Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ ĐOÀN THỊ THUẬN VÀ VỤ GIẢI TOẢ NHÀ Ở ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN - THỊ XÃ TUY HOÀ

TIN MỚI NHẤT VỀ VỤ ĐOÀN THỊ THUẬN
VÀ VỤ GIẢI TOẢ NHÀ Ở ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN
- THỊ XÃ TUY HOÀ

Theo tin điện của phóng viên TT Thanh Niên theo dõi kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá VIII đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội, các vụ việc do báo Thanh Niên phản ánh đã được một số đại biểu Quốc hội quan tâm đặt vấn đề và các ngành liên quan có hướng giải quyết tích cực.
Vụ giải toả nhà ở đường Ngô Quyền, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ cử đoàn vào Tuy Hoà xem xét tại chỗ.
Vụ chị Đoàn Thị Thuận, đoàn đại biểu Quốc hội Phú Khánh đã đề nghị giám đốc thẩm lại vụ án. Đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng viện KSND tối cao đã đồng ý với đề nghị này.”
Vẫn chưa hết một ngày bận rộn. Tôi tình cờ biết tin ở thị xã Tuy Hoà đang tiến hành đập phá nốt ba ngôi nhà còn lại ở đường Ngô Quyền. Hôm sau, tôi có trong tay cả quyết định mới nhất của UBND tỉnh do Phó chủ tịch Phạm Hồng Quang ký chưa ráo mực, cho phép thị xã tháo gỡ các căn nhà còn lại trong thời hạn trước ngày 20.12.88. Có nghĩa là trước khi đoàn đại biểu Quốc hội họp xong trở về, có nghĩa là trước khi đoàn đại biểu Quốc hội họp xong trở về. Người ta đang mưu tính đặt anh trước một sự đã rồi. Tôi viết ngay mấy câu phỏng vấn gởi anh Võ Hoà và đề nghị anh trả lời.

Hỏi : Cách đây mấy ngày,nghĩa là trong thời gian các đồng chí đang dự họp Quốc hội ở Hà Nội này thì ở PhúKhanhs có một văn bản của tỉnh cho phép giải toả 3 căn nhà kiên cố còn lại ở đường Ngô Quyền trong vòng 5 ngày. Sự việc đó có đúng không?
ĐC VÕ HOÀ : Để giải quết việc giải toả đường Ngô Quyền, Thường trực tỉnh uỷ đã họp với Thường trực UBND tỉnh, Thường trực Thị uỷ và Thường trực UBND thị xã Tuy Hoà, có các cơ quan chức năng của tỉnh tham dự. Tôi tóm tắt ý chính của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kết luận cuộc họp này:
- Chủ trương giải toả lòng lề đường, xây dựng vỉa hè đường phố khang trang đẹp đẽ là cần thiết, Tỉnh uỷ ủng hộ chủ trương này và đã tạo điều kiện để thị xã thực hiện một số con đường, nhưng không có vấn đề đụng chạm đến chỗ ở của dân.
- Về phương pháp tiến hành của UBND thị xã khi giải toả đường Ngô Quyền làm chưa đúng, chưa chặt, nên số nhân dân bị đụng chạm không đồng tình, đi về tỉnh, gặp báo chí.
- Khi nhân dân khiếu nại, công luận báo chí đưa tin, Thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh điện cho tạm ngưng giải toả và cử đoàn thanh tra giúp UBND tỉnh xem xét và kết luận để có chủ trương giải quyết sát, đúng. Đó là chủ trương đúng đắn và cần thiết.
- UBND thị xã đã không chuẩn bị làm việc, lại có thái độ phản ứng thiếu hợp tác với đoàn thanh tra và có lời lẽ xúc phạm đến thành viên của đoàn.
- Để giải quyết tồn tại trong việc giải toả đường Ngô Quyền phải dựa vào nhân dân tại chỗ, chuẩn bị chu đáo, khắc phục tồn tại, phải bảo đảm kỷ cương trật tự quản lý đường phố, giải quyết chỗ ăn ở các hộ dân còn lại trong khu vực giải toả có lý có tình; đồng chí Bí thư còn nhắc thị xã không được đem búa đập nhà dân, khi chưa bàn thoả đáng với dân, cần giúp cho các hộ ấy còn sử dụng được cái nhà đó mà không phải phá dỡ nhiều.
- Thường trực tỉnh uỷ còn giao nhiệm vụ cho các đồng chí Nguyễn Văn Trúc bí thư thị uỷ lãnh đạo thực hiện các kết luận của Thường vụ Tỉnh uỷ trong việc giải toả lòng lề đường nói chung và nói riêng việc giải toả lòng lề đường Ngô Quyền.
Còn ở nhà tỉnh có ra văn bản nào khác như các đồng chí hỏi thì tôi chưa rõ. Vì sau cuộc họp thường vụ, tôi đi họp ở đây.

Tiếc rằng bài phòng vấn này tôi gởi về toà soạn chậm nên không được đăng. Đến nay tôi còn lưu trong chồng bản thảo như một kỷ niệm.
Tôi báo cái tin nóng bỏng này cho chị Ngọc Phượng biết. Chính chị cũng ngờ vực, khó tin đó là sự thật. Mấy ngày sau, theo yêu cầu của chị Phượng, tôi làm liên lạc mô giới một cuộc làm việc giữa anh Trần Quyết, Võ Hoà và chị Ngọc Phượng trong giờ giải lao tại hội trường Ba Đình. Đây là dịp cho anh Võ Hoà trình bày kỹ hơn hai vụ Tuy Hoà với ngành chức năng ở trung ương. Tôi cho đó là một cơ hội tốt nên hết sức sốt sắng trong nhiệm vụ liên lạc viên của mình.
Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết rõ nội dung buổi làm việc ngắn ngủi đó như thế nào, nhưng sau đó thì chị Phượng bảo tôi gọi điện về để toà soạn cử người ra Tuy Hoà gấp. Anh Trần Quyết đã cho hai kiểm sát viên cao cấp đi Tuy Hoà rồi. Tôi hết sức mừng rỡ. Thế là vụ điều tra thẩm cứu của Viện kiểm sát tối cao đã ra tay.
10 giờ tối tôi đi gọi điện. Định gọi về nhà riêng anh Nguyễn Công Khế, thủ thưởng trực tiếp của tôi. Đến khi nhấc điện thoại lên tôi mới chợt hay mình không hề nhớ số điện thoại nhà riêng thủ trưởng bao giờ. Tôi thầm trách cái tính đểnh đoảng của mình. Thế là tôi phải xin tổng đài ghim số của toà soạn, đánh thức người trực dậy, nhờ lật sổ niên giám đọc giúp số điện anh Khế. Cuối cùng tôi đã gặp được anh. Thông báo mọi tin tức cho anh biết, kể cả tin tức về kỳ họp Quốc hội. Khi tôi đề nghị anh cho phóng viên ra Tuy Hoà, tôi lý giải thêm là điều đó rất cần thiết. Có phóng viên ra, thị xã sẽ khó bưng bít , làm nhiễu thông tin hoặc gây trở ngại cho đoàn điều tra. Họ đã từng làm như thế với đoàn thanh tra của tỉnh rồi.
Đại thể là anh Nguyễn Công Khế đã đồng ý đề xuất của tôi và đã của người ra Nha Trang, Tuy Hoà ngay. Đáng tiếc là có trở ngại kinh phí, hai kiểm sát viên cao cấp không vào kịp theo dự tính. Phóng viên chúng tôi ra Tuy Hoà hôm đó chỉ để mà chứng kiến cảnh đập phá ngôi nhà số 5. Nhìn thấy mà đành bó tay, quay về viết bài “Công lý và pháp luật ở đâu”. Đó là một trong những bài báo về sau bị thị xã Tuy Hoà đòi truy tố tác giả ra toà. Hôm sau, Quốc hội họp phiên cuối cùng, biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp. Bài tường thuật tôi đã viết xong và gởi về. Chỉ còn tin bế mạc, sáng mai ngồi trên máy bay tôi sẽ viết. Hôm ấy, tôi đến hội trường Ba Đình trong tâm trạng khá vui vẻ. Dù sao tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vụ án chị Đoàn Thị Thuận nhưng vậy là sẽ được xử lại ở cấp cao hơn, bản án sẽ xử đúng người, đúng tội. Vụ giải toả nhà ở đường Ngô Quyền, lúc bấy giờ tôi cứ nghĩ là kiểm soát viên cao cấp đang trên đường vào Tuy Hoà, các đồng chí ấy sẽ thừa năng lực và thẩm quyền để ngăn chặn những hành động thô bạo, vi phạm pháp luật, sẽ có cách xử lý thoả đáng cho người dân thấp cổ bé miệng. Tôi hoàn toàn yên tâm.

Trong giờ giải lao, tôi chiêu đãi các bạn đồng nghiệp một chầu bia hơi. Chúng tôi quây quần quanh chiếc bàn kê dưới bóng mát cây nhãn kế bên quầy bia và nước giải khát phục vụ ngoài hội trường. Tôi nói với các bạn thắng lợi bước đầu của mình. Hình như chẳng ai mặn mòi lắm. Câu chuyện lại tiếp tục xoay quanh những vấn đề sôi bỏng khác-vấn đề các chỉ tiêu kế hoạch, thuế, lương thực, học phí, viện phí… Quốc hội sẽ biểu quyết như thế nào vào ngày họp cuối cùng này. Câu chuyện của tôi như một giọt nước rơi vào một biển nước bao la.
Một lần nữa, tôi thầm biết ơn chị Ngọc Phượng. Không có lòng tốt của chị, có trời mới biết tôi phải ứng phó ra sao trong hoàn cảnh như thế này. Cũng như tôi lúc đầu, không phải bàng quan trước nỗi đau của một con người cụ thể, nhưng tâm trí mọi người ở đây đang bị cuốn hút vào những vấn đề quá lớn lao và bức bách chung. Đó là điều không thể trách được và cũng chính là khó khăn mà tôi vừa mới vượt qua.
Quốc hội họp phiên bế mạc đến 8 giờ tối. Sáng hôm sau 24.12.88 tôi về lại TPHCM trên chuyến bay sớm nhất vào lúc 6 giờ.
Những gì mà chị Ngọc Phượng và những người ủng hộ đã giúp chúng tôi đạt được tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi đã thực sự thúc đẩy vụ án Đoàn Thị Thuận và vụ giải toả 72 căn nhà ở đường Ngô Quyền đi đến khả năng kết thúc nhanh và sáng tỏ. Từ đó mà có cuộc thẩm tra chính thức của hai kiểm sát viên cao cấp Hoàng Khấu và Khuất Văn Hiến mà kết luận đã được công bố chính thức tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Phú Khánh tổ chức ngày 27.1.1989. Theo đó, vụ giải toả nhà ở đường Ngô Quyền đã tiến hành sai pháp luật. Vụ án Đoàn Thị Thuận, dưới cặp mắt kinh nghiệm của các kiểm sát viên cao cấp, nhiều tình tiết mới lạ, dã man của vụ án mà trước đây chưa ai biết đã bị lôi ra ánh sáng. Anh Khuất Văn Hiến cho tôi biết anh sẽ đề nghị huỷ bản án đã xử hay ít ra là giám đốc thẩm vụ án.
Hôm ra Nha Trang dự họp báo, theo gợi ý của hai đồng chí kiểm sát viên cao cấp, tôi đã ra Tuy Hoà thăm chị Đoàn Thị Thuận và đề nghị ban giám đốc bệnh viện bắc Phú Khánh chuyển chị Thuận lên tuyến trên điều trị. Đó là công việc cuối cùng mà chúng tôi đã làm theo lương tâm và trách nhiệm của một nhà báo.

Tháng 01.1989

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét