Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

MỘT LÁ THƯ ĐẶC BIỆT

MỘT LÁ THƯ ĐẶC BIỆT

Cuối tháng 12.1988 bữa điện thành phố chuyển đến tôi thư của anh Trương Ngô Dũng, chồng cũ của Đoàn Thị Thuận. Trong thư anh Dũng nhờ chuyển thư anh đến toà soạn TT Thanh Niên sử dụng. Trong thời gian TTTN có nhiều việc, nhiều bài cần thiết về vụ án Đoàn Thị Thuận nên thư anh Trương Ngô Dũng chưa dùng được.
Đến nay sự việc về vụ án Đoàn Thị Thuận đã thật sáng rõ, nhất là kiểm sát viên cao cấp đồng chí Khuất Văn Hiến của VKSTC về kiểm tra và đã có kết luận. Nhân dịp làm việc tôi có đưa thư anh Trương Ngô Dũng cho đồng chí Hiến xem. Đồng chí Hiến xin mượn bức thư. Hôm trả, anh Hiến có ý định mượn lại thư Dũng để ĐC Viện trưởng VKSTC đọc. Theo anh, thư anh Trương Ngô Dũng có nhiều điều sẽ làm rõ thêm trong vụ án Đoàn Thị Thuận.
Nhân dịp xuất bản tập phóng sự, thư anh Dũng là một tài liệu rất cần thiết để bạn đọc tham khảo và hiểu thêm mức độ nghiêm trọng của vụ án. Sự nghiêm trọng không riêng “nhân vật” chính là chị Thuận mà còn nhiều người khác cũng có liên can, một sự liên can có chủ ý, có áp đặt trắng trợn và thô bạo.
Trong khi cho đăng thư anh Trương Ngô Dũng chúng tôi có cắt bớt và lược đi nhiều chỗ nặng nề, nhất là thái độ đau xót hoặc căm tức của người trong cuộc.
Xin cảm ơn
TRÚC CHI

Tuy Hoà, ngày 6.12.1988
Kính gửi ban biên tập TT Thanh niên,

Cho phép tôi : Trương Ngô Dũng, cha đẻ cháu Trương Tài Chức 6 tuổi, chồng cũ của nạn nhân Đoàn Thị Thuận được gửi đến “tâm sự một nỗi đau” với quí báo.
Nối bước cha anh, bản thân tôi có lăn lộn với năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhân dân được giải phóng hưởng niềm vui, hạnh phúc. Mặc dù chiến tranh có cướp đi một phần xương thịt, nhưng khi về lại địa phương tôi vẫn cố gang lao động góp phần xây dựng đất nước. Nhưng thực tế đại phương đối xử với tôi như đặt tôi vào một “ngõ tối” trong xã hội. Thực tế cấp lãnh đạo, trong đó một số người lợi dụng chức quyền dựng thành bức tường che đậy và ngăn cách giữa nhân dân với Đảng. Tôi là nạn nhân trong bức tường này, 13 năm tôi mang một nỗi đau, nhất là trong vụ việc cô Đoàn Thị Thuận tôi xin được kêu oan.
Tôi sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo khổ. Sau đất nước được giải phóng, tôi mang thương tật trở về mang “danh dự” là thương binh. Năm 1979 tôi với cô Thuận xây dựng với nhau, chúng tôi sinh được một cháu trai nay trong 6 tuổi. Trong thời gian chung sống, vết thương thương lại hành hạ làm tôi sinh ra tính tình khó chịu. Trái tính trái nết của tôi mà làm vợ con không chung sống được phải đi đến ly hôn. Hai chúng tôi xa nhau nhưng giọt máu của chung lại gửi gắm cho mẹ nó nuôi nấng.
Nhưng ngờ đâu bọn công an xã Hoà Quang lợi dụng chức quyền đánh đập tra tấn dã man cô Thuận để đi đến tê liệt gần hết toàn thân. Giờ con tôi biết gửi gắm vào đâu? Tôi đau đớn và thất vọng. Ngày mai đứa con của chúng tôi sẽ ra sao? Ngày mở phiên toà sơ thẩm tôi có đến dự để được thấy sự công bằng, công lý.
Sáng hôm đó trời mưa to gió lớn nhưng trong ngoài hội trường người đông nghịt. Lúc ấy nhìn từ xa một chiếc xe con chạy đến, ai cũng đoán là cán bộ cao cấp đến dự. Chiếc xe dừng lại, trên xe bước xuống lại là hai tên Lực và Bắc cùng hai công an của trại. Lực, Bắc ăn mặc sang trọng, trong mặc sơ mi trắng, ngoài khoác áo lạnh, xỏ hai tay vào túi đi vào. Nhìn chúng tưởng như đại biểu dự phiên toà. Khi toà hỏi từng tên về cách thức đánh đập tra tấn cô Thuận, tên Bắc khai một cách thản nhiên việc trói hai tay nạn nhân ra sau lưng kéo lên thả xuống, việc dùng thước bảng gỗ đánh vào hai chân, dùng hai chân đá vào người cho đến ngất xỉu. Chúng khai đến đâu nhân dân ào ào, sôi sục đến đấy. Tiếng ồn làm át tiếng người xử, tiếng người khai. Thấy không khí căng quá phiên toà xử phải dừng lại, chiều xử tiếp. Thấy tên Bắc theo công an đi ra với thái độ xấc láo, nghĩ đến tội ác của nó, tức quá không chịu được, nên tôi có tát nó một tát vào mặt,
Ngay đó, công an bắt tôi, còng hai tay chặt lại. Còng bóp làm hai tay tôi đau buốt. Cũng ngay sau đó họ giải tôi lên công an thị, lập biên bản đưa thẳng tôi ra trại giam thị xã Tuy Hoà. Vừa vào trại giam tôi liền bị công an đánh đập tàn nhẫn rồi đưa tôi vào biệt phòng. Ở biệt phòng hai chân tôi còn chéo cho đến 10 ngày. Đến ngày thứ 10 công an trại tạm giam đem cáo trạng đến phòng giam tôi đọc và mở còng đưa tôi ra toà luôn. Trên đường đi ra toà hai tay tôi trói lại, trong khi người tôi đang lã đi, quần áo hôi thối, rách nát vì trong 10 ngày tiểu tiện đại tiện tại chỗ. Trong 10 ngày đó, cha mẹ, anh em đã bảy lần mang cơm nước, thuốc men, quần áo đến cho tôi đều bị xua đuổi, bắt đem về nhà.
Đến toà án để xử, nhưng vì công an trại đưa đi muộn nên phải đem đến VKS thị xã. Viện KS đọc lại bản cáo trạng, rồi ông phó chánh án hỏi tôi ba điều. Một, ai báo cho anh biết phiên toà sơ thẩm mở xử vụ công an xã Hoà Quang đánh người gây thương tích mà anh đến. Hai, anh đến bằng phương tiện gì? Ba, ai kích động anh đánh Trương Văn Bắc?
Mặc dù tôi rất mệt nhưng cũng rang trả lời theo ba câu hỏi trên. Phiên toà xử bọn đánh người dã man từ người già đến trẻ nhỏ toàn thị xã ai cũng biết ai cũng đến. Tôi đến trên một chiếc xe ngựa có chở nhiều hành khách, trong đó có 7 phụ nữ cùng đi. Tội dã man của bọn chúng làm tôi nghĩ đến đứa con nên không kìm được, có đánh tên Bắc một tát tai. Đánh xong tôi có ân hận. Ông VKS nêu có ý kiến tôi cố ý đánh người gây thương tích, phạm điều luật 190 của bộ Luật hình sự nên bị phạt từ từ 6 đến 9 tháng và bồi thường 750đ tiền thuốc cho tên Bắc. Nộp tiền bồi thường mặc dù không thấy giấy tờ đơn thuốc mà chỉ qua lời khai của tên Bắc mà thôi. Rồi sau gần 30 phút xét xử, toà tuyên án tôi bị phạt 6 tháng tù giam.
Ba tháng liền ở trại giam hai chân tôi bị còng, đến tháng thứ tư ban ngày được tháo còng, ban đêm thì còng lại. Có một lần vết thương đau nhức hành hạ, tôi kêu rên thì cán bộ trại được lệnh của Trương Trọng Lực vào còng suốt 7 ngày 7 đêm. Đến tháng thứ 5, ngày cho ra lao động, tối tôi lại bị còng. Tháng thứ 6 cũng như tháng thứ 5 cho đến ngày mãn tù tôi được về nhà.
Trong thời gian tôi bị giam ở trại bị hành hạ đủ điều thì bọn Lực, Bắc cùng với số cán bộ du kích xã Hoà An cũng đánh người gây thương tích được tự do ở ngoài ngày cũng như đêm. Họ được gọi bằng cái tên “tù tự giác”. Không sót một đêm số người “tù tự giác” này mà không nhậu nhẹt, chè chén với cán bộ quản lý trại. Và cũng trong suốt 6 tháng bị giam tôi chứng kiến bọn Lực, Bắc luôn được về nhà. Và chính tôi thấy những sự việc như sau : cán bộ, bí thư Đảng uỷ xã Hoà Quang là Nguyễn Công Báu và chủ tịch Phạm Văn Nguyên thường xuyên đến thăm hỏi ân cần hai tên Lực, Bắc. Hàng tháng có phái đoàn của thị xã đến thanh tra danh sách tù trong trại. Phái đoàn gồm có cán bộ thay mặt toà án, thay mặt VKS và công an thị. Sau giờ thành tra xong lại cờ bạc, rượu chè, có hôm gây gổ đánh nhau trong bàn tiệc. Và điều này nữa, chỉ trừ tù ăn trộm, ăn cắp thì không biết điều thôi, còn các tội phạm khác cái gọi là “biết điều” thì tù thoải mái, tự do đi lại trong trại, không bị giam cùm gì hết.
Tôi là người dân bất hạnh do nhiều nghịch cảnh mà phải nhận nỗi đau này. Tôi đã được đi theo Đảng, theo cách mạng nên trông chờ vào sự sáng suốt của Đảng mà xem xét mặt trái của ban lãnh đạo xã Hoà Quang và thị xã Tuy Hoà, phẩm chất, đạo đức cách mạng ở đâu? Mong Đảng phán xử nghiêm minh.
Tôi cũng là một trong những người chịu nỗi oan, viết thành thư gửi đến công luận để nhờ công luận giúp đỡ. Đồng thời cho tôi được nói lời cảm ơn đến bà con gần xa, các cơ quan chức trách, đến toà soạn Tiền Phong, toà soạn TT Thanh niên.
Kính mong mọi sự giúp đỡ để đưa vụ án Đoàn Thị Thuận từ trong cái mập mờ, lầm lẫn ra ánh sáng công minh, những gì đã là tội phạm thì không được đứng ngoài vòng tội phạm.
Kính thư
Ký tên : Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét