Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

TRÚC CHI - ĐOÀN THỊ THUẬN : NỖI ĐAU VẪN CÒN ĐÓ

TRÚC CHI
ĐOÀN THỊ THUẬN : NỖI ĐAU VẪN CÒN ĐÓ

1. Các đồng chí đừng tin những gì họ nói về “sự thật”
Lần này ra Phú Khánh để làm việc thêm về vụ việc Đoàn Thị Thuận còn có phóng viên các báo TT Thanh Niên, Tiền Phong. Trong hai ngày làm việc ở uỷ ban tỉnh chúng tôi được biết thông báo về chế độ nuôi, bồi thường vè việc thi hành án của uỷ ban tỉnh, đoàn đại biểu quốc hội đang được thực hiện. Một vấn đề đặt ra, sau bài “Hãy cứu lấy Đoàn Thị Thuận” nay càng cho bạn đọc cả nước rõ thêm. Nhất là khoá họp quốc hội sắp tới, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng phó chủ tịch quốc hội hứa sẽ đưa vấn đề Đoàn Thị Thuận ra để xem xét.
Hôm đó, 7 giờ sáng ngày 4.11.88, chúng tôi xuất phát từ thành phố Nha Trang ra thị xã Tuy Hoà. Trong đoàn có đồng chí Nguyễn Công Phức cán bộ chuyên viên nội chính uỷ ban tỉnh, đồng chí Ngô Văn Kiếm thư ký đoàn đại biểu quốc hội tỉnh và một phóng viên báo Phú Khánh. Gió nhẹ, nắng sáng, biển vỗ dưới chân đường nhựa. Xe phóng nhanh không thật êm lắm. Qua khỏi Đèo Cả, ngọn núi Nhạn Tháp cái chớn mờ ảo đang hiện ra phía trước. Gió sóng sông Đà Rằng lồng lộng thổi lạnh tận mặt tê nhột.
Xe vừa dừng trước cửa trụ sở uỷ ban thị xã, nhiều bà con đã chờ ở đó ùa đến hỏi chúng tôi có phải đoàn nhà báo Thanh niên, Tiền phong hay đoàn đại biểu quốc hội, đoàn uỷ ban tỉnh về việc Đoàn Thị Thuận. Một bà con bước đến tận xe cho biết, ở ngoài này (Tuy Hoà) sau bài kêu cứu Đoàn Thị Thuận thì có nhiều nguồn tin phao rằng báo Thanh niên, Tiền phong viết không đúng sự thật. “Sự thật” là Thuận có bị đánh nhưng không bị liệt, vì trúng gió mà bị liệt. Ngay từ đầu Thuận được xã và thị xã chăm sóc chu đáo cho đến nay Thuận vẫn béo tốt, hồng hào. Sau ngày xử, những tội phạm thi hành án nghiêm chỉnh không có gì sai sót. Khi xe sắp lăn bánh nhiều bà con níu vào thành xe nói thật to như để căn dặn:
- Các đồng chí đừng tin những gì họ nói về sự thật.
Thật tình nãy giờ ngồi trong xe chúng tôi thật đau đớn về cái “sự thật” của họ. Cái sự thật nào bằng một chứng nhân đang nằm trên giường bệnh gần ba năm đau đớn và bất hạnh kia. Chẳng lẽ một tội ác sờ sờ ra đó, đã thành án ra đó, nỗi đau và tiếng kêu cứu của bà con cả nước hơn mấy tháng nay chẳng lẽ trở thành một “huyền thoại sự thật” mà nay họ cố để bao che, tiếp tục cái ngôn từ duy nhất của họ không ngoài “sự thật” – Và một ngôn luận chính thức ở đây cũng thành cái mỹ từ hàm chứa sự thật mà giả của tên gọi “sự thật về một sự thật”. Đoàn Thị Thuận là sự thật, là chân lý không thể nào chối cãi và lật ngược được. Những điều bà con thị xã vừa căn dặn chúng tôi, đấy là một sự thật hùng hồn.
2. Cho cháu một chiếc xe lăn, có được không chú?
Chúng tôi đi thẳng xuống bệnh viện Bắc Phú Khánh. Trên đường Trần Hưng Đạo gặp nhiều bà con đi hai bên đường nhìn xe nói với nhau : “đại biểu các tỉnh đến thăm Đoàn Thị Thuận đấy”. Qua khỏi sân cát cũng vào lúc cái nắng sắp trưa vào gay gắt. Chúng tôi vào phòng thấy Thuận nằm nghiêng khóc rưng rức. Đứng bên giường, một chị cán bộ phụ nữ trong đoàn đại biểu xã Hoà Quang tay cầm mấy tờ giấy bạc trông có vẻ lúng túng. Chúng tôi cũng nhìn thấy trong đoàn có phóng viên báo Phú Khánh, anh Phan Thanh. Chúng tôi hỏi mới biết Thuận không chịu nhận tiền của đoàn đại biểu xã Hoà Quang. Từ sáng đến giờ đoàn đại biểu năn nỉ nỉ mấy Thuận cứ lắc đầu và chỉ khóc. Một người nào đó đứng ngoài cửa nói vào “gần ba năm nay xã có đến với Thuận đâu, bây giờ bảo cô ấy nhận”. Và cũng chính đồng chí Thọ, phó chủ tịch xã Hoà Quang, chiều hôm đó nói với chúng tôi tại trụ sở uỷ ban xã, cách đây ba năm chúng tôi có đến cho quà, nhưng Thuận không lấy, từ đó chúng tôi ngại không xuống thăm cô ấy nữa. Bà cụ Hậu ở xã biết được chuyện này đã nói với nhiều người : “Con Thuận không lấy là phải, vì lấy quà của người đánh mình ăn sao vô”. Gần ba năm nay Thuận chỉ với chiếc giường sắt, mặc bộ quần áo mà bộ đội, ngày ăn hai bữa cháo, thỉnh thoảng gia đình xuống thăm, nhà nghèo không tiền, không gạo, xuống nhiều thêm tủi, thương con để bụng biết làm sao?
Thấy chị đại biểu tay cầm tiền vẫn đứng đó, bà con có lòng thương cũng thấy ái ngại. Hôm đó chúng tôi khuyên Thuận, bà con có lòng thương thì nhận. Thuận nghe ra và cũng chỉ nói mấy tiếng : “cháu xin cảm ơn”. Chúng tôi cầm mấy tờ bạc từ trong tay chị cán bộ xã Cuốcúi xuống hỏi Thuận có nhớ tôi là ai không. Thuận nhìn tôi hai mắt bỗng đờ đẫn dài dại rồi lắc đầu, miệng lập bập : “Cháu không nhớ”. Cách đây bốn tháng (8.8.1988) tôi ngồi bên giường bệnh này và hỏi chuyện Thuận, từng chặp. Thuận quên, Thuận ngất – Và ngay ở đây tôi kê bằng đầu gối viết bài “Hãy cứu lấy Đoàn Thị Thuận”. bây giờ Thuận vẫn thiếu trí nhớ và bàn tay phải có triệu chứng như bàn tay trái kia. Cũng hôm đó thấy cần có một tấm hình về Thuận, tôi liền bương bả chạy lên người bạn làm thơ, hiện là chánh văn phòng uỷ ban để nhờ cho người chụp. Nhưng rồi người ấy từ chối không một lời đáp lại. Bây giờ trông sức khoẻ của Thuận có nặng nề day trở thật khó khăn. Nhưng mỉa mai thay có nguồn tin tung ra về sức khoẻ Thuận : “tinh thần tiếp xúc minh mẫn, không có biểu hiện rối loạn chức phận về tâm thần, chưa có hiện tượng teo cơ và phù, phát triển như vậy là cân đối và bình thường …”. Tôi được báo Tiền phong vừa cho đăng văn bản giám định thể trạng Đoàn Thị Thuận sau khi bị công an xã Hoà Quang đánh thành thương tật của trung tâm chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh là “cơ thể bại liệt lâu dài”. Từ chỗ liệt hai chân, đến tay trái nay bắt đầu có triệu chứng các ngón ta phải. Đây không phải là điều chứng minh sự thật của thể trạng nạn nhân hay sao?
Một chút yên lặng, bỗng Thuận hốt hoảng nhìn chúng tôi hỏi”
- Chú ơi, cháu sắp phải chuyển đi xa để nằm hay chữa trị, có phải không chú? - Chúng tôi thoáng nghĩ, lại một tin gì của “họ” đến với Thuận. Chúng tôi định nói một vài điều để Thuận an tâm thì giọng Thuận như kêu lên, nước mắt ràn rụa:
- Các chú ơi, cháu chỉ mong nhà nước, làm cho cháu một chiếc xe lăn để cháu đến với con, đến với bà con. Cháu thèm đi lắm.
- Lúc này nhiều người ngồi trong phòng nghe Thuận nói đều khóc. Bà con khóc vì nạn nhân yêu cầu cho mình sao mà ít ỏi, nhỏ nhoi, sao mà tội nghiệp, trong khi đó công lý và pháp luật thì chưa đền bù xứng đáng về quyền sống của một con người cho Thuận. Chẳng lẽ ba năm nay nỗi khắc khoải chờ mong của Thuận đã hết hy vọng, đã mất niềm tin rồi sao? Ai làm mất niềm tin ấy đối với Thuận?
Ngày hôm sau chúng tôi trở lại với Thuận thì thấy trên giường nằm nhiều lá thư để mở cửa bà con các nơi Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Nghệ An, Đồng Tháp, Minh Hải, Đà Nẵng, An Giang, Tuy Hoà, Nha Trang, mười quận thành phố Hồ Chí Minh… Chúng tôi thấy gương, mặt rạng rỡ và nụ cười trên môi tái nhợt của Thuận làm chúng tôi cũng vui lây.
Cách đây bốn tháng, chúng tôi gặp chỉ thấy Thuận khóc, tuyệt vọng. Bây giờ Thuận vui, hy vọng trong niềm an ủi, động viên của bà con gần xa. Một lần nữa, mỉa mai thay, có người lại đưa tin “Chị Thuận nhận được những thông tin gây xúc động mạnh mẽ về mặt tâm lý, không có lợi cho quá trình điều trị”. Chẳng lẽ đấy là sự thật hay là sự xúc phạm đến những tấm lòng từ thiện của bà con? Cũng ngày hôm đó nhiều bà con trong thị xã Tuy Hoà đến thăm ngồi trong phòng bệnh của Thuận, người cho mấy trái cam, mấy hột gà, mấy trái chuối vừa chín. Bà con vừa nói chuyện vừa bóc vỏ trái cây cho Thuận ăn. Thuận vừa ăn chậm rãi vừa nghe chuyện xa gần của bà con.
3. Trụ sở uỷ ban xã hình lưỡng long
Đúng 1…(bản gốc bị mất chữ số này) giờ 30 xe chạy từ đầu cầu song Đà Rằng ra ngã ba quốc lộ 1 rẽ lên xã Hoà Quang. Com đường lỗi lõm nhiều ổ gà, một vài chiếc xe ngựa lóc cóc chạy, thỉnh thoảng chồm lên làm khua dòn dả tiếng lục lạc. Cách trụ sở xã đột ngột xối xả cơn bão số 10 ập xuống. Xe vào sát hiên đã thấy nhiều người trong uỷ ban đứng chờ chúng tôi. Chúng tôi được đưa vào phòng khách cuối dãy căn nhà trụ sở, bàn gỗ, ghế xa long nệm khá khang trang. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên chủ tịch xã , đồng chí Thọ phó chủ tịch xã ngồi tiếp chuyện với chúng tôi. Đồng chí Nguyễn Công Phức nói rõ chúng tôi cần tìm hiểu thêm vụ Đoàn Thị Thuận cách đây ba năm và hiện nay uỷ ban thực hiện thi hành án ra sao. Đồng chí Nguyên nhìn chúng tôi một lượt, bộ ria trên môi dày đen nhánh của anh động đậy. Cuốn sổ trong tay anh mở sẵn ra, việc gì cần trả lời anh đều có ghi trong ấy. Anh trình bày một lượt, có quên điều gì quay lại hỏi để đồng chí Thọ trả lời bổ sung.
Hồi xảy ra vụ Thuận, Nguyên là phó chủ tịch phụ trách kinh tài, Thọ phụ trách phân phối lưu thông chi nên khi hỏi việc ai ra lệnh bắt Thuận, việc ba tên công an tra tấn đánh đập, và việc đưa Thuận đi bệnh viện để cấp cứu hai anh đều trả lời là mình không rõ lắm. Việc chị Nguyễn Thị Trang giữ tủ thuốc thú y, khi kiểm kê thấy 150 ống thuốc chích heo, hỏi Trang, Trang đổ là Đoàn Thị Thuận lấy. Thời gian mất thuốc thì Thuận trong diện giảm biên chế, uỷ ban cho về được mấy tháng. Mặc dù lúc còn làm, Thuận giữ tủ thuốc dân y, vậy mà ở đây vẫn nghi là Thuận ăn cắp. Công an khám nhà Thuận thấy còn 50 ống thuốc. Hỏi Thuận, Thuận nói của chị Trang đưa bán, lời chia đôi. Đến khi công an bắt lên trụ sở tra hỏi Thuận vẫn một mực nói của chị Trang đưa bán, lời chia đôi.
Ngồi ở phòng đang làm việc, chúng tôi nhìn lên phòng đối diện thấy ngoài cửa treo tấm bảng “phòng công an”. Đây là nơi mà ba tên công an suốt một buổi chiều, buổi tối giam cầm, tra tấn, đánh đập Đoàn Thị Thuận. Theo lời khai của nhiều người trong phiên toà xử, Thuận bị trói ngoặt hai tay ra sau lưng xách ngược lên ót, theo kiểu trói cánh én. Từng chặp đều đặn dây rút kéo Thuận lên sà nhà, rồi hạ xuống. Đứng ở dưới ba tên Lực, Bắc, Phong dùng thước bảng to, gỗ bự đánh mạnh vào chân, vào bụng, hai mạn sườn nạn nhân. Đánh mỏi, ba tên công an bắt hai chân Thuận gác lên song ngang cửa sổ, người nạn nhân vòng cong như chiếc võng. Đứng dưới này Lực, Bắc, Phong chân đang mang giày, dép đá xáng vào bụng, vào eo lưng Thuận. Mỗi lần đánh đá tên Lực trưởng công an hỏi:
- Mày phải nhận là ăn cắp thuốc thì khỏi chết. Có nhận không?
Mặc dù rất đau, rên rất dữ nhưng Thuận cũng ráng nói:
- Tôi không ăn cắp, thuốc của vợ anh lấy đưa cho tôi.
Trước sau Thuận vẫn không nhận, ba tên lại đánh đá, kéo ngược lên thả xuống. Đánh mỏi, ba tên công an để nạn nhân đó, khép cửa lại, chạy ra sân chơi, xem bong chuyền. Hết chơi, xem lại đánh tiếp, đá tiếp cho đến khi nạn nhân ngất xỉu.
Chúng tôi nhìn ra sân, sân đang mưa lớn, cỏ lên xanh ngắt, hai cây cột gỗ để treo lưới chơi bóng chuyền bên cây cột cờ vẫn còn đó. Cây gấm phía ngoài cửa sổ rung một đợt gió lạnh. Chúng tôi quay lại hỏi hai anh :
- Trong khi ba tên Lực, Bắc, Phong ra sức tra tấn Thuận thì các anh, và uỷ ban đang làm gì?
- Đang họp để ngày mai xã đón huân chương anh hùng.
- Các anh họp ở đâu?
- Họp ở ngay phòng này, phòng mà chúng ta đang ngồi đây.
- Phòng bên kia Thuận đang bị tra, đánh, la hét các anh bên này họp có nghe gì không?
Dừng lại một chút, chúng tôi nghĩ bụng, à thì ra, lúc các anh chuẩn bị đón niềm vui, niềm vinh dự thì bên kia phòng người ta đang làm một việc rất nhục hình chẳng lẽ đó cũng là niềm vui, niềm vinh dự sao? Rồi chúng tôi lấy mắt đo hai phòng cách nhau không quá mười lăm thước. Hai phòng được thiết kế nhô ra tạo dáng lưỡng long cân đối khá đẹp, nghĩa là như hai chiếc đầu rồng vươn ra phía trước, ngoài kia một cánh đồng mênh mông dưới chân dãy núi Miếu nhấp nhô lượn song. Khoảng cách hai phòng không xa nhưng sao nhiều người họp bên này lại không nghe gì tiếng kêu la của một nạn nhân phòng bên kia? Nhưng điều các anh vẫn công nhận Đoàn Thị Thuận đang bại liệt hơn nữa cơ thể là do bị đánh đập, tra tấn gây ra. Đây là thứ tội ác không có tính người, cái thứ tội ác khát máu và cuồng dại mà ba tên công an phải chịu tội. Hôm phiên toàn xử sơ thẩm và phúc thẩm tội ác được nêu ra lòng người căm giận, trời đất oán hờn, cỏ cây uất nghẹn. Hôm ấy tiếng người kêu, người thét đòi ba tội nhân phải đền tội đích đáng. Tiếng kêu la ấy mà ai đó nếu nhẹ tay, lõng tay là không công bằng, là thiếu công lý, là có tội với loài người. Hay một lời bào chữa, một lời bênh vực cho ba tội phạm kia là sự vi phạm điều thiện, là xúc phạm đến lương tri con người.
Cho nên sau mấy tháng xử ba tên tội phạm mới bắt vào tù thì đã hàng trăm người lên tiếng phê phán pháp luật không nghiêm minh. Hay khoản bồi thường của ba tên tội phạm xử lần sơ thẩm trị giá 2 tấn gạo. Đến khi ba tên tội phạm bồi thường cho gia đình nạn nhân 43.000 đồng thì sự phản ứng của bà con dữ dội – nghĩa là bà con không chấp nhận cái thứ bồi thường theo kiểu bố thí đó. Anh Đoàn Cư thay mặt gia đình không nhận số tiền bồi thường theo kiểu bố thí đó là theo nguyện vọng của bà con “đừng có chấp nhận”. Đấy là chưa nói đến việc ba tên tội phạm đang ở tù tự nhiên lại được về nhà. Ngay bà con trong xóm, ngoài xóm biết được không chậm giây phút liền đi gõ cửa pháp luật. Vậy mà ba tên tội phạm vẫn thỉnh thoảng được về nhà, riêng tên Nguyễn Trọng Lực được về nhà vợ Lực đẻ đến tháng thứ hai. Phải chăng đó là “tranh thủ” như một “sự thật” của một nguồn tin đã đưa để định bào chữa “do lao động ở ngoài thỉnh thoảng họ có tranh thủ ghé về thăm nhà”. Một số bà con địa phương không hài lòng và cho rằng trại giam quản lý phạm nhân còn lỏng lẻo.
Hay là khi đặt vấn đề bồi thường cho gia đình nạn nhân, khi chúng tôi vào thăm Đoàn Thị Thuận ở bệnh viện Bắc Phú Khánh hồi tháng 8.1988 đồng chí nữ bác sĩ Xuân Lan người tiếp nhận bệnh nhân đưa từ thành phố Hồ Chí Minh ra vào đêm 26 tết năm 1986 có nói “gần ba năm nay bệnh viện nuôi Thuận bằng tiền của bệnh viện và tấm lòng thương yêu nạn nhân của hộ lý, y tá …ở đây. Nhiều lần bác sĩ Xuân Lan làm tường trình lên ban giám đốc Sở Thương binh Xã hội để có khoản kinh phí nào đó nuôi nạn nhân Đoàn Thị Thuận. Và cũng chính hôm đó đồng chí Minh giám đốc bệnh viện nói: “Lẽ ra trong gần ba năm bệnh viện chúng tôi chăm sóc thuốc thang và điều trị cho nạn nhân bằng tiền bồi thường của tội phạm. Trong khi đó gia đình của tội phạm xin đủ mọi cớ không chịu nộp đủ tiền bồi thường theo án xử cho nạn nhân”.
Hôm về thôn Hạnh Lâm để thăm nhà Thuận, ông cụ Văn người chăn vịt hợp tác xã nói với chúng tôi : “Bà con chúng tôi đã nhiều lần lên uỷ ban xin bắt nhà tên Lực, Bắc, Phong phải chạy đủ dù là bán nhà, bán đất để nộp bồi thường cho cô Thuận. Nghe gia đình họ nói, họ kêu vì nghèo không đủ để nộp, bà con chúng tôi tức lắm. Nghèo sao lại đánh người, hại người, nghe họ rên rỉ cho gia đình mình có công với cách mạng, bà con chúng tôi không chịu được. Chẳng lẽ vì gia đình có công với cách mạng nên không tôn trọng pháp luật sao? Nếu cùng lắm nhà không có gì bồi thường thì toà án xử lại, tăng án thêm cho phạm nhân chớ”.
Quan điểm của nhân dân thật rõ ràng, thật dứt khoát, không lập lờ, không biện hộ, cũng không thương giả, giận giả. Vậy mà một nguồn tin trên một tờ báo lại đứng ra gần như thanh minh cho những tên tội phạm kia ấy là lao động chính của gia đình. Từ ngày “lao động chính” ấy đi tù gia đình rất khó khăn, nheo nhóc. Rồi họ viện ra nào uỷ ban xã phải cứu trợ, toà án tỉnh phải xác minh, toà án nhân dân tối cao phải xin ý kiến, thường trực tỉnh uỷ phải đứng ra giải quyết, ông bí thư tỉnh uỷ về thăm xã …Hình như họ đưa ông này bà nọ, đủ cơ quan các cấp để gia đình phạm nhân có cớ không bồi thường. Còn tệ hơn các nguồn tin kia bằng lối mô tả cảnh nghèo túng thiếu của từng gia đình bị cáo, vợ mỗi bị cáo xanh xao, rách rưới, con mỗi bị cáo không còn cái tuổi hồn nhiên lẽ ra các cháu được hưởng sự hồn nhiên trong trẻo của lứa tuổi. Hình như họ đưa ra bằng thứ văn chương lâm ly sướt mướt để đánh vào tình thương, đánh vào sự mủi lòng nhẹ dạ ở bạn đọc để cả ở pháp luật để rồi đi đến vấn đề mà có dịp thuận lợi để nêu : “nếu thực hiện cưỡng chế thi hành bản án (tức bồi thường) thì chỉ còn biện pháp niêm phong nhà và phát mãi nhưng chưa hẳn đã đủ số tiền thi hành án”. Điều mà người đọc muốn hỏi hai phóng viên, đưa việc ấy ra, khẳng định vấn đề mình đã nói nhằm để làm gì, đứng về phía nào để nhìn nhận vấn đề - và chẳng lẽ đấy là sự thật?
Tất cả những vấn đề nói trên chúng tôi đều muốn hỏi, muốn biết thái độ đối xử, thực hiện của uỷ ban xã Hoà Quang như thế nào. Lúc ấy anh Nguyên, anh Thọ tỏ ra hết sức thành thật, mặc dù hồi đó các anh là phó chủ tịch không có trách nhiệm với vấn đề này, vậy mà cho đến bây giờ sau vụ Đoàn Thị Thuận các anh cũng cảm thấy lo sợ quá. Hai anh nói cách đây không lâu thường vụ và uỷ ban xã có ra một nghị quyết là từ đây chúng ta không được đụng đến nhân dân. Chúng tôi hỏi lại đụng là như thế nào, có phải là không đánh bà con nữa phải không. Các anh không trả lời, chỉ nhìn chúng tôi im lặng. Chúng tôi cũng hiểu ngầm, từ vụ chị Thuận trở về trước các anh ở đây cũng thường “đụng” với bà con là chắc.
Trực nhớ sang một việc khác, chúng tôi hỏi :
- Ai là chủ tịch xã hồi ấy?
- Anh Phạm Văn Ánh
- Anh Ánh hiện nay còn công tác xã không?
- Anh Ánh là phó bí thư thường trực.
Chúng tôi thoáng nghĩ, sau vụ chị Đoàn Thị Thuận chủ tịch được lên chức. Trong khi chờ Phạm Văn Ánh đến chúng tôi tranh thủ vào thăm nhà ông bà Đoàn Liễu, cha mẹ của Đoàn Thị Thuận.

4. Con tôi bị họ đánh ra nông nỗi này có phải chỉ vì cha nó tham gia cách mạng.
Xe chúng tôi trở ra chạy một đoạn đường dọc chân núi Miếu, rồi rẽ tay mặt bánh xe lăn thật chậm trên những con đường bùn, cỏ ướt át giữa cánh đồng đang mưa. Nhà ông Đoàn Liễu nằm ngoài bìa xóm cạnh con mương lớn nước ngập đục ngầu. Chúng tôi đi vào, cả nhà đang vun lúa ở chái hiên. Ông bà Liễu biết chúng tôi ở tỉnh về vừa khóc vừa nghẹn ngào. Cũng vẫn giọt nước mắt ấy, cách đây ba năm trong phiên toà xử sơ thẩm ông bà Liễu quì lạy người xử, rồi giập đầu lạy bốn bên bà con dự phiên toà xử để kêu cứu con gái mình. Người đông nghịt, tràn ngập trong ngoài hội trường phường 4 cuồn cuộn, nhốn nháo như sôi. Phóng viên báo chen lấn đi vào phải giơ thẻ nhà báo lên vừa thét để xin lối đi. Người ở trên cây, ở dưới sân, ở ngoài đường, ngồi trên xe, cõng lên vai đều nhìn thấy rõ nước mắt cha mẹ già của nạn nhân. Bây giờ ngồi trước mặt chúng tôi ông bà Liễu gần như thẩn thờ, mỏi mệt, thậm chí những giọt nước mắt chúng cứ đọng mãi trong mắt không chảy nổi ra ngoài. Ba năm nay, con gái tàn phế nằm bệnh viện, đứa cháu ngoại sáu tuổi con chị Thuận chạy về níu áo ông bà đòi trả lại mẹ, đứa con trai là anh Đoàn Cư (em Thuận) đang học đại học ở Sài Gòn phải bỏ về để chạy lo giúp chị nhưng bất lực. Bấy nhiêu đó thôi cũng làm ông bà suy sụp mất hết niềm tin.
Nhìn cảnh nhà ông bà già thật ái ngại, lo lắng. Chúng tôi hỏi ông bà Liễu về khoản tiền bồi thường toà xử lần thứ nhất, ba tên tội phạm phải đền 120.000 đồng tính bằng hai tấn gạo giá hồi ấy. Đến khi toà án tối cao xử lần thứ hai, tội nhân phải đền 240.000 đồng bằng bốn tấn gạo lúc bấy giờ. Vậy từ ấy đến nay việc thực hiện đền bù đã đến đâu. Ông Liễu cho biết, sau ngày xử đúng một năm gia đình Lực, Phong có mang 43.000 đồng đến đưa, nhưng ông không nhận. Ông không nhận là đúng, vì khoản bồi thường để nạn nhân được sống, được nuôi con, nay đưa lắt nhắt, khi có khi không thì không thể được. Đây là nói khoản tiền tội nhân đền mà toàn án xử bằng giá bốn tấn gạo là hết sức vô lý, chẳng lẽ nạn nhân ăn hết 4 tấn gạo kia rồi hết, rồi chết sao?
Chúng tôi hỏi bà Liễu, nghe nói gần đây uỷ ban xã có kế hoạch giúp đỡ, gia đình có bớt được túng bấn không? Bà Liễu lau nước mắt sụt sùi:
- Họ nói vậy chớ có giúp đỡ gì. Tiền bồi thường gần ba năm nay còn chưa có. Mới đây thôi, con Tiến (em chị Thuận) có bỏ ra tám ngày công để xuống bệnh viện nuôi chị, vậy mà họ cũng bắt trừ công điểm, gây nhiều khó khăn cho gia đình.
- Gặp ông bà Liễu chúng tôi muốn biết ba tên tội phạm kia từ trước có thù oán gì với ông bà không để đến nỗi chỉ vì 150 lọ thuốc nghi cho Thuận rồi đánh đập, tra tấn đến tàn phế như vậy. Ông Liễu ngồi im, hình như có một điều gì đó ông chưa dám nói, vì đi với chúng tôi có người của Uỷ ban theo. Rồi như chợt nhớ ra, ông Liễu chậm rãi nói, nhà ông không thù ai, không xích mích ai. Vậy mà khi họ bắt Thuận lên anh Đạt công an xã bước ra đánh đầu tiên. Nói đến tên Đạt chúng tôi vụt nghĩ, lại một nhân vật, một tài liệu mới có liên can vụ án nữa sao?
Ngoài sân vẫn mưa, gió từ ngoài thốc vào làm lật mất tờ tranh ố cũ, mấy tấm bằng khen đã ố cũ treo trên vách. Chúng tôi quay sang hỏi ông Liễu hồi chống Mỹ và sau này làm công tác gì. Ông Đoàn Liễu ngồi hai bàn tay chắp lại để trên đầu gối, giọng chậm rãi, miễn cưỡng, thật thà cho biết, ông làm tiếp tế cơ sở, nuôi giấu cán bộ, sau giải phóng làm công tác thi đua trong uỷ ban được mấy năm. Nhìn ông tầm thấp, chậm chạp làm chúng tôi nghĩ tới Thuận người con gái đầu lòng giống ông như tạc.
Trước khi ra về chúng tôi hỏi anh Đoàn Cư, hiện nay chị Thuận được nhân dân cả nước quan tâm cứu giúp, uỷ ban và HĐND tỉnh có kế hoạch, có thông báo chạy chữa để phục hồi chức năng, riêng gia đình có yêu cầu gì thêm. Anh Cư đúng dậy nhìn hết chúng tôi một lượt, môi mấp máy rồi bật thành tiến khóc. Ông bà Liễu cũng oà khóc theo. Tiếng khóc trong gian nhà ấm nghe thật thương tâm. An cư nói trong tiếng khóc :
- Gần ba lăm nay cháu chạy đi gõ cửa các nơi, nhưng chị cháu vẫn im lặng chịu tàn phế một cách oan ức trên giường bệnh viện. Gia đình cháu đội ơn báo Tiền Phong, báo Thanh Niên đã kêu cứu. Báo là người giải oan cho chị cháu. Cháu ngàn lần đội ơn.

Bà Liễu bước đến bên chúng tôi lấy ống tay áo lau nước mắt :
- Nhà tôi có làm gì ác với họ mà sao con tôi lại chịu tàn phế oan uổng. Hay vì con tôi bị họ đánh đến nông nổi này là vì cha nó tham gia cách mạng. Trời ơi là trời …
Bà Liễu lịm trong tiếng khóc ngất. Chúng tôi chào ra về. Ông Liễu theo ra hai tay cứ chắp lại vái vái chúng tôi. Giọng ông Liễu trầm trầm, chúng tôi nghe rõ từng tiếng “xin cảm ơn các bác, tôi xin lạy trời lạy đất đền ơn”.
Trên đường trở ra uỷ ban xã, một ông cụ người hàng xóm theo chúng tôi ra đường bỗng níu lấy chúng tôi hỏi: “Không chỉ thằng Lực, thằng Bắc, thằng Phong đánh cô Thuận đâu. Ông giữ kín cho tôi, vì họ còn ở đây. Ông Ánh chủ tịch không hiểu sao lại không liên can. Hồi đó, bà con xã chúng tôi đã đặt thành vè về ông Ánh và các ông khác nữa đấy”.
Về đến trụ sở đã thấy đồng chí Phạm Văn Ánh ngồi chờ trong phòng khách. Sau khi nghe chúng tôi hỏi, hồi ấy anh là chủ tịch có ra lệnh bắt chị Đoàn Thị Thuận lên trụ sở không? Bọn tội phạm đánh đập tra tấn chị Thuận anh có biết không? Và sau vụ tra tấn anh có báo cáo cho bí thư và chủ tịch thị xã biết không? Nói chung, Phạm Văn Ánh đều trả lời một cách ngập ngừng rằng anh cũng không còn nhớ nữa. Ngay lúc ấy, chúng tôi muốn nhắc lại trong phiên toà xử sơ thẩm Nguyễn Trọng Lực khai mọi hành vi đánh đập, tra khảo Đoàn Thị Thuận đều làm theo lệnh của chủ tịch. Như vậy, về mặt pháp luật cũng như nguyện vọng của nhân dân nếu ai có liên can, hoặc có trách nhiệm không thể đứng ngoài vành. Đã là pháp luật phải công minh. Thư của nhiều bà con ở phường 2 thị xã gửi cho chúng tôi nói rõ: “Bất cứ ai có liên can trong vụ án Đoàn Thị Thuận mà để “thất thoát” là đồng loã, là tội phạm, phải lôi ra cho hết. Dù là ba năm hay mười năm đi nữa cũng phải truy bắt để sao cho pháp luật đúng nghĩa “lưới trời thưa mà không lọt” chứ không phải như một nguồn tin trên một tờ báo nói “bây giờ không phải là lúc đặt lại vấn đề khi công an xã Hoà Quang đánh chị Thuận, ai là bí thư, chủ tịch tỉnh Phú Khánh, ai là bí thư, chủ tịch thị xã Tuy Hoà …”. Có phải đây là lời biện hộ, hay muốn xoá nhoà pháp luật.
Gần bảy giờ tối chúng tôi từ giã xã Hoà Quang ra về. Đường trở lại thị xã chìm trong màn mưa to gió lớn. Đèn pha xe quét sáng thấy rõ vòng cung núi Miếu ôm gọn Hoà Quang trong cánh tay khổng lồ. Từng con đường, từng hẻm núi, từng cánh đồng gợi lên gương mặt anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ của xã Hoà Quang. Nhưng nay trong vụ việc Đoàn Thị Thuận, mười bảy nghìn người dân với hai vụ lúa năm trù phú mang một nỗi đau chung – nỗi đau vì một con người quê hương, một công dân xã hội chủ nghĩa Việt Nam xúc phạm một cách ghê gớm.

5. Trong căn phòng làm việc của anh, nghe tiếng sóng
Về đến Nha Trang, một ngày sau chúng tôi được gặp đồng chí Võ Hoà chủ tịch tỉnh. Phòng làm việc của anh không rộng lắm, vách dát gỗ đã cũ. Cách chiếc bàn lớn của anh làm việc là bộ bàn ghế nhỏ cũng bằng gỗ để anh tiếp khách. Anh làm việc cả ngày lẫn đêm trong chiếc phòng này. Thường anh làm việc đến 9 giờ đêm, đi bộ về nhà.
Anh mời chúng tôi uống trà nóng và hỏi chuyện chuyến đi ra thị xã Tuy Hoà. Chúng tôi trình bày để anh biết thêm những sự việc chưa thật rõ ràng và cả những điều gọi là “sự thật về một sự thật” xung quanh vấn đề Đoàn Thị Thuận. Cuối cùng chúng tôi kiến nghị những việc cần phải làm tiếp theo đối với nạn nhân Đoàn Thị Thuận đang trên giường bệnh và với gia đình ông Đoàn Liễu. Nhất là những ai có trách nhiệm, có liên can trong vụ Đoàn Thị Thuận hiện nay đang ngoài vòng pháp luật cần phải điều tra để thực hiện ý nghĩa mọi người đều công bằng trước pháp luật.
Anh Võ Hoà im lặng, nét mặt buồn rõ rệt. Một chút sau anh nói cái nỗi đau của mình. Đây là một trong những nỗi đau của tỉnh nhà. Vụ Đoàn Thị Thuận làm xúc động lòng người lương thiện. Kẻ xấu, kẻ ác đã gây nên nỗi đau đớn bất hạnh, quyền sống con người bị xúc phạm một cách trắng trợn, một cách nghiêm trọng. Cuối cùng anh nói rõ ý định của mình, là chủ tịch là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ đặt thành chương trình nghị sự để cốt sao xử lại thật công bằng, thật đúng pháp luật không để tội phạm lọt lưới. Trong lúc anh nói hay dừng lại để suy nghĩ, chúng tôi lắng nghe một âm thanh vang dội trong căn phòng. Biết chúng tôi đang tìm kiếm cái âm thanh kia, anh Võ Hoà bằng giọng lắng xuống thật nhỏ nhẹ :
- Tiếng sóng đấy đồng chí à. Sóng của biển ngoài kia. Đêm nay sóng vang hơn chắc là ảnh hưởng của cơn bão xa. Các đồng chí à, đêm ngày ở đây tôi nghe rõ tiếng sóng, bởi vì trong tiếng sóng có nỗi đau …

Dưới ánh đèn, chúng tôi thấy ánh mắt anh đang nhìn ở phía xa, và nỗi đau đang xâm chiếm trong anh. Lúc này chúng tôi thấy rõ anh thật tình người, thật nhân hậu. Chúng tôi chào từ giã, anh theo ra đứng dưới mái vẫy tay loáng sáng. Ngồi trong xe sao chúng tôi vẫn nghe tiếng song trong phòng anh.
Ngày hôm sau chúng tôi lên đường về thành phố thì đã nghe cơn bão số 10 đổ vào Phú Khánh. Chúng tôi tin trong cơn bão dữ, anh Võ Hoà sẽ làm được ý định và thắng lợi một cách quyết liệt từ tấm lòng nhân hậu của anh.

Những ngày đầu tháng 11.1988

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét