cuộc đời riêng của anh, nỗi đau mà lẽ ra phải được chia sẻ, kính phục thì lại bị cấp dưới đem ra mà bêu rếu, lăng mạ.
Anh Võ Hoà cám ơn chúng tôi đã ủng hộ và đứng về phía lẽ phải. Anh kỳ vọng
áo chí sẽ đánh động dư luận quần chúng và các cấp trung ương, chỉ có các ngành thẩm quyền ở trung ương mới giải quyết nổi các vụ việc này. Riêng tôi, anh nhờ tôi tiếp xúc với chị Ngọc Phượng để trình bày ý kiến của đoàn đại biểu Phú Khánh xem chị Phượng có ý kiến như thế nào rồi báo lại cho anh biết.
Anh không nhờ thì tôi cũng làm như vậy – tôi nói. Chỉ có điều mãi đến lúc này tôi vẫn chưa gặp được chị Ngọc Phượng. Ngộ nhỡ chị bận nhiều việc quan trọng rồi quên bẵng mất thì sao ! Có trời mà biết được tôi phải ứng phó như thế nào đây. Tôi nghĩ và tự cười thầm là mình khéo tưởng tượng.
Sáng ngày thứ ba 13.12.1988, Quốc hội khai mạc phiên họp chính thức. Thấy chị Ngọc Phượng ngồi trên ghế chủ tịch đoàn, tôi hơi vững tâm. Dù sao tôi cũng sẽ gặp được chị. Suốt ngày hôm đó tôi bận bịu với công việc nghiệp vụ của một nhà báo đối với kỳ họp = ghi băng, chụp ảnh, nhận tài liệu; giờ giải lao thì tranh thủ tiếp xúc, phỏng vấn các đại biểu. Giờ nghỉ buổi trưa, buổi tối phải đọc và ghi chép tài liệu. Phản ánh nội dung kỳ họp Quốc hội dù sao cũng là nhiệm vụ hàng đầu của tôi lúc này. Ở nhà, ban biên tập và các bạn đồng nghiệp đang trông chờ tin bài của tôi gởi về cho kịp số báo ra đầu tuần sau. Ngay từ ngày họp đầu tiên QH đã phải đối phó với những vấn đề hết sức gay go, căng thẳng. Báo cáo về tài chính ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nghe tờ trình thu học phí, viện phí của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Y tế. Toàn là cả những vấn đề mà nhân dân đang hết sức quan tâm và chỉ vần QH quyết định thiếu chính xác một chút là sẽ gây ra biết bao tai hoạ. Nội dung kỳ họp đã cuốn hút hết tâm trí của tôi những ngày đầu.
Mãi đến chiều hôm sau, trên đường từ nhà ăn về, anh Trần Thiện Tứ báo cho tôi biết là chị Phượng đã về ở chung với đoàn TPHCM, và hình như chị ấy cũng đang muốn gặp tôi. Tôi vội vã tìm gặp chị. Sau khi chào hỏi, tôi nói khéo : “Tôi biết chị đang bận rộn nhiều công việc quan trọng, nhưng xin chị dành chút thời giờ lưu ý đến hai vụ việc tại thị xã Tuy Hoà mà chị đã hứa đưa ra thảo luận tại kỳ họp. Tôi đã gặp anh Võ Hoà và các anh ở đoàn Phú Khánh. Họ cũng đang chờ xem chị có ý kiến như thế nào.
- Nghe có người của báo Thanh Niên ra tôi cũng đang muốn gặp đây- Chị cười cởi mở - tôi không quên đâu. Nhưng có điều, như anh đã thấy, những vụ ở Phú Khánh dù sao cũng chỉ là vấn đề nhỏ của một địa phương, khó mà đưa ra thành một nội dung thảo luận chung của kỳ họp. Tôi cũng đang suy nghĩ để tính toán một cách nào đây.
- Tôi đã bàn với các anh ở đoàn Phú Khánh đưa vấn đề ra thảo luận ở Tổ. Tôi sẽ tham dự phiên thảo luận đó và viết bài đăng trên báo. Đề nghị chị ủng hộ và tạo điều kiện.
-Vâng, tôi sẽ gởi phiếu chất vấn cho đoàn Phú Khánh.
- Nhưng, chỉ thế thôi thì chẳng giải quyết dứt điểm được đâu chị Phượng ạ - Tôi lo ngại nói.
- Thôi thế này, có lẽ tôi phải báo cáo với anh Lê Quang Đạo và các đồng chí trong đoàn chủ tịch Quốc hội – Chị vừa nói vừa trầm ngâm nghĩ ngợi – Sau đó tôi sẽ gặp anh Trần Quyết để đề nghị cho giám đốc thẩm vụ án chị Đoàn Thị Thuận và cử đoàn điều tra vụ giải toả nhà đường Ngô Quyền thị xã Tuy Hoà. Riêng vụ em Tống Châu Sinh ở Huế, nhân đây cũng sơ bộ báo cho anh biết, tôi đã trao đổi với anh Nguyễn Đình Ngộ, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch phụ trách văn xã tỉnh Bình Trị Thiên và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân. Nói chung, vụ này có khả năng dễ giải quyết.
- Có anh Nguyễn Đình Ngộ ra ? Tôi cũng quen với anh ấy.
- Thế thì tôi đề nghị anh cũng nên gặp để trao đổi thêm. Rồi nếu cần thì chiều ngày mai mời anh Ngộ, cả tôi và anh cùng gặp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân để có đủ cả ba, bốn bên, ta đề nghị giải quyết cho xong đi.
Tôi cẩn trọng đề nghị chị khi làm việc thì nói các anh Trần Quyết. Trần Hồng Quân ghi ý kiến và ký vào văn bản cho chắc ăn. Chị cười và an ủi tôi : Tôi đang làm như vậy đấy. Thôi nhé, yên tâm đi, thế nào tôi cũng có cách.
Từ phòng chị Phượng tôi đi như chạy xuống mấy tầng cầu thang, băng qua dãy nhà kế cận, đến khu phòng ăn nghỉ của đoàn Bình Trị Thiên , gõ cửa phòng anh Nguyễn Đình Ngộ. Anh đang áo quần chỉnh tề chuẩn bị đi xem phim chiêu đãi. Anh nhìn tôi ngờ ngợ. Tôi biết anh từ lúc anh là Phó trưởng ty giáo dục, còn tôi là một phóng viên Đài phát thanh Huế, những năm đầu Huế mới giải phóng. Sau đó tôi rời Huế. Cũng gần mười năm rồi còn gì. Khi nhận ra nhau anh vồn vã cầm tay tôi mời ngồi. Rồi tráng ấm chén, rồi pha trà. Thú thật tôi cũng rất đỗi vui mừng khi tình cờ gặp lại anh. Thế nhưng cái máu nghề nghiệp vẫn cứ trỗi dậy chơi khăm. Tức khắc, trong đầu tôi như hiện lên một đoạn phim cảnh căn phòng nho nhỏ của anh trong khu trường học cũ, nằm cạnh hữu ngạn sông Hương, phía trước dân anh trồng một dàn bí bò mà có lần anh khoe với tôi là rất sai quả. Tôi xởi lởi kể lại với anh khúc phim quá khứ đó. Anh cười to rất vui vẻ: - Bây giờ mình cũng còn ở mấy cái phòng đó, chẳng có nhà cửa gì mới đâu.
Khi đã bện chặt sợi dây tình cảm giữa mình với anh Ngộ, tôi mới từ tốn trình bày vụ Tống Châu Sinh. Hoàn toàn gặp thuận lợi. Anh Ngộ tuyên bố sẵn sàng gặp Bộ trưởng và ký vào văn bản giải quyết.
Thế là tôi gặp may. Kể như xong được một việc.
Còn hai vụ ở thị xã Tuy Hoà lúc này tôi hết sức lo lắng. Trước đây đưa vụ Nguyễn Mạnh Huy ra Đại hội Đoàn toàn quốc chúng tôi có nhiều yếu tố thuận lợi hơn. Trước hết báo có được một đại biểu chính thức, kế đó tính chất vụ việc phù hợp dễ vận động đưa vào chương trình nghị sự. Còn vụ án Đoàn Thị Thuận và vụ giải toả nhà đường Ngô Quyền chúng tôi phải hoàn toàn trông chờ vào chị Ngọc Phượng. Tại kỳ họp Quốc hội chúng tôi là báo chí chỉ có quyền nghe và phản ánh chứ không có quyền phát biểu và biểu quyết. Tính chất vụ việc thì rõ ràng đoàn chủ tịch kỳ họp sẽ khó mà chấp thuận là một đề tài đáng để đưa ra thảo luận tại các phiên họp chung. Theo chương trình chỉ có 3 ngày thảo luận chung ở hội trường Ba Đình. Ba ngày cuối cùng đó Quốc hội sẽ phải thảo luận và biểu quyết bao vấn đề trọng đại liên quan đến vận mệnh của cả toàn dân.
Đêm đó, ngay sau khi gặp anh Nguyễn Đình Ngộ, tôi đã đến đoàn Phú Khánh để báo cáo cho các anh biết tình hình chị Ngọc Phượng vừa trao đổi với tôi xong. Tuy thấy cái thực tế không thể chối cãi đó, song những người ủng hộ không tránh khỏi âu lo rằng vụ việc cuối cùng chẳng đi đến đâu. Chúng tôi bàn bạc nhau hết cách. Cuối cùng thống nhất một mặt chờ đợi kết quả làm việc giữa chị Ngọc Phượng và anh Trần Quyết. Một mặt tôi phải gặp chị Phượng đề nghị chị chuyển gấp phiếu chất vấn cho đoàn để chuẩn bị thật kỹ ở phiên họp tổ. Tôi cố gắng vận động thêm một vài tờ báo cùng dự để tạo thành dư luận mạnh mẽ. Sau đó tuỳ tình hình mà ứng tiếp.
Thứ sáu 16.12, tôi đã viết xong và gửi về toà soạn bài ghi chép của tôi về kỳ họp. Tôi cố gắng thông tin đầy đủ cho bạn đọc diễn biến của kỳ họp. Những vấn đề nóng bỏng mà Quốc hội đang thảo luận. Làm xong nhiệm vụ này tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm. Ít ra là trong ngày hôm nay và ngày mai tôi cũng được thoải mái một chút. Ai ngờ đấy là một ngày bận rộn nhất. Chị Phương gặp tôi và vui mừng thông báo cho tôi thắng lợi bước đầu : đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đồng ý giám đốc thẩm vụ án Đoàn Thị Thuận. Về phía Toà án nhân dân tối cao, đồng chí chánh án Phạm Hưng cũng cho biết là không có gì trở ngại. Ngoài ra đồng chí Trần Quyết đã hứa sẽ cho kiểm sát viên cao cấp vào Tuy Hoà thẩm tra tại chỗ vụ giải toả nhà dân ở đường Ngô Quyền. Tôi viết ngay bản tin mới nhất gởi về. Tôi tính toán nếu gởi máy bay vào sáng ngày mai thì không kịp thời hạn giao bài cho nhà in, nên vội vã mượn chiếc xe con của báo Công an nhân dân đến toà soạn báo Quân đội nhờ “tê lê” gấp vào buổi tối hôm đó.

TRÚC CHI - TUY HOÀ HỘI TỤ CỦA ĐIỂM NÓNG

TRÚC CHI

TUY HOÀ HỘI TỤ CỦA ĐIỂM NÓNG


Tuy Hoà ngày 17,18-01-1989
Anh Năm Hồ thân mến,
Tôi viết thư này cho anh từ thị xã quê hương nóng bỏng. Đúng vậy, tuy là Đông Xuân, khí trời mát dịu chỉ còn hơn tuần nữa đến Tết Nguyên đán, lác đác vài hạt mưa phùn cái giá rét tê tê, nhưng lòng bà con quê mình lại nóng bỏng, nhức nhối.
Đôi lần anh về phép thăm nhà và đài báo trung ương đưa tin bọn cơ hội, cường hào mới gây cho dân chúng bao nhiêu cay đắng, nào đánh người, chiếm đất, tham ô, trù dập. Chục năm nay, bà con lên tiếng gõ cửa khắp các cơ quan lãnh đạo từ xã đến trung ương, nhưng nào ai có thấu. Khi tiếng kêu cứu Đoàn Thị Thuận, “những ngôi nhà đòi được mở cửa” được mở ra thành công luận cả nước. Chính nơi quê mình từ vụ án Đoàn Thị Thuận, việc giải toả nhà đường Ngô Quyền mà lòng người cả nước hướng về Tuy Hoà ngày một nhiều, ngày một nóng bỏng. Chắc ở xa, theo dõi, mong đợi anh cũng biết. Trong những ngày cuối năm 1988 khi được tin bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bác sĩ, phó giám đốc bệnh viện phụ sản thành phố, phó chủ tịch Quốc hội hứa sẽ đem những vấn đề này ra chất vấn trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 12.1988 làm cho bà con quê mình và cả nước cảm động và khâm phục. Suốt thời gian Quốc hội họp mọi người chăm chú theo dõi, thế rồi nguyện vọng ba con được đáp ứng. Tin đồng chí Võ Hoà chủ tịch tỉnh, trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Phú Khánh trả lời phóng viên báo TP về vụ án Đoàn Thị Thuận và vụ giải toả nhà đường Ngô Quyền bà con quê mình một phần hả dạ. Tiếp theo báo TTTN đưa tin Viện kiểm sát tối cao theo quyết định của Quốc hội cửa một đoàn kiểm tra về Tuy Hoà xem xét càng làm bà con phấn khởi, tin tưởng như một luồng gió mới đầu mùa xuân. Bà con quê mình bắt đầu từ ngày ấu nao nức, chờ đợt như chờ đợi cứu tinh sắp đến với mình.
Anh Năm Hồ biết không, những ngày này, bà con hễ thấy xe nào lạ chạy qua chạy lại thị xã là thăm dò hỏi có phải xe của đoàn kiểm tra về. Suốt mấy tuần như vậy và con phân công nhau đứng chực mấy ngã đường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo giáp quốc lộ 1cả đêm lẫn ngày để đón đoàn kiểm tra. Trong khi người trong Đảng uỷ, uỷ ban thị xã chộn rộn gấp rút phá nhà dân đường Ngô Quyền, thu thuế hàng hoá vào chợ sắp tết thì bà con ban ngày đứng dưới cây tránh nắng. Trong đêm, thị xã không điện, bà con cầm cây đèn nhỏ trong tay nhoáng qua lại để đoán đoàn kiểm tra về.
Khoảng 10 giờ ngày 15.01.89 đoàn kiểm tra về đến thị xã, xe của đoàn liền chạy thẳng xuống hiện trường đường Ngô Quyền. Tuy xe của đoàn mang biển số 45A của Phú Khánh, nhưng sự quan sát tinh tường của bà con từng nét mặt cử chỉ cũng biết ngay đó là những kiểm sát viên cao cấp của VKSNDTC về làm nhiệm vụ tại thị xã. Biết rồi, chuyền tin nhau từ người này qua người khác, chả mấy chốc lan khắp thị xã ai cũng biết. Và bà con cũng biết nơi ăn nghỉ và làm việc của đoàn tại nhà khách UBND thị xã. Tối 16.01 chưa đến 18 giờ bà con đã có mặt trước cửa nhà khách trên hàng chục người để đón và gặp đoàn. Bà con chưa biết lối vào phòng làm việc của đoàn, vì tầng trệt nhà khách, uỷ ban thị cho tư nhân thuê mở tiệm cà phê gần năm nay, người đến ăn uống đông nghịt ở cửa trước, còn cửa sau thì họ khoá chặt bà con cứ đứng đó chịu. Một vài chị đứng lâu không chịu nổi, bạo dạn đi băng qua quán cà phê, vượt cầu thang lên lầu hai để gặp cho được đoàn, một số đông bà con ngồi ngoài cửa chờ tin mấy chị đi lên trước. Mấy chị bước lên cầu thang lầu 2, nhìn vào phòng thấy một số người ngồi xung quanh bàn tròn trò chuyện, trong đó có một số “nhân vật” của thị đương chức, hoặc đã về hưu mà mấy chị đã quen mặt, biết tên, và cũng hiểu tận đáy lòng của những nhân vật đó, còn vài người lạ chắc là các đồng chí trong đoàn kiểm tra.
Các chị lúc này thật bạo, vừa bước vào cửa đã cất tiếng hỏi “Có phải các chú được Quốc Hội, VKSTC cử về không, cho chị em chúng tôi được gặp và gửi yêu cầu”. Một đồng chí trong đoàn bước ra cửa trả lời: “Vâng, chúng tôi mới về, chân ướt chân ráo nên tối nay chưa làm việc được với bà con”. Khi đó, mấy người ngồi xung quanh bàn tròn quay ra cửa , mấy chị em nhận mặt chính xác. Một chị lên tiếng trước: “Mấy chú ơi, mấy chú đã về đây thì phải gặp dân, nghe ý kiến của dân, dân mong chờ các chú hơn tháng nay rồi, mấy chú đừng nghe lời mấy ông ấy nói. Các ông ấy đã làm cho dân khổ nhiều lắm rồi. Các ổng trấn áp, trù dập bà con quá nhiều, bây giờ mấy ổng đến đây quấy nhiễu, tung hoả mù đó các chú ơi”.
Đấy, anh Năm thấy, bà con quê mình biết rất rõ đường đi nước bước kể cả sự đánh hơi của các ông “lãnh đạo” ở thị xã, muốn làm lá chắn cho mình. Bà con nói như vậy không chỉ để mình cảnh giác mà còn để đoàn kiểm tra cảnh giác nữa. Cho nên trước tình huống như vậy các đồng chí đoàn kiểm tra hẹn các chị chương trình tối mai trực tiếp nghe và lấy ý kiến của bà con, mời các chị, bà con tối ngày mai đến. Các chị an tâm trở ra báo tin lại cho bà con biết. Bà con rủ nhau về, ngay sau đó họ truyền cho nhau ai có nỗi oan, điều uất thì tối mai đến để nói hết cho trung ương biết nỗi khổ của người dân Tuy Hoà do bọn cơ hội và bọn cường hào mới gây ra.
Đúng hẹn, tối hôm sau (18.01.89) chưa đến 18 giờ bà con có mặt gần đủ ba người (ko rõ bản in có nhầm ko-LNV), ngồi trước nhà khách uỷ ban. Lúc ấy đoàn ăn cơm chưa về. Đợi một lát sau, thấy đoàn về, mọi người không ai bảo ai cứ ngồi nối gót theo chân đoàn đi ngang quán cà phê, lên cầu thang vào chỗ đoàn làm việc. Thấy bà con quá đông, đoàn chia làm hai bộ phận để nhận đơn và nghe ý kiến bà con về vụ án Đoàn Thị Thuận và vụ giải toả nhà đường Ngô Quyền.
Tối hôm đó, tuy tôi ở bên bộ phận vụ án Đoàn Thị Thuận nhưng cũng theo dõi những bà con bộ phận bên kia và cả những vụ việc khác. Bà con gồm đủ trẻ già trai gái. Có nhiều ông già bà lão phải chống gậy, hoặc cho con cháu dẫn đường để đến gặp đoàn. Có chị trên đầu còn thắt chiếc khăn tang thơm mùi vải mới, có chị hai mắt đỏ ướt từ lâu mang một nỗi oan. Có người từ sáu phường nội thị, và cũng có nhiều người từ Hoà An, Hoà Thắng, Bình Ngọc kéo xuống để gặp đoàn. Bà con đông không đủ ghế ngồi, phải ngồi một ghế hai người, ba người để nói cho đoàn nghe.
Mấy dãy bàn chỗ tôi ngồi hầu hết là cán bộ hưu trí. Một đồng chí trong tổ hưu trí nêu ý kiến đầu tiên, đoàn về đây phải cảnh giác, không phải cảnh giác vì không an toàn tánh mạng, mà cảnh giác với những người gây nhiễu, chuyên tung hoả mù để làm rối thông tin, những loại ấy đã từng làm ô dù, ức hiếp, vùi dập, gây bao đau thương cho bà con trong nhiều vụ án. Và cũng không ít người đã giấu tên, hoặc viết thay người khác trên báo địa phương cố tình đưa công luận đi ra ngoài vụ án. Các đồng chí trong đoàn hình như cũng được hiểu trước những vấn đề này, nhưng cũng vẫn vui vẻ tiếp thu ý kiến bà con. Sau đó nhiều bà con nêu ý kiến về vụ án Đoàn Thị Thuận như là một vấn đề mâu thuẫn trong vụ án chưa giải quyết một cách then chốt, như là một loạt bài đăng trên báo Phú Khánh nhằm đánh lạc hướng công luận, đổi trắng thay đen, như là bà con không đồng tình cách xử lý vừa qua của tỉnh, của thị xã, của UBND xã Hoà Quang đối với gia đình Đoàn Thị Thuận, và một số y, bác sĩ bệnh viện Bắc Phú Khánh những ngày đầu với nạn nhân Đoàn Thị Thuận. Mặt khác, bà con không quên nhắc đến bản án sơ thẩm 16.1.87 và phúc thẩm ngày 13.5.87 vẫn cố tình để sót tội phạm như Phạm Văn Ánh, chủ tịch xã, Nguyễn Tấn Đạt công an xã, Nguyễn Thị Trang vợ trưởng công an xã. Án đã xử, nhưng bản án không có hiệu lực, về mức độ bồi thường chỉ mới nói ở giai đoạn cơm thuốc trong thời gian điều trị, còn suốt quãng đời chị Thuận bại liệt không còn khả năng lao động thì ai nuôi chị, và đứa con 5 tuổi của chị? Điều quan trọng của vụ án còn để sót một số khá đông những người có trách nhiệm giải quyết nhưng lại bao che hoặc trốn tránh, đồng loã nay vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong khi nêu ý kiến bà con đã điểm mặt, chỉ đích danh tên họ, chức vụ từng người cụ thể từ thị xã đến tỉnh. Có người là chủ tịch, chánh phó bí thư đảng, trưởng công an, phó giám đốc và trưởng khoa bệnh viện. Có người là thường vụ Tỉnh uỷ, trưởng ban kiểm tra, và cao hơn nữa…
Hầu hết kiến nghị của ba con đòi pháp luật phải trừng trị cái thế lực này, vì thế lực này nguy hiểm không kém tội phạm. Có trừng trị mới làm rõ dứt điểm vụ án, mới lập lại kỷ cương xã hội. Có trừng trị thì dân mới tin Đảng, Đảng mới thật sự lấy dân làm gốc. Gần hết cuộc tiếp xúc, đồng chí trong đoàn kiểm tra hỏi ý kiến bà con “theo các bác, chú, các chị em thì số người này nên xử lý như thế nào?” Bà con đáp lại ngay không chút do dự : “bỏ tù tất”. Đồng chí kiểm sát viên cao cấp hơi ngạc nhiên khi nghe bà con đáp lại một cách thẳng thắn, rõ ràng.
Ý kiến về vụ án Đoàn Thị Thuận coi như đến đây tạm dừng để chuyển sang các vấn đề khác, bà con có oan ức cứ phát biểu và đề đạt nguyện vọng.
Lúc này trong phòng hơi mất trật tự một chút, vì ai cũng muốn được nói trước, nhưng sau đó không khí trở lại bình thường. Từng người lần lượt trình bày sự việc, hoàn cảnh của mình.
Anh Võ Hồng Trạc kỹ sư trưởng phòng kỹ thuật công ty thuỷ nông Đồng Cam nêu sự việc của mình đã gần 5 năm nay bị bọn tham nhũng, bao che trả thù anh khi anh tố cáo họ. Họ đã ngược đãi anh như một kẻ thù, họ cách chức anh, khai trừ anh ra khỏi Đảng, dựng hồ sơ giả buộc anh về hưu. Anh không chấp nhận, họ cắt hết mọi quyền lợi kinh tế của anh. Từ đó anh không cơm, không áo, không thuốc men từ năm 1983 đến nay, gia đình anh điêu đứng, cả nhà sáu miệng ăn, mà chỉ có một phần lương và xuất gạo về nghỉ mất sức của vợ anh nuôi sống khổ sở - Anh phải sống bữa cháo, bữa rau qua ngày tháng trong sự đùm bọc của anh em, bạn bè. Anh đã khiếu nại từ thị đến trung ương, cho đến nay nhưng chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. Mới đây chỉ có uỷ ban kiểm tra Đảng phục hồi Đảng tịch cho anh, mà lẽ ra phải trả lại mọi quyền lợi cho anh, theo điều lệ Đảng đã quy định, nhưng không. Họ muốn bắt anh Trạc quỳ xuống đầu hàng và “chịu tội” với họ.
Tiếp đến là bà Trần Thị Nhuệ, nguyên là công nhân bưu điện thị xã Tuy Hoà, nay làm ở bưu điện Tuy An. Trước đây bà Nhuệ có tố cáo ban lãnh đạo phòng tham ô, ức hiếp, quần chúng liền bị trả thù ngay. Ba lần bà Nhuệ bị đình chỉ công tác, viện kiểm sát thị mời lên làm kiểm điểm, buộc thôi việc, cảnh cáo toàn ngành, hạ bậc lương 5/6 còn 4/6 rồi trấn lột của bà 5.000đ trong ngày 14.9.85, cắt lương tháng 9.86, không cấp tem thực phẩm 6 tháng cuối năm 1986. Rồi cả ban lãnh đạo phòng đánh bà vào ngày 5.9.86, bà phải đi điều trị 22 ngày ở bệnh viện Bắc Phú Khánh, hiện nay có đầy đủ hồ sơ thương tích. Họ còn quịt lương, quịt tiền thuốc điều trị, họ mở chiến dịch vu khống bà đủ chuyện trên đời. Tất cả những việc làm trên đều được dưới sự “bảo hộ” của một số người có chức có quyền của thị xã và của tỉnh. Bà Nhuệ đã khiếu nại từ năm 1983 đến nay, nhưng chưa được giải quyết. Hiện nay họ lấy cớ thừa biên chế cho bà Nhuệ ở nhà hưởng 70% lương.
Bác Phạm Cư ở phường 5 có con gái là Phạm Thị Thoả lấy chồng, bị chồng đánh chết bỏ vào bao tải thả trôi sông, bà con Đông Tác vớt được, thế mà họ bảo cô ta tự vận. Bác Cư hai lần ra Hà Nội gặp HĐBT và Tổng bí thư Lê Duẩn để kêu oan. Thấy hoàn cảnh của bác Cư nghèo khổ bà con quyên góp giúp, và tiền bác Cư bán nốt cái tủ thờ duy nhất trong nhà mới đi được Hà Nội. Vậy mà nỗi oan ức đó cho đến nay vẫn đào sâu chôn chặt trong bóng tối. Khi nghe bác Cư trình bày với đoàn bà con đều nghẹn ngào.
Chị Lan ở thôn Ngọc Lảng xã Bình Ngọc có mảnh vườn bị người ta chiếm, chị ngăn cản không cho, xã liền huy động dân quân tấn áp, bằng cách lột quần chị, rồi lấy quần trói hai tay, hai chân chị, xỏ cây khiêng như khiêng lợn đem về xã giam tại nhà giam không đầy 1m2. Họ giam chị cùng với hai con chị, sau đó họ đào lỗ sẵn để chôn sống chị. Nghe chuyện chị ai cũng ứa nước mắt.
Anh Năm Hồ biết không, chỉ nghe chuyện chị Lan tôi cũng chưa thật tin. Sáng hôm sau, tôi đến anh Hoàng Sĩ Huỳnh trung tá về hưu (chắc anh biết anh Huỳnh hồi còn ở bộ đội với anh đó). Anh Huỳnh kể lại những gì đã thấy về chị Lan hồi năm 1983. Tôi nghe sao mà rùng rợn. Nhất là chi tiết này, cũng ngày hôm đó có một đồng chí là đảng viên đến can thiệp để bảo vệ chị Lan, liền bị du kích chĩa súng vào ngực nói “Nếu ông can thiệp nữa thì bắn ông ngay”. Du kích nổ một phát súng chỉ thiên, rồi vác súng đi không nhìn lại. Cũng trong vụ này, anh Huỳnh ra mặt đấu tranh, bọn chúng định khai trừ anh ra khỏi Đảng.
Tiếp đến là vợ chồng anh Mười tổ trưởng tổ hợp tác nghề cá phường 6 tố cáo bọn lợi dụng chức quyền tham ô của dân liền bị qui là phản động, bắt giam 7 tháng trời, tịch thu tài sản, phương tiện làm ăn của anh với vốn liếng ban đầu là 25 lượng vàng theo thời điểm 82-83 gồm 1 thuyền trọng tải 50 tấn và một giàn lưới khoảng 1 tấn. Hiện nay vợ chồng anh Mười chỉ còn hai bàn tay trắng, một cái nhà ở không bằng cái chuồng heo. Lúc đầu anh Mười khiếu nại, ông Ái phó ban cải tạo thị xã bảo rằng lúc mày được kiện thì tao đã về hưu rồi. Ông Sanh trưởng ban tư pháp thị xã cũng nói với ban chủ nhiệm hải sản rằng nếu các ông được kiện thì của cải cũng nát mục hết rồi, và tôi cũng về hưu.
Đến việc chị Nguyễn Thị Bông trình bày ông Sanh trưởng ban tư pháp chiếm đất của chị để làm nhà. Hôm ấy chị Bông nói thẳng với đoàn rằng, ông bí thư, ông chủ tịch có chiếm đất của dân không xấu hổ bằng ông Sanh làm cơ quan pháp luật mà đi chiếm của dân nhục lắm, xấu lắm. Đã không xấu, không nhục mà ông Sanh còn thách thức trắng trợn với chị Bông rằng, khi nào Mỹ trở lại đây thì may ra chị mới lấy được đất của chị. Đấy, anh Năm nghe ông Sanh nói với dân như thế nghe có được không?
Tiếp sau đó bà con trình bày nhiều vụ việc như chị Ngọc phường 2 kêu oan chồng là anh Bùi Ngọc. Anh bị cha con Lương Công Mãnh đánh vỡ sọ, nghe mà động trời. Nhất là bà con chủ hộ ngôi nhà 417 đường Trần Hưng Đạo của mẹ anh Nguyễn Tấn Tề, 116 đường Phan Đình Phùng khiếu nại đòi trả lại nhà mà chính quyền phường, thị xã chiếm trái phép 131 năm nay. Có nhiều cháu 11, 12 tuổi cũng đến gặp đoàn đưa đơn, cha mẹ các cháu có mặt ở đó bảo ba má đã có đơn rồi, các cháu liền nói, đó là phần của ba má, còn đây là phần của con. Anh Năm nghe thấy có đau đớn, nhức nhối không.
Suốt ba đêm ba ngày tôi theo dõi ở nhà khách UB, hằng trăm người, hàng trăm sự việc nào tố giác, nào kêu oan, nào cầu cứu. Việc nào cũng tai ương, quái ác mà bọn cường hào, bọn cơ hội đổ lên đầu lên cổ người dân hiền lành vô tội. Nhân dân đau khổ đến cực độ như vậy mà Đảng bộ chính quyền không quan tâm, các cơ quan luật pháp thì giả bộ làm ngơ trước yêu cầu chính đáng của dân.
Anh Năm Hồ à, tôi đã chứng kiến một “pha” tại hiện trường đường Ngô Quyền ngày 18.1.89. Chắc anh biết, việc chính quyền thị xã đập phá 56 trên 72 nhà dân lấy cớ là để giải toả đường Ngô Quyền, và ghép tội cho dân là chiếm lòng lề đường trái phép. Hôm ấy đoàn đến yêu cầu bà con chỉ cây cổ thụ mà trước đây UB thị huy động lực lượng đến chặt cây đào gốc nhằm để xoá hiện trường. Bà con chỉ đúng chỗ, còn ông trưởng ban nhà đất thì giả bộ chỉ sai. Đoàn hỏi vì sao chỉ sai, ông ấy nói vì tìm sai phương hướng, không biết vị trí. Thế là bà con cười ồ. Rồi đến lượt đoàn yêu cầu ông ta chỉ cho tim đường cũ ở chỗ nào, trưởng ban nhà đất bỏ đi không ngoái lại. Bà con liền nói theo: “Chính ông ấy dẫn quân đến đập nhà dân và chính ông ấy hô xung phong tợn lắm”. Còn chủ tịch Đặng Hồng Đức hôm ấy cũng tỏ ra quan tâm đến đường Ngô Quyền nhiều hơn ai hết. Không phải sau khi đoàn đến, mà trước đó ổng cũng lạng qua lạng lại mặc dù ông Đức đang bận họp Hội đồng nhân dân. Ông Đức quan tâm là đúng, vì trước đây khi ra lệnh phá nhà dân ông Đức tuyên bố “làm xong đường Ngô Quyền tôi mất ghế chủ tịch UBND thị xã cũng được”.
Anh Năm Hồ à, qua ba ngày ba đêm như một cuộc hội tụ điểm nóng của thị xã mình. Tôi thất không chỉ một người đàn bà quỳ, mà ở đây rất nhiều đàn bà quỳ. Và cũng không những có một điểm, một đêm gì, mà ở đây có rất nhiều điểm, nhiều đêm gì. Và cũng có cả ngày ấy là ngày gì nữa.
Qua cuộc hội tụ điểm nóng này bà con thị xã hoan nghênh TƯ Đảng, hoan nghênh Quốc hộ, HĐBT, VKSNDTC đã đổi mới kịp thời, về sát dân, nghe dân nói, nghe hơi thở của bà con bất hạnh, bị áp bức. Và chưa có lúc nào mà bà con hy vọng, tin tưởng công lý công bằng như lúc này. Lòng tin ấy đúng như lời một bài báo viết về những tội phạm trong vụ án Đoàn Thị Thuận “lưới trời thưa mà không lọt”.
Có một điều, ai đã được gặp đoàn ngoài yêu cầu riêng cho chính mình còn đòi hỏi quyền sống cho những người khác. Và gần như ai cũng có một nguyện vọng duy nhất, muốn được TƯ, Quốc hội, VKSNDTC cử nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra về tại thị xã này; ở thật lâu để được nghe bà con phản ánh, bà con trình bày những nỗi oan, những nỗi đau động trời động đất.
Anh Năm ơi, rất cảm động là khi bà con ra về, người nào cũng chắp hai tay vái vái đoàn như để thể hiện cái thật lòng thật dạ của người dân đối với chính nghĩa. Và tôi cũng hiểu thêm cái vái vái của bà con không phải như vái tiên vái phật đâu mà là tin tưởng rằng nguyện vọng của bà con sẽ được thực hiện. Tin như tin ở mặt trời, mặt trăng, phải không anh Năm?
(Theo tin của Sông Đà thị xã Tuy Hoà)

TRÚC CHI - CÔNG LÝ VÀ LUẬT PHÁP Ở ĐÂU ?

TRÚC CHI

CÔNG LÝ VÀ LUẬT PHÁP Ở ĐÂU ?

Chúng tôi đang ăn bữa cơm tối. Ngoài trời cơn mưa rỉ rả cùng cái lạnh sắp vào đầu tháng chạp của thành phố biển miền Trung. Bóng hai người đội trùm áo mưa tay dắt theo một cháu bé trai khoảng năm tuổi cũng choàng áo mưa trùm kín hết người, rụt rè bước lên bậc thềm, vào đứng bên mâm cơm. Tiếng người phụ nữ nói trước, tay vừa tháo mũ ra, khuôn mặt đẫm ướt nước mưa hay nước mắt :
- Các anh ơi, ngày mai chính quyền thị xã đập nhà em.
Người chồng chưa nói gì, ngồi sụp xuống ghế, hai mắt nhìn chúng tôi như để được cầu cứu. Cách đây một tháng anh vào tại toà soạn gửi đơn khiếu nại về ngôi nhà số 5 đường Ngô Quyền, nét mặt trẻ trung, vậy mà bây giờ trông anh già hơn chục tuổi. Tính là đơn gửi cho chúng tôi là trong con số năm mươi cùng với giấy tờ xây cất, bản đồ thiết kế xây dựng của ngôi nhà chính quyền thị xã cấp năm 1983. Đơn gởi đi từ cấp phường, cấp thị xã đến cấp tỉnh , các cơ quan chức năng đến cấp trung ương, hội đồng nhà nước, ban bí thư trung ương Đảng và đồng chí tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Nơi nào anh nghĩ kêu được là anh tới, vợ anh không ngại chữ xấu bảo là viết đơn liền. Sáu tháng nay anh chị viết lẫn trong nước mắt.
Cứ mỗi lần nhớ lại cái ngày 20.4.8 thật khủng khiếp, kinh hoàng khi tờ thông báo uỷ ban thị chuyển đi gõ cửa 72 ngôi nhà đường Ngô Quyền lệnh giải toả. Tiếng rên rỉ các cụ già, nỗi đau thầm lặng các bà mẹ trẻ, tức tối cùng quẫn của những ông chồng hành nghề lao động trước những lời thúc hối phải dọn nhanh, phá nhanh vào hạn chót trung tuần tháng năm cùng những lời kết tội 72 căn hộ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Bà con không thể giải thích nỗi những điều gán ghép tội lấn chiếm này, mặc dầu cuộc đời và ngôi nhà họ hiểu họ hơn ai hết. Hồi đó vẫn con đường này, cái tên lịch sử nằm cạnh chợ Tuy Hoà này. Từ năm 1965, 1970 của những mùa hè đỏ lửa bà con các nơi dồn về dựng nhà, cất quán làm ăn sinh sống. Hàng cây dương đứng sẵn lề đường chứng kiến nhìn vào những ngôi nhà dân nghèo phiêu tán được định cư tận phía trông kia. Vậy mà nay chính quyền buộc họ cái tội lấn chiếm lề đường là lấn chiếm làm sao? Cuungx cái ngày 20 tháng tư đó hai vợ chồng người thợ sửa đồng hồ trong căn nhà số 5 cầm thông báo của uỷ ban như cầm cục băng giá tái tê, như cầm hòn than cháy bỏng. Hai chiếc đồng hồ đang sửa hai vợ chồng đánh rơi xuống nền xi măng lúc nào không biết, tiếp đó cơn sốt phát lên.
Liền mấy đêm, uỷ ban thị xã huy động dân quân, đội công trình công cộng mang búa, mang cưa, dao rựa, cuốc xẻng áp vào con đường trước 72 căn hộ cưa cây, chặt cây ầm ầm ào ào như bão đổ. Không điện, nổi lửa đuốc, giong đèn mà chặt, mà cưa, mà đào rung chuyển cả một con đường. Họ vừa chặt, cưa, đào vừa nói vào để 73 căn nhà nghe rằng dân ngụ cư đừng hòng mà ở được Tuy Hoà của chúng tao. Người chồng trong căn nhà số 5 nghe họ nói mà đau đớn, mà trằn trọc suốt đêm, Nhưng năm 1970, anh cùng bà con kéo về Tuy Hoà làm ăn sinh sống. Anh từ Bình Định trốn lính chạy vào, nhưng cái nạn dịch ấy cũng không buông tha anh. Chính trong căn nhà hồi đó chỉ vài miếng tôn, vài cây cột chống lên tạm gọi là “nhà” ngoài cửa treo tấm bản hiệu “Đông Thành” sửa đồng hồ. Vào một buổi trưa thị xã đầy cơn gió nam cồ thổi rát mặt, anh đặt bàn chân trái của mình lên tấm ván nằm, tay cầm con dao bén, hai mắt nhắm kín, con dao đưa xuống thật nhanh , hai ngón chân anh rơi ra, rồi anh ngã chết điếng trong bàn tay người vợ. Máu của anh nhỏ giọt xuống thấm vào đất làm thành kỷ niệm của ngôi nhà và làm nên quyền sống của ngôi nhà từ đó. Mọt tháng băng bó bàn chân mất ngón cái và ngón hai, ngồi một chỗ anh nhìn lên mấy ngọn cây dương nghe gió biển thổi mà yên tâm làm ăn khỏi sa vào cái nghề cầm súng bắn người. Vậy mà bây giờ họ chặt hết hàng cây dương để làm mất dấu lề, để ghép tội 72 căn nhà chiếm lấn lề đường lòng đường là như vậy đó.
Hôm chúng tôi đứng giữa con đường Ngô Quyền nhiều bà con từ trong chợ Tuy Hoà đi ra, dừng lại nhìn hỏi chúng tôi bằng những câu dồn dập. Tại sao con đường không phải trục lộ chính giao thông mà chính quyền lại mở rộng đến 16 mét, rộng quá chừng chừng ? Tại sao mở đường không lấn vào phía chợ, một vài căn lều, một vài ki-ốt có thể giở đi được chứ, vậy mà họ lại lấn dần về phía nhà dân, bắt dân phải đập phải phá ? Tại sao bắt dân giở nhà mà không chuẩn bị chỗ ở cho dân, dù là đền bù rất ít ? Tại sao ? Tại sao ? Đấy là bà con chưa hỏi tới qui hoạch giải toả nhà dân, giải toả lòng lề đường chỉ có cấp thị xã quyết định mà không được cấp tỉnh duyệt. Một cụ già nhà ở bên kia đường Lê Lợi xăm xăm đi tới vùng đất trũng, hai tay bới bới chỉ cho chúng tôi gốc cây dương:
- Đấy, các ông nhà báo xem, họ chặt cây rồi hô hoán bà con lấn chiếm lề đường, phải chăng họ lừa bà con, ghép tội bà con.
Chúng tôi cũng nghĩ như cụ già kia, gốc cây dương còn đó, một chứng nhân còn đó, sự thật đó không thể chối cãi. Chính vì sự thật kia mà ngày 10.6.88 bà con đường Ngô Quyền thuê năm chiếc xe tải vào tận Nha Trang gặp cho được uỷ ban tỉnh để khiếu nại việc giải toả lòng lề đường Ngô Quyền, Ngày đó người đàn ông nhà số 5 hiệu “Đông Thành” khập khiểng bàn chân chỉ còn ba ngón thay mặt bà con đứng trước cổng uỷ ban tỉnh đệ lên một xấp đơn kêu cứu quyền sống những ngôi nhà. Ngày đó đồng chí chủ tịch tỉnh Võ Hoà một tay nhận đơn bà con, một tay ký lệnh gởi uỷ ban xã ngừng giải toả đường Ngô Quyền. Trong khi đó, ngoài kia họ huy động ban công trình công cộng, công an phường thị, ban quản lý thị trường, thương nghiệp ,mang xe lớn, búa tạ, xà beng, cưa đục xông vào 69 ăn nhà đập phá, nhà sập, tường nứt. Ngày đó chủ tịch thị xã Đặng Hồng Đức như một vị nguyên soái tả xung hữu đột vừa dõng dạt tuyên bố để mọi người nghe “dù có lệnh của tỉnh nhưng địa phương vẫn tiếp tục mở đường chứ không dừng lại được”. Ngày hôm đó bà con ở nhà rất ít nhưng cũng tổ chức chống giữ, tay gạch đất đá ném ra, để cản những tay sắt, xà beng ngoài kia ào ào vào. Nhưng rồi những căn nhà vách đất, mái tôn lần lượt nằm xuống đau đớn quằn quại. Sáu mươi chín nhà nằm sấp mặt như sau một trận bão to, chỉ còn lại ba ngôi nhà hai tầng, xây kiên cố đứng lẻ loi cô độc. Ngôi nhà số 5 sau đó mấy ngày nhận liên tiếp công văn chính quyền thị xã giục giã theo thước tấc đo đạc của ban công trình phải phá dỡ 2 mét 5 từ ngoài vào tròng, từ trên xuống dưới.
Ngôi nhà số 5 kháng nghị, đơn gửi đi khắp các cơ quan chức năng trong nước. Chẳng là ngôi nhà từ mấy tấm tôn, bốn bức vách che phên, bốn bàn tay của hai vợ chồng người lao động trong mười ba năm dành dụm để làm nên ngôi nhà đẹp đẽ vững chắc. Đơn xin sửa nhà ngày 21.8.82 khu phố xác nhận ngày 23.8.82, uỷ ban phường xét đề nghị 27.8.82, ban quy hoạch xây dựng thị xã thẩm tra cấp phép ngày 27.8.82, ban quản lý nhà đất và công trình công cộng thị xã xem xét chấp thuận ngày 28.8.82 còn tươi màu mực. Xin được bốn chữ ký, ba con dấu, ngày 29.4.83 uỷ ban thị cấp giấy phép số 146/GPXD/phó chủ tịch Nguyễn Văn Ánh ký kèm theo một hoạ đồ thiết kế công trình do phòng quy hoạch thị cấp được UBND thị duyệt ghi rõ “nhà ở hai tầng, khung bê tông cốt thép, tường gạch, mái ngói” rõ ràng như một chân lý. Vậy mà nay UBND thị xã buộc phải phá giở vì nhà lấn chiếm lòng lề đường, sai qui cách. Trước sự bức bách chủ ngôi nhà số 5 đề nghị chính quyền đo lại để ngôi nhà được quyền sống. Chính quyền thị lại xách thước đo. Trớ trêu thay họ đo cả thảy bốn lần. Lần thứ tư họ buộc ngôi nhà lùi vào 1m5. Đo lần thứ hai họ bảo ngôi nhà lùi vào 1m8. Đo lần thứ ba buộc ngôi nhà lùi sâu 3m3. Đo lần thứ tư họ bảo ngôi nhà lùi đúng 2m5. Ngôi nhà không thể có chân đi, cũng không thể lá mặt lá trái để đổi hướng cho nên họ tự khẳng định cái thước trong tay họ đo bị dùn. Con số 2m5 là cơ thể ngôi nhà số 5 phải chịu mất đi 2m5 máu thịt quý báu của mình.
Trong sáu tháng ngôi nhà số 5 vẫn đứng đó nhưng hai chân người chủ hộ chạy khắp nơi gõ cửa, hai tay gửi đơn, dâng đơn khiếu nại để kêu cứu ngôi nhà. Riêng năm mươi tờ cam kết của chủ hộ ngôi nhà yêu cầu chính quyền thị xã đo lại, nếu ngôi nhà có lấn chiếm dù là một milimét thì vợ chồng ông Nguyễn Văn Đông – Nguyễn Thị Để xin chịu tội tử hình.
Đêm nay, trước mặt chúng tôi hai vợ chồng chủ hộ ngôi nhà số 5 từ thị xã Tuy Hoà vào bằng chiếc xe gắn máy, một trăm mười cây số đường, qua bốn ngọn đèo khúc khuỷu, nhất là ngọn Đèo Cả như một cửa tử trong đêm mưa to gió lớn, trời tối như mực. hai vợ chồng ra đi cũng không ngoài kêu cứu ngôi nhà dắt theo cháu bé trai, còn để lại hai đứa con gái chín tuổi và mười ba tuổi trong nhà, ngoài cánh cửa sắt đóng kín.
Trưa 25.12.88 trước mắt chúng tôi ngôi nhà số 5 đang bị đập phá. Còn một chút chỗ đứng tầng trên, năm sáu người đàn ông lực lưỡng giáng búa tạ đập nốt. Dưới này đường bốn chiếc xe tải nằm giăng kín trước nhà chực chở những sắt thép vừa được lấy ra. Nhiều chùm loa vây quanh ra rả đọc những đoạn trong thông báo số 1917/UB hướng dẫn việc giải toả lòng lề đường do ông phó chủ tịch tỉnh Phạm Hồng Quang ký. Chúng tôi đứng ở đây cái không khí ngột ngạt khó thở của nắng gay gắt, của gió xoáy tròn, của hơi người nồng nặc, của mùi vôi gạch khét chát. Cái ngột ngạt ngay từ đêm 23.12 còi hú, đèn pha quét, tiếng xiềng khua, xe ô tô chạy chật đường đang vây quanh ngôi nhà số 5 làm người ta cứ tưởng ngôi nhà này là một tội phạm. Sáng ngày 23, rồi tối đó, cả ngày cả ngày cả tối họ đập phá tháo dỡ. Căn nhà số 5 không có chủ, chỉ hai đứa bé hốt hoảng lao ra giữ lấy chân thang không cho người ta leo lên lầu trên. Trong kia là góc nhà các cháu treo tranh, chiếc bàn nhỏ ngồi học, chiếc cặp da màu đỏ mẹ cháu mới mua chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ hai. Trong kia chiếc tủ gương có mấy chục chiếc đồng hồ của khách gửi sửa, hai hai chiếc ghế nhỏ của ba má cháu ngồi. Trong kia, phía góc bàn chỗ con mèo tam thể nằm lim dim mắt. Tất cả đều là chủ quyền của ngôi nhà. Vậy mà bây giờ trước mắt các cháu tường đổ, mái sập, khói bay và mấy đống gạch vụn. Cách đây một tuần, vào một buổi chiều các cháu đang ngồi vào bàn học, ba má ở quầy báo chạy về reo to: “Các con ơi, nhà các con sẽ không được đập phá, đoàn thanh tra quốc hội sắp về rồi, cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng, phó chủ tịch quốc hội cùng với đoàn thanh tra về thị xã”. Tờ báo Tiền Phong, đồng chí chủ tịch tỉnh Võ Hoà trả lời phóng viên về đường Ngô Quyền, tờ báo Thanh Niên đăng tin từ đại hội quốc hội cho biết đoàn thanh tra về xem xét đường Ngô Quyền, ba má cầm trong tay mừng mà phát run. Vậy mà nay ngôi nhà của các cháu hoang tàn như sau một cuộc càn lớn. Các cháu đau đớn quá cầm hai tờ báo trong tay, nước mắt chảy vòng quanh, đứng dưới chân thang gọi lớn: “Cô Phượng ơi, đoàn thanh tra ơi, người ta đập phá nhà cháu rồi. Bây giờ chúng cháu ở đâu?”. Bà con suốt hai ngày đêm đứng quanh đây theo dõi chỉ có uất ức, bây giờ nghe các cháu gọi ai cũng khóc, ai cũng đớn đau.
Trong khi đó, ba má các cháu, hai vợ chồng người sửa đồng hồ hiệu Đông Thành vào tận Nha Trang, vào tận cuộc họp của các chánh phó chủ tịch quỳ lạy từ ngoài cửa lạy vào, hai tay dâng tờ kêu cứu ngôi nhà số 5 đang bị đập phá. Hai chân quỳ hai tay dâng đơn, tiếng khóc, tiếng kêu cứu, nước mắt của người chủ nhà số 5 nhỏ giọt trên sàn nhà uỷ ban. Chính ngày hôm đó chúng tôi có mặt, chứng kiến một bi kịch, một nổi thảm khốc của cái năm tháng này thật đau lòng. Ngày hôm đó, gió từ vịnh biển Nha Trang thổi vào lồng lộng xao xát, tiếng sóng như từ biển đập vào bốn bức tường rền rỉ, vang dội. Sáu tháng nay nhà họ bị niêm phong, giấy phép hành nghề bị thu lại, tủ bàn bị dán giấy cấm di chuyển, chủ quyền ngôi nhà bị đe doạ một cách ghê gớm. Họ chạy lên chủ tịch thị kêu oan, chủ tịch thị xã bảo họ về ở với mấy tấm tôn và vuông đất nhỏ đường Duy Tân. Họ chạy vào phó chủ tịch tỉnh ký thông báo giải toả, phó chủ tịch tỉnh ấy bảo họ về bán xe gắn máy làm nhà khác để ở. Nhiều đêm liền họ nằm ngoài cửa ngõ nhà phó chủ tịch ấy để được gặp kêu oan. Và bây giờ họ giập đầu lạy dâng đơn kêu cứu trước một tập thể lãnh đạo tỉnh. Họ kêu cứu để được ở tầng trên, họ kêu cứu cho hai cây trụ trước làm mái cho người đi trên vỉa hè tránh nắng mưa… Đứng trước ngôi nhà chỉ còn là đống gạch vụn làm chúng tôi trực nhớ đến chuyện chúa Trịnh Sâm một chuyến xa giá du hành, thấy một chiếc lều của người đàn bà nghèo chưa kịp phá. Dù ác đến đâu nhưng chúa cũng nghĩ đến chiếc lều ấy phá đi người đàn bà nghèo kia sẽ ở đâu. Thế là ông “chúa ác” ấy lệnh không cho bọn tay chân đập phá chiếc lều rách nát đau khổ kia. Còn ở đây, chúng tôi biết mấy ngày hôm nay ba đứa con nhà số 5 phải ở tá túc mấy nhà lân cận, việc học hành các cháu phải dừng lại, hai vợ chồng người chủ nhà số 5 phải vất vưởng xuôi ngược trên đường. Và chúng tôi biết người vợ vẫn tiếp tục viết đơn, người chồng đi gõ cửa pháp luật để nộp đơn. Tất cả không ngoài kêu cứu chủ quyền một ngôi nhà đang bị xúc phạm. Tiếng kêu cứu vẫn tiếp tục không phải chỉ cho một luật pháp được nghiêm minh mà còn cho một đạo lý được sáng tỏ trên đời này.
Tôi nhớ mãi buổi trưa hôm ấy, ngôi nhà số 5 người ta đang đập, tầng trên đang còn, hai trụ trước đứng nguyên vẹn. Trên trụ sở uỷ ban thị sang trọng có cuộc họp chớp nhoáng giữa đồng chí bí thư tỉnh uỷ với đồng chí phó chủ tịch tỉnh, chánh phó chủ tịch và bí thư thị xã, để bàn một vấn đề dừng lại hay tiếp tục đập phá ngôi nhà số 5. Sau hơn một tiếng đồng hồ, cánh nhà báo chúng tôi không được dự phải đi tha thẩn ngoài sân chờ đợi. Bỗng có nhiều người từ cầu thang chạy ra sân, nét mặt vui sướng hồ hởi, miệng reo hò không ngớt: “Được lệnh đập tiếp rồi chúng mày ơi”. Nghe niềm sung sướng của họ mà thành nỗi đau xót trong chúng tôi. Chúng tôi nghĩ, ngày lúc này cứu lấy pháp luật, cứu lấy đạo lý phải chăng cùng một lúc?
Chiều lại chúng tôi tranh thủ xuống bệnh viện Bắc Phú Khánh thăm Đoàn Thị Thuận. Đoàn Thị Thuận vẫn nằm đó, nằm trong mê man, hai chân, tay trái vẫn liệt và tay phải bắt đầu đơ cứng. Chúng tôi gặp nhiều bà con trong thị xã mang quà đến cho Thuận gọi là quà trước Tết. Chúng tôi xúc động trước tấm lòng tốt của bà con mà nghĩ đến ngôi nhà số 5 vừa bị đập phá trước tết tròn một tháng.
Đứng trong lòng thị xã Tuy Hoà không một chút yên ổn. Trước mắt chúng tôi, một Đoàn Thị Thuận, bảy mươi hai ngôi nhà – trong đó ngôi nhà số 5 vừa “thanh toán” xong làm chúng tôi nghĩ đến một con người, một ngôi nhà mà sao cùng một nỗi đau, cùng một số phận.

Nha Trang, 30-12-1988

NGUYỄN CÔNG THẮNG - SỰ THẬT VỀ VỤ GIẢI TOẢ NHÀ Ở ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN – THỊ XÃ TUY HOÀ

NGUYỄN CÔNG THẮNG
SỰ THẬT VỀ VỤ GIẢI TOẢ NHÀ Ở ĐƯỜNG
NGÔ QUYỀN – THỊ XÃ TUY HOÀ


Cuối tháng 7 – 1988, phóng viên TT Thanh Niên có dịp ta Tuy Hoà, chứng kiến vụ giải toả mấy chục căn nhà dân ở đường Ngô Quyền, về viết một bài diễn tả cái cảnh cửa nhà tan tác : “Trước mặt chúng tôi, một dãy nhà phía tây chợ Tuy Hoà, ngổn ngang những vật liệu xây dựng hư nát bị đập phá, tháo dở … Người khiêng, kẻ dọn, nét mặt đầy âu lo, buồn bã. Tại hiện trường hôm đó, chỉ còn sót lại 3 căn lầu kiên cố, chủ hộ chưa chịu đập dở … Cuộc sống của bà con có nhà giải toả đang ở trong tình trạng hết sức bất ổn.”
Ai ngờ đấy là bài viết khởi đầu cho vụ án khá to chuyện.
Bà con có nhà ở con đường đau khổ này tới tấp gởi đơn thư về toà soạn chúng tôi, kèm theo đủ thứ giấy tờ chứng minh nhà cửa, lều quán của mình xây cất ở đó là tài sản hợp pháp. Có người đến ở đấy từ lâu, có người xây cất nhà có giấy phép của UBND thị xã cấp sau ngày giải phóng hẳn hòi: có người có hộ khẩu, người chưa có…Mỗi người một hoàn cảnh riêng, nhưng cùng chung một mối lo là phải tháo dở nhà theo thông báo giải toả của Ban Công trình công cộng thị xã.
Vụ việc đâm ra rắc rối bởi ngay trong nội bộ tỉnh cũng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí chống đối nhau. Báo chí cũng vậy, không hoàn toàn thống nhất nhận định. Tựu trung có hai loại ý kiến : một loại cho rằng 72 điểm dân cư này lấn chiếm lòng lề đường trái phép nên giải toả đi là “hợp với yêu cầu quản lý đô thị và cũng hợp lòng dân”. UBND thị xã khi tiến hành giải toả là thực hiện NQ của HĐND thị xã và căn cứ vào quy hoạch của chế độ cũ, như vậy là đúng pháp luật và “với thái độ nghiêm chỉnh”. Loại ý kiến thứ hai thì ngược lại, cho rằng UBND thị xã tiến hành giải toả chưa đầy đủ thủ tục luật định vì không có đồ án tổng thể và thiết kế thi công do cấp thẩm quyền duyệt. Quy cho dân lấn chiếm lòng lề đường trái phép là vô lý. Giải toả thì phải đền bồi thoả đáng cho dân, giúp đỡ dân ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi có thông báo giải toả của thị xã thì Uỷ ban Xây dựng cơ bản tỉnh đã có công văn số 85 ngày 11-5-88 gởi UBND tỉnh, nhận định : “Mở các tuyến đường mới hay cũ là việc làm cần thiết, nhưng phương án quy hoạch phải được các ngành tham gia và UBND tỉnh duyệt, trên cơ sở đó mới tiến hành các thủ tục để giải toả … Trên trục đường này, UBND thị xã Tuy Hoà đã cấp nhiều giấy phép cho các hộ nhà dân xây dựng nhà ở (nay) Ban Công trình công cộng ra thông báo dở nhà là không đúng pháp lý. Tại nghị định 47- CP, 201 – CP qui định, giải toả dưới 20 hộ nhà dân là do UBND tỉnh quyết định. Từ những điểm nêu trên, kiến nghị tạm thời đình chỉ việc giải toả để xem xét và có hướng giải quyết xác đáng hơn”. Trên tinh thần đó, ĐC Võ Hoà, chủ tịch UBND tỉnh ra lệnh ngưng giải toả. Nhưng đến ngày 3 – 6 – 88 tỉnh lại “đồng ý để UBND thị xã Tuy Hoà thực hiện phương án quy hoạch” – công văn số 421/UB do Phó chủ tịch Phạm Hồng Quang ký. Bằng vào công văn đó, chính quyền thị xã thúc ép dân tháo dở nhà. Dân chưa thông, người thì gởi đơn thư, người thì trực tiếp chạy lên tỉnh thưa kiện. Do bất đồng quan điểm xử lý, quan hệ giữa UBND tỉnh và UBND thị xã trở nên vô cùng căng thẳng. Thường vụ tỉnh uỷ tỉnh uỷ phải họp và có văn bản kết luận ngày 6 – 12 – 1988, nhưng cũng không giải quyết được mối bất hoà này. Do vậy, việc giải toả nhà dân ở Tuy Hoà thời gian đó chậm lại.
Đùng một cái vụ việc lan ra tới kỳ họp Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố khác quan tâm vụ việc này đã chất vấn đoàn đại biểu tỉnh Phú Khánh. Đồng chí Võ Hoà đã phải tường trình vụ việc. Do vậy, Đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định cử hai kiểm sát viên cao cấp vào Tuy Hoà đẻ thẩm tra tại chỗ.
Kỳ họp Quốc hội chưa bế mạc, hai kiểm sát viên cao cấp chưa kịp vào thì ở nhà Phó chủ tịch Phạm Hồng Quang lại ký một công văn hướng dẫn số 1917 ngày 15 – 12 – 1988 cho phép UBND thị xã Tuy Hoà tháo gỡ “phần lấn chiếm” của ba ngôi nhà kiên cố còn lại trên đường Ngô Quyền (đoạn từ đường Trần Hưng Đạo ngang qua chợ thị xã. Còn đoạn kế tiếp từ đường Lê Lợi đến Nguyễn Huệ, vẫn còn 16 căn hộ phải tháo dở tiếp, chúng tôi sẽ nói đến ở phần dưới), với thời gian thực hiện cố gắng đến 20 – 12, chậm nhất là cuối tháng 12 phải xong.
Thế là cuối cùng, chính quyền thị xã đã bằng biện pháp hành chính cưỡng chế tháo dở nốt những căn nhà kiên cố trên đoạn đường này. Chứng kiến cảnh đó, Trúc Chi viết bài phản ứng đăng lên báo Thanh Niên, Lê Lành viết bài đăng trên báo Tiền Phòng. Cả hai tờ báo và hai tác giả liền bị thị xã gởi kiến nghị đòi truy tố, còn trên hệ thống loa truyền thanh của thị xã thì đọc bản kiến nghị ra rả suốt mấy ngày đêm liền. Cùng cảnh đó, có nhà báo viết rằng nhân dân tự tháo dở phần lấn chiếm, việc giải toả tiến hành tốt đẹp. Cũng y như mấy triệu dân đang bị thiếu ăn, lại có người viết tin lúa được mùa, nhân dân phấn khởi. Làm sao có thể nói dân tự nguyện tự giác trong khi nhận được thông báo giải toả của Ban Công trình công cộng thị xã với lời lẽ đe doạ : “Hết thời hạn trên(tức 20-4-88, có thông báo gia hạn đến 22-5-88) thì Ban CTCC cùng với UBND phường tổ chức tháo dỡ, mọi chi phí tháo dở gia đình phải đài thọ và chủ hộ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Đoạn in nghiêng ở trên do tôi sợ có người cho tôi lý luận hồ đồ vô căn cứ, nên tôi xin trích ngang một phần nhận định trong kết luận của kiểm sát viên cao cấp tại buổi công bố kết quả thẩm tra vụ việc.
Cũng để nói năng, lý luận cho có căn cứ, kẻo người ngoài thị xã Tuy Hoà chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, tôi xin nói về nguồn gốc, lai lịch của con đường Ngô Quyền và mô tả nó theo sơ đồ quy hoạch của chính quyền cũ mà thị xã Tuy Hoà đã căn cứ vào. Sơ đồ này do Thủ tướng nguỵ quyền Saigon Trần Thiện Khiêm phê duyệt ngày 20 – 11 – 1972. Trong sơ đồ quả thật có con đường Ngô Quyền, từ đường Nguyễn Công Trứ lần lượt băng ngang qua các đường Nguyễn Tri Phương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt cuối cùng tiếp với đường Nguyễn Huệ. Đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lê Lợi một mặt tiếp giáp với chợ thị xã Tuy Hoà, có lòng đường ghi trong sơ đồ rộng 30 m, còn ở hai đoạn hai đầu ghi 16 m. Đó là trên bản vẽ quy hoạch, có trong thực tế từ trước đến nay ở hai đoạn hai đầu chỉ đo được 2 đến 3 m, thậm chí có nơi không có con đường rõ rệt như đoạn cuối từ đường Lý Thường Kiệt. Cứu Hoả gần như chỉ có một lối mòn vòng quanh đi tắt ra đường Nguyễn Huệ. Rõ ràng đây là con đường tự phát. Đa số nhân dân những năm chiến tranh bị ly tán, xô tụ về đây sinh sống. Họ làm nhà cửa trên phần đất bỏ hoang, trước thì lều tranh vách đất, sau lên xây đúc kiên cố, đó cũng là lẽ thường tình. Rồi đi lại sinh hoạt lâu dần hình thành một con đường. Tính chất tự phát này rõ rệt ở đoạn cuối tiếp giáp với đường Nguyễn Huệ. Quy kết cho nhân dân lấn chiếm trái phép thì oan cho họ quá. Trước khi họ làm nhà thì con đường đã có đâu mà lần.
Mãi cho đến trưa ngày 30 – 12 – 1988, khi chúng tôi đứng ngay giữa tim đoạn
đường mới giải toả, từ chợ hướng về phía cuối đường, xem thử nếu theo đúng ý đồ giải toả của thị xã con đường sẽ băng qua đâu. Rùng rợn thay, nó đi ngay chính giữa tim ngôi nhà số 47. Và tiếp đó, lúp xúp đằng sau mười mấy căn nhà nối tiếp nhau đến tận đường Nguyễn Huệ chưa kịp tháo dở. Thật ra không phải chỉ tháo dở mà phải đập nát tan toàn bộ 16 căn nhà còn lại. Nhiều nhà có vườn cây trái đã lưu niên, cành lá sum xuê râm mát. Con đường Ngô Quyền mới mở sẽ đâm suốt tim đường khu vườn nhà xanh tươi đó. Có lẽ giải toả, tháo dở đến đây người thi hành phận sự cũng cảm thấy chùn tay, nên dừng lại. Căn nhà 47 nằm cheo leo như một ngọn đèn chực tắt trước gió.
Tôi vào, gặp bác chủ hộ tên Huỳnh Cường, vợ là bà Võ Thị Thoả. Bác từ nông hôn phiêu dạt lên đây trong những năm chiến tranh. Hồi đó, quanh đây là một trũng lầy bỏ hoang, đã có đường sá gì đâu – bác nói – vợ chồng làm ăn dành dụm, bòn tro đãi sạn mới xây được cái nhà này từ năm 1962.
- Nhưng bây giờ thị xã đang giải toả để làm đường đây, bác tính sao? Tôi hỏi
- Vì việc chung, Nhà nước muốn giải toả thì tui cũng sẵn sàng dở nhà đi thôi, Nhưng mà mấy lần làm đơn xin Nhà nước cho tui một cái nhà nhỏ, mái tôn vách ván cũng được, hoặc chỉ cho tui miếng đất để tui dở nhà tới. Chứ chưa có nhà, có đất khác, thì tui dở nhà đi đâu bây giờ!
- Thế nghe nói các bác đều tự nguyện tháo dở cả mà? Tôi hỏi.
- Không tự cũng không được.
Bác cầu mong chúng tôi can thiệp cho gia đình bác có được miếng đất để dở nhà, Đó là ý nguyện sau cùng của bác. Tôi lặng im không dám hứa hẹn gì, bởi vì tôi biết mười mươi hứa chỉ là hứa cuội. Ở đây, chúng tôi là những kẻ “lực bất tòng tâm”. Tôi chỉ thông báo tóm gọn cho gia đình bác biết kết luận của cán bộ Vụ điều tra thẩm cứu thuộc VKSND tối cao về vụ việc này, hy vọng rằng kết luận đó giúp cho bác có thêm nghị lực để đợi chờ pháp luật công minh giải quyết ý nguyện chính đáng của gia đình bác.
Dưới đây, để kết thúc bài viết này, và cũng để trả lời cho câu hỏi sự thật về vụ giải toả nhà ở đường Ngô Quyền, thị xã Tuy Hoà, tôi trích từ cuộn băng ghi âm lời kết luận của đồng chí Hoàng Khấu, kiểm sát viên cao cấp thuộc Vụ điều tra thẩm cứu, Viện KSND tối cao, người đã được đồng chí Viện trưởng cử vào, theo yêu cầu của QH và HĐND, để trực tiếp thẩm tra vụ việc này.
Nguyên văn : “Kết luận thứ nhất. Con đường Ngô Quyền là con đường hình thành tự phát.
Thực tế đường Ngô Quyền trước khi UBND thị xã Tuy Hoà tiến hành giải toả là một con đường mặt đất, lòng rộng 10m. Có đoạn chỉ đo được 9 m. Một đầu giáp với đường Nguyễn Tri Phương rộng 16 m, nhưng thực tế chỉ 2 m, có đoạn đo được 2,5 m). Một đầu giáp với đường Cứu Hoả, cách đường Lý Thường Kiệt 20 – 25 m. Đường chưa có hình dáng rõ rệt. Cách 2 m lề đường là nhà dân, lều quán, tường rào của dân đã được xây cất từ lâu, đa số từ 1962 về trước. Nền nhà, nền đất vườn so với lòng đường cao hơn từ 2 đến 3 tấc. Dọc hai bên lề đường có hàng cây xanh (hiện nay bị chặt và đào sạch gốc), cây lớn đường kính từ 30 đến 35 m. Đoạn từ đường Cứu Hoả trở đi thì chưa có đường. Ở đây là nhà dân, vườn cây của dân có từ trước 1962.
Kết luận thứ hai. Dưới chế độ cũ và từ ngày trước giải phóng đến nay, đường Ngô Quyền chưa được cải tạo và cũng chưa được tu bổ.
Kết luận thứ ba. Các công trình nhà ở, quán bán hàng của dân được xây cất ở lòng đường Ngô Quyền cũng tự phát từ trước ngày giải phóng đến nay.
Cho nên, UBND thị xã Tuy Hoà quy kết cho dân chiếm dụng lòng lề đường trái phép là không đủ cơ sở pháp lý.
Kết luận thứ tư. Muốn giải phóng các công trình nhà ở, quán hàng của nhân dân trên đường Ngô Quyền thì UBND thị xã Tuy Hoà và UBND tỉnh Phú Khánh phải thực hiện đầy đủ những qui định tại các văn bản liên quan của nhà nước gồm : Nghị định 237 ngày 19 – 5 – 85 của HĐBT, Quyết định 201/CP ngày 1 – 7 – 80, và Quyết định 115/CP ngày 25 – 5 – 86 của HĐBT quy định trường hợp đường Ngô Quyền “phải có thiết kế kỹ thuật, thiết kế thì công, dự toán công trình được cấp có thẩm quyền thẩm tra và ra quyết định”, thẩm quyền xét duyệt các công trình thi công phải tháo dở từ 20 hộ dân trở lên thuộc thẩm quyền của chủ tịch HĐBT, từ 20 hộ dân trở xuống thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh xét duyệt”.
Thực tế UBND thị xã Tuy Hoà, có sự chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Khánh đã thực hiện như sau: Cuộc họp HĐBT thị xã Tuy Hoà khoá 5, kỳ họp thứ 4 có nghị quyết thông qua phương hướng, mục tiêu phát triển y tế, xã hội, có mục ghi “giải toả việc lấn chiếm lòng lề đường, để lát vỉa hè các con đường Võ Tánh, Lê Lợi, Ngô Quyền …”. Chúng tôi cho rằng Nghị quyết của HĐBT thị xã nhằm làm cho những con đường ngày càng khang trang tốt đẹp hơn là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng việc tổ chức thực hiện, biện pháp thực hiện của cơ quan chấp hành đó là UBND thị xã lại tiến hành như sau:
Ngày 19 – 4 – 88, UBND thị xã ra thông báo số 43 về việc giải toả lòng lề đường Ngô Quyền, có ghi “để bổ sung thông báo số 92 của của UBND thị xã” về việc này. Như vậy thực chất UBND thị xã đã tiến hành trình tự giải toả đường Ngô Quyền từ trước kỳ họp thứ 4, HĐND thị xã khoá 5.
Thị xã đã viện dẫn thực hiện theo QĐ 15 ngày 21 – 3 – 1984 của UBND tỉnh. Nhưng Quyết định 15 đã bị Quyết định 937 của UBND tỉnh ký sau đó bãi bỏ, không còn giá trị nữa.
Tiến hành giải toả nhà dân, chính quyền thị xã đã căn cứ vào sơ đồ quy hoạch của chính quyền cũ chưa được pháp chế hoá theo luật lệ hiện hành. Cho đến nay cũng chưa tiến hành điều tra, lập danh sách các hộ giải toả. Chưa có quy hoạch tổng thể, đồ án thiết kế thi công được cấp thẩm quyền duyệt quy định tại các văn bản đã nêu dẫn.
Vì vậy, việc tiến hành giải toả các công trình nhà ở, lều quán của dân ở đường Ngô Quyền, về mặt tổ chức và biện pháp thực hiện là hoàn toàn sai pháp luật…”
Kết quả thẩm tra này đã được kiểm sát viên cao cấp, Viện KSND tối cao, công bố rộng rãi trong phiên họp tại UBND tỉnh Phú Yên chiều ngày 27 – 1 – 1989. Trên cơ sở này, đồng chí Viện trưởng Viện KSND tối cao sẽ có một quyết định chính thức. Trong khi chờ đợi, thiết nghĩ kết luận này cũng thừa đủ cho ai đó khỏi mất công viết “Sự thật về một sự thật”.

Tháng 2 – 1989